Thị trường hàng hóa
Nhập khẩu bông và xơ sợi ngược chiều trong tăng trưởng
Báo cáo cho thấy, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bông của Việt Nam trong tháng 8/2023 ghi nhận giảm cả về lượng và giá trị so với tháng 7/2023. Cụ thể, lượng bông nhập khẩu trong tháng đạt 121,9 nghìn tấn, giảm 6,0% so với tháng trước và giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Về giá trị, nhập khẩu bông ước tính đạt 245,2 triệu USD, giảm 8,0% so với tháng trước.
Đáng chú ý, trong khi nhập khẩu bông giảm thì nhập khẩu xơ sợi lại tăng trong cùng thời điểm. Cụ thể, lượng nhập khẩu xơ sợi tháng 8/2023 đạt 84,6 nghìn tấn tháng 8, tăng 8,1% so với tháng 7/2023 nhưng giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Về giá trị, nhập khẩu bông tăng 8,5% so với tháng trước, lên 181,4 triệu USD.
Ngoài ra, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày tháng 8/2023 tăng 5,6% lên 538,1 triệu USD. Nhập khẩu vải tăng 11,4% lên mức cao nhất 1,084 tỷ USD.
Như vậy, nhìn chung, nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu dệt may đều tăng so với cùng tháng trước ngoại trừ bông.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu chính phục vụ ngành dệt may của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi lạm phát và các yếu tố khác.
Nhập khẩu bông trong 8 tháng đầu năm đạt 880,7 nghìn tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Về giá trị, nhập khẩu bông đạt 1,916 tỷ USD, giảm mạnh hơn ở mức 24,8%.
Nhập khẩu xơ sợi 8 tháng năm 2023 đạt 672,7 nghìn tấn, giảm 8,1%. Giá trị nhập khẩu sợi cũng giảm 23,8%, đạt 1,416 tỷ USD.
Đối với vải, kim ngạch nhập khẩu đạt 8,478 tỷ USD, giảm 17,8%. Nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày nhập về cũng giảm 15,3%, đạt 3,931 tỷ USD.
Lượng nhập khẩu bông nguyên liệu tăng trở lại
Dù vậy, nhìn rộng hơn ở bức tranh chung, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam nhận định, lượng nhập khẩu bông nguyên liệu đã tăng liên tiếp trở lại so với cùng kỳ năm 2022 (bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4/2023) do giá bông thế giới có dấu hiệu tăng trở lại nhờ hỗ trợ kép từ sự suy yếu của đồng USD và sự khởi sắc của giá dầu.
Tháng 7/2023, thị trường dệt may toàn cầu có những dấu hiệu cải thiện. Theo khảo sát ngành Dệt may toàn cầu (GTIS), ngành dệt may toàn cầu đang trên đà phục hồi, tồn kho của các hãng ở mức thấp, doanh thu bắt đầu tăng nhẹ.
Tổng cầu dệt may toàn cầu được cải thiện đã tác động đến giá bán bông.
Như vậy, tháng 7/2023 là tháng thứ 11 liên tiếp giá nhập khẩu bông nguyên liệu vào Việt Nam giảm kể từ khi đạt mức đỉnh vào tháng 8/2022.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt trung bình 2.203 USD/tấn, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá bông nhập khẩu trung bình từ các thị trường chính trong tháng 7/2023 giảm nhẹ so với tháng 6/2023, trừ giá bông nhập khẩu từ thị trường Argentina tăng 15,7% lên 1.897 USD/tấn, giá bông nhập khẩu từ thị trường Indonesia tăng 9% lên 1.788 USD/tấn...
Giá bông nhập khẩu nguyên liệu năm 2022 và 2023 (Nguồn: VCOSA)
Xét về thị trường, trong 7 tháng đầu năm 2023, có 11 thị trường cung cấp bông nguyên liệu cho Việt Nam, tăng 1 thị trường so với cùng kỳ năm 2022. Lượng nhập khẩu bông nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả thị trường chính tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, trừ thị trường Brazil giảm...
Trong đó, nhập khẩu bông từ thị trường Hoa Kỳ lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2023, đạt 338 nghìn tấn, trị giá 747 triệu USD, tăng 11,4% về lượng nhưng giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 44,6% tổng lượng bông nhập khẩu. Riêng trong tháng 7/2023, lượng nhập khẩu bông từ thị trường này đạt 50,67 nghìn tấn, trị giá 106,34 triệu USD, giảm 28,1% về lượng và giảm 28,7% về trị giá so với tháng 6/2023, giảm 10,4% về lượng và giảm 38% về trị giá so với tháng 7/2022.
Nhập khẩu bông từ thị trường Australia đứng ở vị trí thứ 2, với lượng nhập khẩu đạt 172 nghìn tấn, trị giá 395 triệu USD, tăng mạnh 107,5% về lượng và tăng 70% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 7/2023, lượng nhập khẩu bông từ thị trường này đạt 47,21 nghìn tấn, trị giá 100,94 triệu USD, tăng 167,1% về lượng và tăng 168,3% về trị giá so với tháng 6/2023, tăng 81,4% về lượng và tăng 25,1% về trị giá so với tháng 7/2022.
Ngoài ra, nhập khẩu bông từ nhiều thị trường khác giảm mạnh về lượng trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 như: nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ giảm 61,9%; từ Argentina giảm 90%; từ Bờ Biển Ngà giảm 80%.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Hoa Kỳ, nước này sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu bông theo thuế suất trượt lên tới 750.000 tấn bông cho các công ty quốc doanh. Điều này càng góp phần thúc đẩy nhu cầu về bông sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Với xu hướng tăng của giá bông thế giới, dự báo, giá nhập khẩu bông nguyên liệu vào Việt Nam cũng sẽ nhích tăng. Cùng với đó, thị trường dệt may thế giới đang có dấu hiệu khởi sắc, dự báo nhập khẩu bông nguyên liệu vào Việt Nam cũng sẽ tăng trong thời gian tới.
Giá nhập khẩu xơ nguyên liệu ổn định ở mức thấp
Đối với xơ sợi, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu xơ nguyên liệu từ 33 thị trường, tăng 8 thị trường so với cùng kỳ năm 2022.
Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp xơ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, lượng nhập khẩu trong tháng 7/2023 đạt 13,62 nghìn tấn, trị giá 15,41 triệu USD, giảm mạnh 29,8% về lượng và giảm 31,5% về trị giá so với tháng 6/2023; giảm 2,3% về lượng và giảm 25,8% về trị giá so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam đạt 112,31 nghìn tấn, trị giá 130,53 triệu USD, chiếm 47,5% tổng lượng nhập khẩu, tăng 14,2% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu xơ nguyên liệu từ thị trường Thái Lan đứng vị trí thứ 2, với lượng nhập khẩu đạt 5,6 nghìn tấn, trị giá 6,81 triệu USD, tăng 30,1% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với tháng 6/2023; tăng 32,9% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ thị trường Thái Lan đạt 31,8 nghìn tấn, trị giá 38,65 triệu USD, chiếm 10,2% tổng lượng nhập khẩu xơ nguyên liệu của Việt Nam, tăng 22,3% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn chung trong 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu xơ nguyên liệu từ các thị trường cung cấp chính vào Việt Nam đều tăng, trừ nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc giảm 37,9% về lượng...
Đáng chú ý, lượng nhập khẩu xơ nguyên liệu từ một số thị trường tăng rất mạnh trong 7 tháng đầu năm 2023 như Bangladesh, Áo, Hong Kong ...
Về giá, tháng 7/2023, giá xơ nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt trung bình 1.256 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 6/2023 nhưng giảm 22% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xơ nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đạt trung bình 1.297 USD/tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, giá xơ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc thấp nhất, đạt 1.131 USD/tấn; tiếp đến là từ Indonesia đạt 1.134 USD/tấn... và giá nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc cao nhất với mức giá 1.460 USD/tấn...
Trên thị trường thế giới, theo nguồn tin từ Trung tâm Thông tin về mạng lưới dệt may toàn cầu (https://www.tnc.com.cn/info/), giá xơ polyester tại Trung Quốc đã tăng trong những ngày gần đây, và đạt mức 7.500 NDT/tấn vào ngày 23/8/2023, cùng thời điểm ngày 18/7/2023 đạt 7.265 NDT/tấn...
Mặc dù giá xơ thế giới tăng nhẹ, tuy vậy, với nhu cầu phục hồi từ thị trường dệt may thế giới, nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may nói chung, mặt hàng xơ nguyên liệu sẽ phục hồi trong thời gian tới.
Theo Liên đoàn Các nhà sản xuất Dệt may Quốc tế (ITMF), ngành dệt may toàn cầu đang trên đà phục hồi khi các công ty trong ngành dệt may thích nghi với môi trường thách thức và có những cải thiện. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm ngành dệt may toàn cầu đã có sự cải thiện đáng kể, đây là tín hiệu cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành.
Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng bị hủy thấp trên phạm vi toàn cầu, do hầu hết các công ty trong chuỗi cung ứng dệt may báo cáo mức tồn kho trung bình hoặc thấp, khiến cho việc hủy bỏ không cần thiết. Đáng chú ý, có 96% các nhà sản xuất hàng may mặc toàn cầu báo cáo mức tồn kho trung bình hoặc thấp, trong khi các doanh nghiệp xơ và sợi, dệt/đan mức tồn kho vẫn ở mức cao.
Hiện giá nhập khẩu xơ nguyên liệu vào Việt Nam vẫn ở mức thấp, tuy vậy, với những thông tin tích cực từ đà phục hồi của ngành dệt may toàn cầu và giá xơ nguyên liệu thế giới tăng trong những phiên giao dịch gần đây, đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lúc giá chưa tăng mạnh, tăng nhập khẩu nhóm nguyên liệu này để phục vụ nhu cầu sản xuất thời gian tới.
Xuất khẩu xơ sợi duy trì đà tăng trưởng giữa sụt giảm trầm trọng toàn cầu
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, nhìn chung, xuất khẩu xơ sợi vẫn duy trì đà tăng trưởng về lượng trong bối cảnh giá xuất khẩu giảm do ảnh hưởng lạm phát toàn cầu. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành dệt may Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 8/2023, lượng xuất khẩu xơ sợi đạt 174,2 nghìn tấn, tăng 12,1% so với tháng 7/2023. Kim ngạch xuất khẩu đạt 427,5 triệu USD, tăng 11,3% so với tháng 7.
Xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,44 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 7/2023 nhưng giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu vải đạt 223 triệu USD, tăng mạnh 24,4% so với tháng 7. Xuất khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 185,3 triệu USD, tăng 12,4%. Xuất khẩu vải kỹ thuật đạt 57 triệu USD, cũng tăng 12,4% so với tháng trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng ngành dệt may trong 8 tháng năm 2023 đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vải kỹ thuật giảm mạnh nhất.
Lượng xuất khẩu xơ sợi đạt 1,16 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm 16,6%, đạt 2,878 tỷ USD. Xuất khẩu vải đạt 1,593 tỷ USD, giảm 17,7%. Xuất khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 1,311 tỷ USD, giảm 16,4%. Xuất khẩu vải kỹ thuật đạt 445,3 triệu USD, giảm mạnh nhất với 26,5%.
Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, ngành bông toàn cầu đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể cả về sản xuất và tiêu thụ, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Sản lượng sản xuất bông sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp, với mức giảm mạnh hơn 4,4 triệu kiện so với dự báo trước đó. Sản lượng giảm ở các khu vực như Tây Phi, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Mexico và Ấn Độ đã làm lu mờ sự gia tăng sản lượng ở Brazil.
Trong khi đó, dự báo tiêu thụ cũng giảm 1,1 triệu kiện, chủ yếu do nguồn cung giảm tại các quốc gia tiêu thụ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự kiến vẫn cao hơn năm trước 5 triệu kiện.
Dự báo thương mại toàn cầu đã được điều chỉnh giảm khoảng 600.000 kiện, xuống còn 43,3 triệu kiện, phản ánh mức tiêu thụ giảm ở các nước nhập khẩu lớn như Bangladesh và Việt Nam. Riêng tại Hoa Kỳ, dự báo xuất khẩu bông chỉ đạt 12,3 triệu kiện, mức thấp nhất trong 8 năm. Sự sụt giảm này là kết quả của việc nguồn cung giảm nhẹ.
Tồn kho cuối kỳ trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm hơn 1,6 triệu kiện xuống còn 90 triệu kiện. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do lượng tồn kho ban đầu giảm và sự điều chỉnh giảm sản lượng so với mức tiêu thụ.
Đáng chú ý, bất chấp những thách thức, giá bông trung bình của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng nhẹ trong vụ 2022-2023, tăng 1 cent lên 80 cent mỗi pound.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm