Thị trường hàng hóa
Theo truyền thống ở các quốc gia phương Tây, như châu Âu và Bắc Mỹ, lễ hội mua sắm Black Friday (Thứ Sáu Đen) sẽ đến ngay sau Lễ Tạ ơn vào thứ Năm cuối cùng của tháng 11 - một ngày mà người dân ở các quốc gia này cũng xem là dịp để tổ chức ăn uống, mua sắm và tặng quà cho nhau, như ý nghĩa chính tên gọi của nó.
Black Friday thực ra không phải một ngày, mà là một lễ hội mua sắm kéo dài 5 ngày, từ thứ Sáu tuần này đến thứ Hai tuần kế tiếp. Đối với các cửa hàng, siêu thị và nhà buôn thì đây được xem như thời điểm kinh doanh quan trọng nhất trong năm, do gần như mọi người đều đổ xô đi mua sắm và sẵn sàng dốc cạn hầu bao.
Trong những năm trước đại dịch COVID-19, có nhiều trường hợp các siêu thị, cửa hàng lớn gần như chẳng còn gì để bán chỉ sau vài giờ đồng đồ mở cửa đón chào Black Friday. Ngoài việc các mặt hàng đều sẽ được giảm giá rất mạnh, người dân các nước phương Tây nô nức đi mua sắm trong dịp này còn bởi để chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và Năm mới diễn ra sau đó gần một tháng.
Tuy nhiên, câu chuyện đó đã không tái diễn trong mùa mua sắm Black Friday năm nay, ngay cả khi đại dịch COVID-19 có thể nói đã qua, ít nhất không còn các hạn chế về sự giãn cách nào. Và lần này, sự đìu hiu đến từ tình hình kinh tế khó khăn đang diễn ra sâu rộng trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu.
Việc lạm phát hai con số tấn công hầu hết các quốc gia EU trong nhiều tháng qua đã làm suy kiệt sức mua của người tiêu dùng trước thềm Black Friday. Đặc biệt, niềm tin vào triển vọng kinh tế của họ cũng ở mức ảm đạm nhất được ghi nhận. Tất cả đều có tâm lý thắt lưng buộc bụng.
Thậm chí, các nhà bán lẻ trên khắp châu Âu lo ngại mùa Giáng sinh và Năm mới tới đây có thể tồi tệ nhất trong ít nhất một thập kỷ do người tiêu dùng sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó chi phí kinh doanh lại đang tăng lên, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp càng bị siết chặt.
Lưu ý, thay vì nô nức đi mua sắm như kỳ vọng vào dịp Black Friday năm nay, hàng trăm nghìn người lao động ở rất nhiều ngành nghề tại châu Âu, đặc biệt ở Vương quốc Anh, đã đồng loạt đình công và thậm chí biểu tình đòi tăng lương trong tuần này. Ngay cả tại Hàn Quốc ở châu Á, hiệp hội lái xe tải cũng đang đình công vì tiền lương.
Theo Liên đoàn bán lẻ Mỹ, khoảng 166 triệu người đã lên kế hoạch mua sắm từ ngày Lễ Tạ ơn hôm thứ Năm cho đến thứ Hai sắp tới. Con số này chỉ nhỉnh hơn gần 8 triệu người so với năm ngoái, thời điểm mà các hạn chế COVID-19 vẫn đang được duy trì. Bởi vậy, có thể nói, sự kỳ vọng về hình ảnh các cửa hàng và siêu thị đông nghẹt người mua vào năm nay đã biến thành thất vọng.
"Thông thường vào thời điểm này trong năm, bạn phải vật lộn để tìm chỗ đậu xe. Năm nay, tôi không gặp vấn đề gì khi tìm chỗ đậu xe", Marshal Cohen, một quản lý của NPD Group, cho biết. Cohen nói thêm, dựa trên việc kiểm tra cửa hàng của ông ở New York, New Jersey, Maryland và Virginia thì “mọi người chỉ tìm kiếm những gì họ thực sự cần. Không có cảm giác cấp bách".
Tại trung tâm thương mại American Dream ở East Rutherford, New Jersey, không có hàng người nào đợi bên ngoài các cửa hàng. Các nhân viên phát tờ rơi với danh sách các chương trình khuyến mãi "sập sàn" vào Friday Day, song cũng không thu hút được nhiều người quan tâm.
Trong khi đó, những người đã đến trung tâm mua sắm đều đã rất ngạc nhiên trước sự vắng vẻ. Christine Chavez, 45 tuổi, cho biết: "Có rất nhiều ưu đãi dù không hề được quảng cáo. Một số cửa hàng tôi được giảm giá 50% cho mọi thứ tôi mua. Tôi từng lo về sự đông đúc trước khi đến và nhưng giờ tôi phải nói rằng tôi rất ngạc nhiên".
Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng sự vắng vẻ ở các trung tâm mua sắm trong dịp Black Friday năm nay còn bị ảnh hưởng bởi một lượng lớn khách hàng giờ đang ưu tiên việc mua sắm trực tuyến hơn, thậm chí nó đã trở thành một thói quen với nhiều người không chỉ tại Mỹ, châu Âu mà còn trên toàn cầu.
Một báo cáo từ Adobe Analytics cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ sẽ đạt từ 9 tỷ đô la đến 9,2 tỷ USD trong dịp Black Friday. Dự báo này cao hơn một chút so với dự báo trước đó là 9 tỷ USD. Dẫu vậy, sự gia tăng này cũng không phải quá mạnh, vẫn cho thấy tình trạng mua sắm ảm đạm nói chung.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia - tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất của Mỹ - dự kiến mức tăng trưởng doanh số bán hàng trong dịp lễ sẽ chậm lại trong khoảng từ 6% đến 8%, từ mức tăng trưởng 13,5% của một năm trước. Những số liệu này không được điều chỉnh theo lạm phát, vì vậy chi tiêu thực thậm chí có thể thấp hơn so với một năm trước.
Tại Pháp, 70% có kế hoạch mua sắm vào dịp Black Friday, theo nghiên cứu của PwC France, nhưng cũng cho biết họ sẽ không chi tiêu quá nhiều. Trong khi đó, người Tây Ban Nha thậm chí còn không quá quan tâm tới ngày lễ này, khi chỉ có 24% người mua sắm có kế hoạch tận dụng việc giảm giá trong dịp Black Friday - theo Hiệp hội các công ty hàng tiêu dùng đại chúng Tây Ban Nha.
Người Anh sẽ chi 8,7 tỷ bảng (10,5 tỷ USD) vào cuối tuần Black Friday (25/11 đến 28/11), theo nghiên cứu của GlobalData - tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này vẫn nói lên sự sụt giảm lớn về số lượng mặt hàng nếu tính theo mức lạm phát hiện tại.
Delmarie Quinones, một bà mẹ đang sinh sống ở khu nhà giàu Manhattan của New York, cho biết giá thực phẩm và các chi phí khác cao hơn đang khiến cô giảm chi tiêu so với một năm trước. “Tôi không thể mua được những gì tôi từng có. Ngay cả khi đã nhận được trợ cấp từ Chính phủ, việc mua cho những đứa trẻ những thứ thiết yếu cũng rất khó khăn”, bà mẹ có 5 đứa con nhỏ này chia sẻ.
Trước sự sụt giảm doanh số hiện tại, các nhà bán lẻ đang tiếp tục giảm giá mạnh cả trực tuyến và tại các cửa hàng, điều này có thể làm giảm tỷ suất lợi nhuận của họ trong quý IV. Lưu ý, khoảng thời gian hai tháng giữa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm của ngành bán lẻ tại Mỹ, cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác.
Công ty tư vấn Kearney cho biết các cuộc điều tra của họ cho thấy các nhà bán lẻ quần áo đang giảm giá trung bình tới 60% cho các mặt hàng. Tivi và đồ điện tử cũng giảm giá mạnh để cố gắng thuyết phục những người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao. Nhưng có vẻ tình hình cũng không mấy cải thiện.
Cảnh tượng đìu hiu trong lễ hội mua sắm Black Friday đang là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất của tình hình kinh tế khó khăn mà hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đang gặp phải, không chỉ ở châu Âu, Bắc Mỹ mà cả những cường quốc kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Có thể nói, Black Friday năm nay đã trở thành "Ngày thứ Sáu đen tối" như đúng nghĩa đen của nó.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm