Thị trường hàng hóa
Kế hoạch triển khai chiến dịch đã được đăng trên trang web của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, với sự vào cuộc của 8 Bộ ngành, trong đó có Bộ Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Dân chính Trung Quốc. Mục tiêu của kế hoạch lần này là nhằm tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức ở các vùng nông thôn Trung Quốc, phát huy các truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa, thúc đẩy việc xây dựng các phong tục nông thôn văn minh ở các khu vực nông thôn nước này.
Theo thông báo, chiến dịch vừa được phát động sẽ được thực hiện đến hết năm 2023, nhằm mục đích ngăn chặn hiệu quả đà lan rộng của các hủ tục ở một số vùng của Trung Quốc, như thách cưới và đòi của hồi môn giá trị cao, tổ chức ma chay tốn kém... Theo kế hoạch, gánh nặng chi tiêu cho tiệc cưới, của hồi môn ở các vùng nông thôn sẽ phải giảm đáng kể, với việc đưa ra hàng loạt yêu cầu và tiêu chuẩn cụ thể, quy định các nội dung khuyến khích thực hiện và những việc không được làm đến các làng xã, quận huyện và thị trấn.
Tập tục thách cưới và của hồi môn đã có từ lâu đời ở Trung Quốc, như một cách thể hiện thiện chí giữa đôi trai gái nên nghĩa vợ chồng và gia đình hai bên. Tuy nhiên, bản chất của các phong tục truyền thống này giờ đây đã thay đổi và trở thành gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình. Theo cuộc khảo sát trực tuyến của một trang web mai mối Trung Quốc, gần 80% đàn ông độc thân coi tiền thách cưới cao là không thể chấp nhận được.
Vài năm trước, một “bản đồ” giá thách cưới ở đất nước tỷ dân lần đầu được Sina đăng tải. Theo đó, tiền thách cưới cao nhất là ở Thượng Hải, bao gồm một căn nhà và 100.000 NDT (14.900 USD). Tại một số tỉnh như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Giang Tây và Thanh Hải vào khoảng 500.000 NDT (gần 75.000 USD); Sơn Đông, Hồ Nam, Chiết Giang có “giá chung” là 100.000 NDT, con số tương đối cao so với tổng thu nhập bình quân đầu người hằng năm của người dân nước này.
Dựa trên báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc năm 2014, tổng thu nhập bình quân đầu người hằng năm của công dân thành thị là 27.000 NDT (4.020 USD) và 8.900 NDT (1.300 USD) đối với người ở nông thôn. Như vậy, nếu bị nhà gái thách cưới 100.000 NDT, một chàng trai thành thị Trung Quốc phải tiết kiệm tiền trong khoảng 4 năm, còn anh chàng ở nông thôn phải tốn hơn 12 năm, chưa kể các loại phí khác.
Đến các năm gần đây, tiền thách cưới đã tăng gấp đôi ở nhiều vùng nông thôn trong khi thu nhập hằng năm chỉ tăng nhẹ. “Không đủ tiền thách cưới, không gả con” dường như là bức tranh tổng quát về thị trường hôn nhân ở Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, số lượng thanh niên trong độ tuổi kết hôn lập gia đình ở Trung Quốc ngày càng giảm, xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn cũng trở nên thịnh hành tại đây. Số lượng đăng ký kết hôn ở nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2021 với chỉ 7,64 triệu cặp. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2003, số cuộc hôn nhân ở Trung Quốc giảm xuống dưới mốc 8 triệu cặp và đây cũng là con số thấp nhất trong vòng 36 năm qua kể từ khi Bộ Dân chính nước này công bố số liệu vào năm 1986. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hiện tượng thách cưới và việc đòi hỏi tổ chức tiệc cưới xa xỉ.
Các nhà nhân khẩu học Trung Quốc cảnh báo, việc giảm số lượng đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ sinh và giảm dân số ở nước này.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm