Thị trường hàng hóa
Nhà máy điện Liddell, cách Sydney 3 giờ lái xe về phía Bắc, là một trong một loạt các nhà máy đốt than cũ kỹ dự kiến sẽ đóng cửa trong những năm tới.
Được xây dựng vào năm 1971, Liddell cung cấp khoảng 10% điện năng được sử dụng ở New South Wales, bang đông dân nhất của Úc.
AGL, chủ sở hữu của nhà máy điện than Liddell, cho biết sẽ mất khoảng 2 năm để phá hủy cơ sở khổng lồ này, điều này sẽ giải phóng mặt bằng cho các dự án năng lượng sạch mới như nhà máy điện hydro.
Công ty cho biết: “Hơn 90% vật liệu trong nhà máy điện sẽ được tái chế, bao gồm 70.000 tấn thép – nhiều hơn lượng thép ở cầu cảng Sydney”.
Trong nhiều thập kỷ, nhiệt điện than đã cung cấp phần lớn điện năng của Úc, nhưng chuyên gia năng lượng tái tạo Mark Diesendorf của Đại học New South Wales nói với AFP rằng các nhà máy nhiệt điện như Liddell đang nhanh chóng trở thành những "nhà máy lỗi thời" không đáng tin cậy.
Bên cạnh việc không hiệu quả, gây ô nhiễm cao và sửa chữa tốn kém, việc tiếp tục sử dụng rộng rãi các nhà máy nhiệt điện than sẽ khiến các mục tiêu khí hậu của Australia gần như không thể đạt được.
Úc từ lâu đã là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới, và một loạt Chính phủ khác đã chống lại áp lực thu hẹp quy mô ngành than của nước này.
Nhưng Đảng Lao động trung tả được bầu vào năm ngoái với lời hứa về hành động khí hậu đã cam kết rằng 82% điện năng của đất nước sẽ đến từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Điều này đòi hỏi một cuộc đại tu mạnh mẽ—trong khi những nước như Na Uy sản xuất hơn 90% năng lượng của họ là năng lượng tái tạo, thì Úc hiện chiếm khoảng 30%.
Dưới áp lực ngày càng tăng của công chúng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, nhiều công ty than đá của Úc ngày càng muốn đóng cửa các nhà máy than cũ hơn là giữ chúng hoạt động.
Nhà máy nhiệt điện than lớn nhất của Úc, cơ sở Eraring ở New South Wales, dự kiến đóng cửa vào năm 2025 trong khi một số nhà máy nữa sẽ tiếp tục hoạt động trong thập kỷ tới.
Mặc dù việc đóng cửa này sẽ kiểm tra xem năng lượng tái tạo đã sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống hay chưa, một báo cáo của Chính phủ được công bố hôm 28/4 cho thấy Úc đang đi đúng hướng.
Nhà điều hành thị trường năng lượng Úc nhận thấy rằng mức điện tái tạo kỷ lục - chủ yếu là năng lượng mặt trời - đã làm giảm cả lượng khí thải và giá điện gia dụng.
Chuyên gia tài chính khí hậu Tim Buckley nói với AFP rằng, Úc tràn ngập ánh nắng mặt trời và may mắn có những bờ biển lộng gió với dân cư thưa thớt, đây chính là các yếu tố tự nhiên để trở thành một siêu cường năng lượng tái tạo.
Ông nói thêm rằng, phần khó khăn sẽ là tìm ra cách lưu trữ năng lượng này và truyền tải chúng qua khoảng cách rộng lớn giữa các thị trấn và thành phố của Úc.
“Chúng ta đang nói về các dự án đã không được thực hiện ở Úc trong nhiều thập kỷ, nơi mà tình trạng thiếu lao động là có thật và các vấn đề về kỹ thuật là điều không thể tránh khỏi. Cơ hội để mọi thứ diễn ra suôn sẻ từ nay đến năm 2030 gần như bằng không”, ông Buckley nói.
Ngay cả khi nó diễn ra suôn sẻ, Úc vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc đạt được mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong thập kỷ qua, một cuộc tranh cãi về ý thức hệ được mệnh danh là "cuộc chiến khí hậu" đã thống trị chính trường Úc, liên tục làm suy yếu các nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.
Các nhà nghiên cứu vào năm 2020 đã phát hiện ra rằng 8% người Úc phủ nhận biến đổi khí hậu, cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Và mặc dù Úc đang có kế hoạch làm trong sạch thị trường năng lượng trong nước, nền kinh tế vẫn được thúc đẩy bởi xuất khẩu than và khí đốt.
Hàng chục mỏ than, mỏ dầu và dự án khí đốt mới đang nằm trong kế hoạch của Chính phủ.
Ông Diesendorf cho biết: “Xét về việc vẫn đang phát triển các mỏ khí đốt và than đá để xuất khẩu, chúng ta là một kẻ tụt hậu khủng khiếp. Đó là một mâu thuẫn thực sự”.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm