Thị trường hàng hóa
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 759.812 tấn, tăng 31,7% so với 5 tháng đầu năm 2021, thu về 499,94 triệu USD, tăng 169%.
Tính riêng trong tháng 5/2022, cả nước xuất khẩu 132.624 tấn phân bón, tương đương 87,82 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình 662 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng 4/2022, với mức giảm tương ứng 10,9%, 13,7% và 3%. Con số xuất khẩu này đã tăng 27,2% về lượng, tăng mạnh 146% kim ngạch và tăng 93,4% về giá so với tháng 5/2021.
Riêng với thị trường chủ đạo Campuchia, trong tháng 5/2022 xuất khẩu phân bón sang thị trường này tăng mạnh, tăng 34,2% về lượng, tăng 22,4% về kim ngạch và nhưng giảm 8,8% về giá so với tháng 4/2022. Cụ thể, xuất khẩu phân bón sang thị trường Campuchia đạt 65.547 tấn, tương đương 38,54 triệu USD, giá 588 USD/tấn; So với tháng 5/2021 cũng tăng 1,5% về lượng, tăng 66,5% kim ngạch và tăng mạnh 64% về giá.
Một số doanh nghiệp đã phải hạ giá để có thể xuất khẩu được sang thị trường Campuchia, trong bối cảnh giá phân bón đã tăng lên quá cao. Ông Ngô Văn Đông – Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: doanh nghiệp này đã phải giám 10% giá phân bón NPK để có thể xuất khẩu được bởi giá đã quá cao. Nếu vẫn giữ giá sẽ khó cạnh tranh được với phân bón cùng chủng loại của các nước trong khu vực.
Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cũng tăng 13,9% về lượng, tăng 7,2% kim ngạch nhưng giảm 5,9% về giá, đạt 14.480 tấn, tương đương 12,16 triệu USD, giá 839,6 USD/tấn; So với tháng 5/2021 tăng rất mạnh 6.482% về lượng, tăng 14.754% kim ngạch và tăng 125,7% về giá.
Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2022 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 759.812 tấn, tăng 31,7% so với 5 tháng đầu năm 2021, thu về 49,94 triệu USD, tăng 169%, giá trung bình đạt 658 USD/tấn, tăng 104%. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia, chiếm 27,8% trong tổng lượng và chiếm 23,6% trong tổng kim ngạch phân bón xuất khẩu của cả nước, đạt 210.885 tấn, tương đương gần 118,1 triệu USD, giá trung bình 560 USD/tấn, giảm nhẹ 1,5% về lượng, nhưng tăng 62,5% về kim ngạch và tăng 65% về giá so với 5 tháng đầu năm 2021.
Ở chiều nhập khẩu, trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 307.712 tấn phân bón, tương đương 150,8 triệu USD, giảm 5,2% về lượng và giảm 3% về kim ngạch so với tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng giảm 43,4%, kim ngạch giảm 5,8%.
Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc vẫn tăng 16% về lượng, tăng 23,7% kim ngạch, so với tháng trước đó, ở mức 182.203 tấn, tương đương 78,7 triệu USD. So với tháng 5/2021, lượng nhập từ Trung Quốc giảm 11% nhưng tăng 34% kim ngạch.
Ngược lại, nhập khẩu từ thị trường Nga giảm 78% về lượng và kim ngạch so với tháng 4, ở mức 4.448 tấn, tương đương 3 triệu USD. So với tháng 5 năm trước, lượng giảm 92%, kim ngạch giảm 83%. Tính cả 5 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước là 1,6 triệu tấn, giá trị hơn 737 triệu USD, giảm 17,4% về khối lượng, nhưng tăng 42% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 45,3% trong tổng lượng và chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước. Nga là thị trường lớn thứ hai cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 9% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á là 133.589 tấn, tương đương 82,4 triệu USD, giảm 34,7% về lượng nhưng tăng 38,4% kim ngạch so với 5 tháng năm 2021.
Thị trường phân bón trong nước những ngày qua ghi nhận giá một số loại phân bón có dấu hiệu ổn định hoặc đi ngang, thậm chí giảm nhiệt nhẹ. Nhất là giá ure đã giảm khoảng 5% so với cùng kỳ tháng trước. Ghi nhận ngày 27/6, giá phân ure Ninh Bình dao động khoảng 17.000đ/kg, ure Hà Bắc: 17.000; ure hạt đục Brunei 17.500đ/kg, ure hạt đục Malaysia: 17.500đ/kg.
Giá phân bón DAP thế giới đi ngang với 4.333 nhân dân tệ/tấn (647 USD/tấn). Giá mặt hàng này không đổi kể từ giữa tháng 6 đến nay.
Giá một số nguyên liệu trong sản xuất phân bón cũng không đổi so với ngày trước đó. Giá lưu huỳnh là 3.773 nhân dân tệ/tấn (564 USD/tấn). Giá mặt hàng này liên tục giảm từ đầu tháng 6 đến ngày 23/6 và đi ngang như hiện nay. Giá hiện tại thấp hơn đỉnh khoảng 7%. Giá photpho vàng cũng đi ngang với 38.280 nhân dân tệ/tấn (5.724 USD/tấn). Axit sulfuric là 1.018 nhân dân tệ/tấn (152 USD/tấn), không đổi so với ngày trước đó.
Nhận định về thị trường phân bón từ nay đến cuối năm, ông Phùng Hà – Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho rằng, Từ đầu năm 2022, giá urê trên toàn thế giới có dấu hiệu giảm dần trong tháng 3, tăng nhẹ trở lại vào tháng 4 và tháng 5. Cụ thể giá urê bình quân tháng 1/2022 là 18,7 triệu đồng/tấn, tháng 2 là 16,25 triệu đồng/tấn, tháng 3 là 14,16 triệu đồng/tấn, tháng 4 là 16,7 triệu đồng/tấn, tháng 5 là 16,45 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, với giá ure có xu hướng giảm nhiệt và đi ngang, giá một số loại nguyên liệu phân bón vẫn đi ngang ở mức cao, tình hình phân bón từ nay đến cuối năm có hạ nhiệt được hay không vẫn chỉ là một ẩn số.
Ông Phùng Hà cũng nhận định, với giá dầu thế giới vẫn ở mức cao và dự báo khó giảm trong những tháng cuối năm, giá phân bón hạ nhiệt hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm