Thị trường hàng hóa
Thị trường tiền kỹ thuật số đã trải qua giai đoạn biến động mạnh làm dấy lên lo ngại liệu đây là “dấu chấm hết” hay sẽ là cột mốc cho sự thay đổi hướng đến việc phát triển bền vững hơn. Vào tháng 11/2021, giá bitcoin tăng lên mức kỷ lục 68.000 USD, kéo theo đà tăng của các đồng tiền kỹ thuật số khác, đưa tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền kỹ thuật số tiệm cận mốc 3.100 tỷ USD.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng một năm, giá bitcoin rơi xuống mức thấp kỷ lục 16.000 USD kể từ năm 2020, toàn thị trường tiền kỹ thuật số lao dốc không phanh, vốn hoá mất 3/4 giá trị xuống còn khoảng 900 tỷ USD. Trong khi đó, FTX - một trong những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới với giá trị 32 tỷ USD sụp đổ, CEO của FTX là Sam Bankman-Fried buộc phải từ chức, tạo ra cú sốc lớn cho thị trường.
Hiện FTX có tới hơn 100.000 chủ nợ. Tài sản và các khoản nợ vào khoảng từ 10 tỷ đến 50 tỷ USD. Trong đó, khoảng 150 các công ty tiền số và các dự án có liên quan đến FTX đã nộp đơn xin hỗ trợ từ quỹ của Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới của tỷ phú Changpeng Zhao.
Do đó, nhằm mục đích hỗ trợ những người chơi đang gặp khó khăn sau vụ phá sản thảm khốc của FTX, sàn giao dịch tiền điện tử Binance sẽ thành lập một quỹ phục hồi trị giá 1 tỷ USD và sẽ tăng số tiền lên 2 tỷ USD trong tương lai gần “nếu cần thiết”. Quỹ này cũng đã nhận được cam kết đóng góp 50 triệu USD từ các công ty đầu tư tiền điện tử như Jump Crypto, Polygon Ventures, hay Animoca Brands.
Động thái được đưa ra cho thấy những nỗ lực của tỷ phú Changpeng Zhao nhằm ngăn chặn “hiệu ứng lây lan theo tầng” và giữ cho ngành công nghiệp này phát triển vào thời điểm thị trường tiền số đang “lung lay” sau màn sụp đổ của FTX. Hoạt động quỹ hỗ trợ tài chính sẽ kéo dài khoảng 6 tháng có thể liên quan đến các công cụ như mã thông báo tiền điện tử, tiền tệ, vốn chủ sở hữu, nợ hoặc hạn mức tín dụng…
Quỹ phục hồi Binance đang “linh hoạt trong cơ cấu đầu tư” chấp nhận những đóng góp thêm từ các nhà đầu tư. Các khoản đóng góp có thể bằng mã thông báo, tiền mặt và hỗ trợ khoản nợ…
Binance đã chia sẻ những thông tin về ví quỹ hỗ trợ của Binance một cách công khai để chứng minh sự minh bạch. Số dư ví này của Binance hiện có 1 tỷ USD đồng BUSD. BUSD là tiền số được phát hành bởi công ty cơ sở hạ tầng blockchain Paxos và được Sở dịch vụ tài chính bang New York (Mỹ) phê duyệt và quản lý.
Ngoài ra, ông Changpeng Zhao, CEO Binance còn được ví như “vị cứu tinh” mới cho ngành công nghiệp non trẻ này, lấp đầy khoảng trống do cựu CEO FTX để lại khi mua hoặc đầu tư vào một số công ty tiền điện tử gặp khó khăn từ Voyager Digital đến BlockFi, trước khi chúng sụp đổ. Ông cũng cho biết, quỹ hồi phục này không phải là quỹ đầu tư mà chỉ hỗ trợ các công ty và dự án đang gặp khó khăn tài chính đáng kể trong ngắn hạn dù không phải do lỗi của họ.
Kể từ tháng 6, giá tiền kỹ thuật số liên tục thủng đáy, hàng trăm mã token liên tục rơi tự do, tình trạng sa thải diễn ra rộng khắp trong ngành báo hiệu “bữa tiệc tiền kỹ thuật số” sắp tàn. Bitcoin mất khoảng 38% giá trị, trong khi Ethereum giảm mạnh hơn 40%, hàng loạt nền tảng và sản giao dịch điện tử “lao đao”.
Khởi đầu là nền tảng cho vay Celsius đã tạm dừng rút tiền vì “điều kiện thị trường khắc nghiệt”. Binance cũng tạm dừng rút tiền trong khi công ty cho vay tiền kỹ thuật số BlockFi cắt giảm 20% nhân sự dù quy mô đã tăng hơn 5 lần kể từ cuối năm 2020.
Ngay sau đó, Quỹ đầu cơ tiền kỹ thuật số nổi tiếng Three Arrows Capital (3AC) vỡ nợ với khoản vay trị giá hơn 670 triệu USD, chỉ vài tháng sau khi tiết lộ sở hữu khối tài sản trị giá 10 tỷ USD. Cú rơi này kéo theo Voyager, nền tảng cho vay tiền mã hóa cũng đã tuyên bố phá sản.
Vào thời điểm đó, CEO Sam Bankman-Fried của FTX được xem là cứu tinh của ngành tiền số, khi quyết định bỏ hàng tỷ USD cứu các công ty trên đà suy giảm. Tuy nhiên, chính việc này đã khiến FTX lao dốc thê thảm do các thương vụ được thực hiện thông qua công ty con của FTX là Alameda Research đều thua lỗ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm