Thị trường hàng hóa
Nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong năm tới khi các quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ gây ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng kinh tế, và hiện tại các chính sách thắt chặt này vẫn chưa tỏ ra hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát. Nhận định được đưa ra trong báo cáo mới đây nhất của World Bank.
Báo cáo này của World Bank cũng nhận định các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đang đồng loạt rút lại các biện pháp hỗ trợ tiền tệ và tài khoá, gây nên những tác động lớn tới thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giới đầu tư cũng cho rằng các Ngân hàng Trung ương cũng sẽ tăng mức lãi suất trung bình toàn cầu thêm gần 4% trong năm tới, cao gấp đôi so với mức năm 2021. Song song với đó là giữ lạm phát lõi ở mức 5%. Lãi suất có thể tăng tới 6% nếu như các Ngân hàng Trung ương muốn giữ lạm phát ở trong mục tiêu đề ra.
World Bank ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống chỉ còn 0,5% vào năm 2023. Chỉ số GDP bình quân đầu người có thể sẽ suy giảm tới 0,4% - Đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu bước vào một cuộc suy thoái. Như vậy, tăng trưởng kỷ lục trong năm 2021 cùng đà hồi phục kinh tế thế giới đã nhanh chóng bị cắt đứt trước khi hoạt động kinh tế kịp hồi phục trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh.
“Các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển hướng tập trung từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất”, Chủ tịch World Bank - ông David Malpass cho biết “Các chính sách nên hướng đến kích thích đầu tư, tăng năng suất cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn - là những yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo”.
Nghiên cứu của chuyên gia kinh tế World Bank – Jusstin-Damien Guenette, M. Ayhan Kose, và Naotaka Sugawara cũng đưa ra một số biện pháp để các Ngân hàng Trung ương có thể tiếp tục chiến đấu với lạm phát và không đẩy kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái.
Đầu tiên, các Ngân hàng Trung ương cần phải truyền thông rõ ràng về các chính sách điều hành để lạm phát kỳ vọng không bị đội lên, đồng thời giảm mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế phát triển cần phải hiểu rằng chính sách thắt chặt tiền tệ luôn có sức lan toả rất mạnh. Trong khi đó, các thị trường mới nổi cần tăng cường dự trữ ngoại hối và áp dụng chính sách quản lý vĩ mô thận trọng.
Các nước luôn phải thật cẩn trọng khi rút các biện pháp hỗ trợ tài khoá để đảm bảo đồng bộ với các mục tiêu về chính sách tiền tệ.
Theo dự báo của World Bank thì số quốc gia dự kiến thắt chặt chính sách tài khoá trong năm 2023 sẽ ở mức cao nhất kể từ năm 1990. Điều này sẽ làm tăng cường thêm các tác động của chính sách tiền tệ lên đà tăng trưởng kinh tế. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra các kế hoạch hợp lý trong trung hạn và có chính sách hỗ trợ các gia định dễ bị ảnh hưởng bởi các chính sách này.
Các nền kinh tế trên toàn thế giới cần phối hợp với nhau trong cuộc chiến chống lạm phát bằng cách thực hiện các bước đi mạnh mẽ để đẩy tăng nguồn cung trên toàn cầu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm