Thị trường hàng hóa
Làng nghề Hà Nội ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Trước kia dân cư chủ yếu là dân gốc, các làng nghề thủ công đã xuất hiện nhưng còn lác đác. Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Nhân dân khắp nơi kéo về kinh thành và vùng ven kinh thành để sinh cư, lập nghiệp. Người dân về Thăng Long, mang theo cả các nghề từ thuở cha sinh, mẹ đẻ đã dạy cho họ quen tay, quen việc.
Làng nghề Hà Nội tập trung chủ yếu ở ven đô. Khu vực hồ Tây có nhiều làng nghề trồng hoa, rau, cây cảnh hay đúc đồng thủ công, dệt lụa, làm giấy. Vùng Hà Đông tập hợp các làng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Tả ngạn sông Hồng với làng Bát Tràng nổi tiếng làm đồ gốm. Đầu thế kỷ XX, một số nghề mới hình thành như may âu phục, đóng giầy, chụp ảnh…
Sau 1954, các hợp tác xã thủ công được thành lập, sản xuất mang tính tư nhân mai một. Từ 1986, với chính sách đổi mới, sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các hợp tác xã dần dần giải thể, nghề thủ công truyền thống gặp không ít khó khăn. Một số làng năng động, thay đổi mặt hàng, cải tiến kỹ thuật, tăng cường giao thương nên hồi phục và phát triển.
Thống kê năm 2019, Hà Nội có 1.350 làng nghề, hơn 300 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Làng nghề có mối quan hệ mật thiết với khu “36 phố phường”, vừa để tiêu thụ sản phẩm, vừa cung cấp thợ cho các phố nghề.
Triển lãm “Hà Nội - Đất trăm nghề” trưng bày các sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng, thêu Quất Động, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh và làng đậu bạc Định Công. Đồng thời tại đây cũng sẽ diễn ra các hoạt động trình diễn, giao lưu với nghệ nhân làng nghề.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm