Thị trường hàng hóa
Một báo cáo cho biết Trung Quốc đang cho vay hơn 1 nghìn tỷ USD (935 tỷ euro) thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), khiến nước này trở thành quốc gia đi đòi nợ lớn nhất thế giới.
Báo cáo được các nhà nghiên cứu tại AidData công bố cho thấy, người cho vay song phương lớn nhất thế giới chuyển từ cho vay cơ sở hạ tầng sang cho vay giải cứu, với ước tính 80% khoản vay hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn tài chính. “Bắc Kinh đang đảm nhận một vai trò là nước đòi nợ chính thức lớn nhất thế giới”, AidData cho biết trong báo cáo của mình.
Viện nghiên cứu theo dõi tài chính phát triển tại Đại học William và Mary của Virginia cho biết: “Tổng số nợ tồn đọng - bao gồm cả gốc nhưng không bao gồm lãi – mà các nước đang phát triển vay Trung Quốc ít nhất là 1,1 nghìn tỷ USD”.
Theo Trung Quốc, hơn 150 quốc gia đã đăng ký BRI, một nỗ lực thúc đẩy cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động vào năm 2013.
Dựa trên dữ liệu thu thập được về nguồn tài trợ của Trung Quốc cho gần 21.000 dự án ở khoảng 165 quốc gia, AidData cho biết, Bắc Kinh hiện đã cam kết viện trợ và tín dụng “dao động khoảng 80 tỷ USD mỗi năm” cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Đã có những e ngại rằng, các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ đã khiến các nước này phải gánh khoản nợ mà họ không thể trả được.
Tháng trước, tại hội nghị thượng đỉnh đánh dấu một thập kỷ kể từ khi sáng kiến này lần đầu tiên được công bố, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc sẽ rót hơn 100 tỷ USD vốn mới vào BRI.
Tuy nhiên, một báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, bao gồm AidData công bố năm nay cho biết, Trung Quốc đã buộc phải cung cấp các khoản vay cứu trợ hàng tỷ USD cho các nước BRI trong những năm gần đây.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm