Thị trường hàng hóa
Với 63 phiếu ủng hộ và 7 phiếu chống, cuộc bỏ phiếu hôm 18/4 vừa rồi đã kết thúc gần hai năm đàm phán về thuế carbon đối với hàng nhập khẩu vào châu Âu.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen sau đó hào hứng viết trên Twitter: “Với số phiếu ngày hôm nay, chúng ta đạt được thêm một cột mốc quan trọng”, đồng thời kêu gọi các nước thành viên thông qua luật để chúng chính thức có hiệu lực.
EU là khu vực tiên phong trong việc chuyển đổi sang công nghiệp và năng lượng xanh, đặt lượng khí thải nhà kính của mình theo xu hướng giảm trong ba thập kỷ qua. Nhưng gần đây, mục tiêu này của EU đã gặp phải những trở ngại, đặc biệt là do chi phí năng lượng cao hơn do cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát.
Do đó, bên cạnh việc tiếp tục theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh, EU sẽ đánh thuế carbon đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất của mình. Nói cách khác, EU muốn cắt giảm lượng khí thải nhưng vẫn đảm bảo rằng các ngành công nghiệp trong khối không thua kém các đối thủ cạnh tranh quốc tế không được quản lý khí thải chặt chẽ - điều mà EU gọi là “rò rỉ carbon”.
Về mặt kỹ thuật, động thái này được gọi là "điều chỉnh", không phải là đánh thuế. Với tên gọi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), luật này nằm trong gói cải tổ rộng lớn hơn đối với thị trường carbon của EU nhằm giảm lượng khí thải. Nó áp đặt một khoản phí đối với hàng nhập khẩu vào khối từ các quốc gia không định giá khí thải theo cách của EU.
EU đã có một thị trường giao dịch carbon bắt buộc, được gọi là Hệ thống giao dịch phát thải. CBAM sẽ thay thế hệ thống này cung cấp cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm của EU hàng tỷ USD trợ cấp trên thị trường carbon của khối. Trong khi đó, các công ty bán hàng vào EU sẽ phải mua những khoản tín dụng được gọi là “Chứng chỉ CBAM” để trang trải lượng khí thải tạo ra khi hàng hóa được sản xuất.
Số tiền huy động được từ CBAM, ước tính lên tới 14 tỷ euro mỗi năm, sẽ được chuyển vào ngân sách EU.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng với các hoạt động nhập khẩu sắt, thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện và hydro. Các công ty sẽ phải bắt đầu báo cáo lượng khí thải của hàng hóa nhập khẩu của họ bắt đầu từ tháng 10 năm nay, bao gồm cả lượng khí thải gián tiếp do phát điện cung cấp cho các nhà máy ở nước ngoài.
Các nhà nhập khẩu sẽ phải bắt đầu nộp thuế vào năm 2026. Ngày đó trùng với thời điểm loại bỏ dần các khoản trợ cấp miễn phí dành cho các nhà sản xuất châu Âu theo hệ thống giao dịch khí thải của khối. CBAM cũng đặt ra một lịch trình loại bỏ hoàn toàn các khoản trợ cấp carbon miễn phí từ năm 2026 đến năm 2034.
Trong khoảng thời gian đó, các nhà nhập khẩu sẽ chỉ trả cho phần khí thải mà các nhà sản xuất châu Âu không được miễn phí. Biện pháp đó nhằm đối xử bình đẳng với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài, chìa khóa cho lập luận của EU rằng thuế biên giới của họ không vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm hạn chế phân biệt đối xử đối với các công ty nước ngoài.
Giá mỗi tấn khí thải carbon dioxide nhập khẩu sẽ giống như giá cho hệ thống giao dịch khí thải của EU. Giá cho một khoản trợ cấp carbon của EU là khoảng 90 euro/tấn, tương đương 98,37 USD và đã tăng đáng kể kể từ khi khối này đề xuất thắt chặt các quy định về khí hậu vào năm 2021.
CBAM yêu cầu các nhà nhập khẩu phải được chính phủ châu Âu cấp phép và được đưa vào quản lý tại cơ quan đăng ký tập trung của EU. Các công ty này sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ phức tạp là xác định lượng khí nhà kính đã thải ra để sản xuất hàng hóa mà họ nhập khẩu.
Luật mới cũng trao quyền cho Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, công nhận các công ty có năng lực xác minh lượng khí thải của các nhà sản xuất nước ngoài. Các quan chức EU cho biết họ muốn thúc đẩy một ngành công nghiệp tư vấn có chuyên môn để tiến hành các đánh giá này. Theo đó, các chuyên gia tư vấn sẽ được thuê để kiểm toán lượng khí thải từ những nhà máy riêng lẻ tại các đối tác thương mại của châu Âu trên khắp thế giới.
Việc EU phê duyệt CBAM đã làm dấy lên lo ngại ở Mỹ, nơi các nhà sản xuất cho rằng kế hoạch này sẽ tạo ra một mạng lưới quan liêu đối với các công ty đang tìm cách xuất khẩu sang châu Âu. Nó cũng vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc và một số nước đang phát triển, nơi các nhà sản xuất có xu hướng thải ra nhiều carbon dioxide hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu và phụ thuộc nhiều hơn vào điện đốt than.
Nhà Trắng đã kêu gọi EU cung cấp tín dụng carbon cho các nhà xuất khẩu Mỹ đã đáp ứng các quy định của “Đạo luật Giảm thiểu khí thải” mà Mỹ ban hành năm ngoái. Các quy định của đạo luật này không đặt giá carbon mà thay vào đó cung cấp các khuyến khích cho năng lượng sạch.
Nhưng EU đã bác bỏ những đề xuất của phía Mỹ khi lập luận rằng chỉ các nhà xuất khẩu ở các quốc gia đưa ra mức giá rõ ràng đối với carbon dioxide mới có thể được khấu trừ thuế từ biên giới EU.
Tin tức về việc các nhà lập pháp châu Âu phê duyệt CBAM cũng thúc đẩy những lời kêu gọi mới ở Mỹ về một loại thuế tương tự. Mike Ireland, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Xi măng Portland, cho biết việc Mỹ áp dụng mức thuế tương tự sẽ bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga là đối tác thương mại châu Âu được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thuế biên giới. Nước này đã xuất khẩu một lượng lớn thép, phân bón và nhôm vào EU. Nhưng các biện pháp trừng phạt của EU áp đặt với Moscow khiến việc nhập khẩu các mặt hàng này từ Nga bị đình lại.
Trung Quốc hiện có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thuế biên giới carbon của EU. Tính đến năm 2019, nước này đã xuất khẩu khoảng 6,5 tỷ euro hàng hóa chịu thuế biên giới sang Liên minh châu Âu, tương đương dưới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối.
Phân tích của S&P Global cho thấy các nước có thu nhập thấp đến trung bình xuất khẩu sắt thép, chẳng hạn như Nam Phi, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trong số các quốc gia phải đối mặt với chi phí cao nhất do CBAM. Đối với Nam Phi, chi phí từ năm 2026 đến năm 2040, chi phí này sẽ vượt quá 90 tỷ USD, theo S&P cho biết.
Tiến sĩ Andreas Goldthau, chuyên gia chính sách công tại Đại học Erfurt (Đức) nhận định, các nền kinh tế đang phát triển ít có khả năng đảm bảo rằng những nhà xuất khẩu của họ sẽ tuân thủ được các quy tắc của CBAM. Bởi lẽ, điều này sẽ yêu cầu các hệ thống tinh vi để tính toán lượng khí thải.
Theo tiến sĩ Goldthau, CBAM vì thế có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc tranh luận về chi phí của quá trình chuyển đổi khí hậu vốn đã gây trở ngại cho chính sách ngoại giao khí hậu thời gian qua.
Theo ông, các biện pháp điều chỉnh biên giới carbon cũng có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đến người nghèo so với người giàu. Vì thế, doanh thu từ CBAM nên được chuyển trở lại để giúp các nền kinh tế mới nổi khử cacbon cho các ngành công nghiệp của họ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm