Thị trường hàng hóa
Đánh giá chung được đưa ra bởi Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của WHO, Ủy ban chuyên gia hỗn hợp của FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA).
Chất Aspartame đã được sử dụng trong nhiều sản phẩm thực phẩm và đồ uống từ những năm 1980, bao gồm đồ uống dành cho người ăn kiêng, kẹo cao su, kem và các sản phẩm từ sữa khác như sữa chua; ngũ cốc ăn sáng, kem đánh răng và các loại thuốc như thuốc ho và vitamin dạng nhai.
Các đánh giá mới này là những đánh giá công khai đầu tiên về chất làm ngọt của IARC. Các nhà khoa học đưa ra dẫn chứng chất này có thể gây ung thư.
Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của WHO cho biết các đánh giá “đã chỉ ra rằng, mặc dù tính an toàn không phải là mối e ngại chính ở liều lượng thường được sử dụng, nhưng các tác động tiềm tàng đã được mô tả cần được nghiên cứu kỹ hơn”.
Ông nhắc nhở rằng hiện tại cứ 6 người thì có 1 người chết vì ung thư: “Khoa học đang không ngừng nghiên cứu để đánh giá các yếu tố gây ra hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh ung thư, với hy vọng giảm thiểu số người mắc ung thư và chết vì bệnh này”.
Hai cơ quan đã tiến hành những nghiên cứu, khảo sát độc lập nhưng bổ sung cho nhau để đánh giá nguy cơ gây ung thư tiềm ẩn và các rủi ro sức khỏe khác.
JECFA kết luận rằng việc một người tiêu thụ một lượng đáng kể aspartame mỗi ngày vẫn an toàn. Một người trưởng thành nặng khoảng 70 kg (150 lbs) nếu tiêu thụ hơn 9-14 lon nước ngọt mỗi ngày thì mới vượt quá liều lượng khuyến nghị, giả sử không có lượng tiêu thụ từ các nguồn khác.
“IARC phân loại aspartame là chất có thể gây ung thư cho con người (Nhóm 2B) trên cơ sở những bằng chứng hạn chế về ung thư ở người (cụ thể là ung thư biểu mô tế bào gan, một loại ung thư gan)”, một thông cáo báo chí chung cho biết. “Cũng có bằng chứng hạn chế về ung thư ở động vật thí nghiệm và bằng chứng hạn chế liên quan đến các cơ chế có thể gây ung thư”.
Các đánh giá của IARC và JECFA dựa trên dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các bài báo, các báo cáo của chính phủ và các nghiên cứu được thực hiện cho các mục đích quản lý.
Các nghiên cứu đã được xem xét bởi các chuyên gia độc lập và cả hai ủy ban đã thực hiện các bước để đảm bảo tính độc lập và độ tin cậy trong công việc của họ.
Trong một tuyên bố được đưa ra để phản bác lại các nghiên cứu, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết họ không đồng ý với kết luận của IARC rằng aspartame nên được phân loại là chất có thể gây ung thư.
“Aspartame là một trong những chất phụ gia thực phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trong nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Các nhà khoa học của FDA không lo ngại về độ an toàn khi aspartame được sử dụng trong các điều kiện đã được phê duyệt”, tuyên bố cho biết thêm rằng Bộ Y tế Canada và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu đều đã đánh giá chất làm ngọt này và cho rằng nó an toàn ở mức cho phép hiện tại.
IARC và WHO cho biết họ sẽ “tiếp tục theo dõi bằng chứng mới và khuyến khích các nhóm nghiên cứu độc lập phát triển các nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ tiềm ẩn giữa sử dụng aspartame và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng”.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm