Thị trường hàng hóa
Đòn bẩy quan trọng trong thương mại quốc tế
Thông tin được bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại diễn đàn "Kết nối và phát triển thương mại điện tử" với chủ đề "Thương mại điện tử xuyên biên giới: cơ hội xuất khẩu sản phẩm Việt Nam" ngày 26/11 tại Hà Nội.
Theo bà Oanh, quy mô tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam hiện đang đứng trong top đầu của thế giới cũng như Đông Nam Á. Quy mô TMĐT của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD vào năm 2023. Theo đó, quy mô của nền kinh tế số đạt khoảng 30 tỷ USD, nằm top 3 trong Đông Nam Á. Dự kiến cho đến năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 45 tỷ USD.
"Những con số này cho thấy tốc độ tăng trưởng và mức độ năng động của thị trường TMĐT Việt Nam cũng như tạo thế sẵn sàng cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG)", Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số nhìn nhận.
Theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐTXBG là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xuất khẩu.
TMĐTXBG được coi là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xuất khẩu. Theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2023, 53% DN tham gia xuất khẩu thông qua sàn giao dịch TMĐT. 47% DN đã có sử dụng website hoặc ứng dụng tương tự mà họ tự xây. Khoảng 60% DN cho biết, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua TMĐTXBG chiếm khoảng 10-30% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của DN. Điều này khẳng định vai trò của TMĐTXBG như đòn bẩy quan trọng cho hoạt động thương mại quốc tế.
Theo khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam đều ghi nhận TMĐT được coi là một phương thức hữu hiệu để có thể đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của DN trong thời gian vừa qua.
Tuy vậy, theo bà Oanh, nhiều doanh nghiệp chia sẻ gặp không ít thách thức và khó khăn trong xuất khẩu trực tuyến. Trong đó có việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước sự cạnh tranh của hàng hoá nước ngoài qua kênh TMĐTXBG. Cùng đó là việc giữ chi phí logistics ở mức thấp và giao hàng đúng hạn. Đây là áp lực vô cùng lớn với các DN vừa và nhỏ Việt Nam.
Trong khi đó, rào cản ngôn ngữ là thách thức ngày càng gia tăng đối với TMĐTXBG. Bởi hoạt động này yêu cầu sự tương tác trực tiếp và diễn ra trong khoảng thời gian ngắn với các đối tác. Do vậy, ngôn ngữ hiển thị phải là cầu nối để có thể truyền tải thông tin thông tin chính xác với người mua.
Một thách thức nữa là khả năng cung cấp dịch vụ, giải đáp phản hồi từ khách hàng theo thời gian thực, góp phần vào việc chốt đơn nhanh cũng khiến DN các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các DN siêu nhỏ gặp khó.
Xây dựng hệ sinh thái TMĐT hoàn chỉnh
Chính phủ Việt Nam cũng đã hỗ trợ rất mạnh mẽ cho việc phát triển TMĐTXBG. Điển hình là kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 và rất nhiều DN được hưởng lợi từ chương trình. Với chương trình này, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 cái sáng kiến quan trọng với 2 mục đích. Đó là thiết lập một nền tảng cơ bản cho việc thúc đẩy TMĐT, trong đó có TMĐTXBG. Triển thai một loạt các chương trình nâng cao năng lực cho cộng đồng DN, trang bị kỹ năng số, những ứng dụng TMĐT trong kinh doanh, tập trung vào xuất khẩu trực tuyến.
Các đại biểu tham quan gian hàng trong khuôn khổ diễn đàn "Kết nối và phát triển thương mại điện tử".
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển TMĐTXBG, ông Liu Liang - Đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc cho biết, những cải tiến về chính sách TMĐTXBG của Trung Quốc cũng mang lại nhiều cơ hội hơn cho Vân Nam. Ví dụ, các mô hình xuất nhập khẩu TMĐT như 9610, 9710, 9810 và 1210, thông qua việc đơn giản hóa quy trình hải quan và giảm chi phí thuế, đã tăng đáng kể sự thuận tiện trong thương mại. Đặc biệt, mô hình 9610 - "xuất khẩu trực tiếp TMĐTXBG" đã trở thành sự hỗ trợ quan trọng trong thương mại giữa Vân Nam và các quốc gia ASEAN.
Cũng theo ông Liu Liang, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc. Trong đó, thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua các nền tảng TMĐTXBG của Vân Nam, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc.
Để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, cần xây dựng một hệ sinh thái TMĐT hoàn chỉnh hơn. Bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ công nghệ, đào tạo nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử có tầm nhìn quốc tế.
Trong khi đó, theo ông Jang Woo Sung - Hiệp hội xuất khẩu tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt và nhiều biến động hiện nay, cần tập trung vào logistics và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), để tối ưu hóa kết nối, tăng hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN.
Đưa ra khuyến nghị cho DN, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, phương thức hữu hiệu với các DN là tham gia các sàn TMĐT uy tín. Với các sàn có sẵn này, DN không phải đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực.
Cùng đó, DN phải chủ động, liên tục cập nhật xu hướng thị trường, quy định của nước sở tại để đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến. Khi tham gia vào TMĐT, DN cần đầu tư cho thương hiệu sản phẩm tại thị trường đích mà DN muốn hướng tới.
Cũng theo bà Oanh, Cục TMĐT và Kinh tế số đang nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến để hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam xuất khẩu trực tuyến hiệu quả. Trong quá trình hình thành hệ sinh thái, Cục mong muốn các DN trong nhiều lĩnh vực liên quan hỗ trợ có được hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến hoàn chỉnh, qua đó hỗ trợ DN tốt nhất trong việc chinh phục thị trường.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm