Thị trường hàng hóa
Những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý III/2022, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 13,7%, so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức rất cao trong vòng 10 năm qua.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), sự tăng trưởng kỷ lục trong quý III phần nào nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp. Bởi lẽ, trong quý III/2021, GDP Việt Nam giảm tới 6%, sau các đợt cách ly kéo dài nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19.
WB đánh giá, dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu rất tích cực. Như sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng rất cao, lần lượt là 13% và 36,1%.
Doanh số dịch vụ tăng nhờ vào doanh số bất động sản, các dịch vụ quản lý hành chính và hỗ trợ, y tế và giáo dục, giải trí, và các dịch vụ khác.
Nhờ vào kinh tế phục hồi, lực lượng lao động trở lại làm việc tiếp tục tăng. Theo đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng nhẹ từ 68,5% trong quý II/2022 lên 68,7% trong quý III/2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 71,3% trước đại dịch.
Tỷ lệ thất nghiệp đã quay lại mức trước đại dịch, tương đương 2,1% dân số trong khi tỷ lệ thiếu việc làm ở mức 1,9% vẫn cao hơn so với 1,2% trước đại dịch.
Thu nhập thực theo tháng tăng 0,4%, so quý trước, cao hơn 1,9% so với mức được ghi nhận trong quý I/2021, trước thời điểm quốc gia rơi vào đợt dịch COVID-19 tồi tệ nhất.
Trong khi đó, FDI và xuất nhập khẩu, 2 điểm sáng kinh tế Việt Nam trong suốt 2 năm đại dịch vừa qua có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, tăng trưởng xuất nhập khẩu đều chững lại trong tháng 9/2022 do sức cầu yếu đi ở những thị trường xuất khẩu chủ lực.
Bên cạnh đó, số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm trong tháng 9 do ảnh hưởng bởi những bất định gia tăng về viễn cảnh kinh tế toàn cầu, trong khi số giải ngân vốn FDI tiếp tục được cải thiện.
Những thách thức của kinh tế Việt Nam
Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức trung và dài hạn.
Lạm phát vẫn là mối lo của kinh tế Việt Nam. WB nhận định tuy giá năng lượng đã hạ nhiệt, nhưng lạm phát CPI đã tăng từ 2,9% trong tháng 0 lên 3,9% trong tháng 9 chủ yếu do tiền thuê nhà và chi phí giáo dục tăng cao.
Lạm phát CPI cơ bản cũng tăng, từ 3,15 trong tháng 8 lên 3,8% trong tháng 9. Tốc độ tăng tỷ giá thương mại trong quý III/2022 đã giảm so với quý II.
Tăng trưởng tín dụng leo thang cũng là vấn đề được WB lưu ý. Theo đó, tăng trưởng tín dụng tăng từ 16,2% trong tháng 8 lên 17,2% trong tháng 9, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại.
Do nhu cầu lớn về tín dụng, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng từ 3,5% trong tháng 8 lên đến 5,48% vào giữa tháng 10, mức cao nhất kể từ năm 2013.
WB đánh giá: Mặc dù nền kinh tế vẫn đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định gia tăng liên quan đến kinh tế toàn cầu chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt cho thấy cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách.
Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ yếu đi, chính sách tài khóa chủ động nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới cần bám sát kết quả kinh tế và phối hợp với chính sách tiền tệ.
Đồng thời vì CPI và CPI cơ bản đang tiếp đến mức 4% - bằng mức lãi suất chính sách của cấp có thẩm quyền - cơ quan tiền tệ cần sẵn sàng cân nhắc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đảm bảo neo giữ lạm phát.
Khi giai đoạn giãn hoãn thời gian trả nợ đã kết thúc và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, khu vực tài chính phải đối mặt với rủi ro gia tăng, đồng thời đòi hỏi phải có hướng dẫn từ phía NHNN để ngăn chặn những rủi ro đó bị hiện thực hóa ở cấp độ ngành, có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.
“Sự kiện xáo trộn gần đây liên quan đến vụ việc của Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) cho thấy nhu cầu cần nâng cao minh bạch thông qua công bố kịp thời thông tin chi tiết về kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng, tăng cường quản trị doanh nghiệp và tăng cường giám sát dựa trên rủi ro, bao gồm giám sát hoạt động cho vay của các tập đoàn doanh nghiệp và cho vay bên liên quan để can thiệp sớm, và tăng cường cơ chế xử lý ngân hàng”, WB nêu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm