Thị trường hàng hóa
Theo dữ liệu do các nhà kinh tế tại Đại học California, Berkeley tổng hợp, vào tháng 3 năm nay, tài sản trung bình của tầng lớp trung lưu Mỹ - bao gồm bất động sản và các tài sản vật chất khác, cũng như tiền lương hưu và các khoản tiết kiệm khác - đạt mức cao kỷ lục 393.300 USD. Tài sản của một người trưởng thành thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ vào thời kỳ đỉnh cao đó tăng hơn 120.000 USD so với thời điểm Donald Trump mới nhậm chức vào tháng 1/2017.
Tuy nhiên, thời kỳ bùng nổ đó đang dần lụi tàn, nếu không muốn nói là đã kết thúc. Kể từ thời điểm đạt đỉnh vào tháng 3, mức độ giàu có trung bình của tầng lớp thượng trung lưu đã giảm khoảng 7% (hơn 27.000 USD), xuống còn 366.100 USD vào tháng 10. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Cuộc thăm dò ý kiến của Harris Poll cho thấy, số người cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng về tình trạng hiện tại của nền kinh tế Mỹ nhiều gấp đôi so với những người cảm thấy bình tĩnh. Chỉ 26% cho biết họ cảm thấy lạc quan.
Vấn đề mà các gia đình trung lưu đang phải đối mặt là trong khi lạm phát đang ăn mòn thu nhập và sức mua đối với mọi thứ, từ thực phẩm cho đến kỳ nghỉ, thì khối tài sản của họ cũng đang gặp rủi ro. Đó là do nỗ lực của Fed trong việc chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 19% trong năm nay do lo ngại về một cuộc suy thoái đang rình rập. Lãi suất đối với khoản vay thế chấp cố định trong 30 năm (khoản vay mua nhà phổ biến nhất đối với người mua) đã tăng hơn gấp đôi trong một năm lên mức cao kỷ lục.
Brandi Romero và chồng chuyển đến Casper, Wyoming, từ Louisiana 3 năm trước để tìm kiếm một cuộc sống chất lượng hơn. Họ đã mua một ngôi nhà vào năm ngoái để sống cùng 5 người con của mình, từ 3 đến 15 tuổi. Romero cho biết: “Mọi thứ đã trở nên đắt đỏ hơn kể từ khi chúng tôi chuyển đến đây”.
Các bang miền núi của Mỹ, bao gồm Wyoming, tiếp tục chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong nước vào tháng 9, với giá tiêu dùng hàng năm tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia.
Để có thể thanh toán các hóa đơn và tiền xăng, Romero chở con tới trường mỗi ngày rồi tranh thủ chạy Uber. Cô vẫn lo lắng về việc liệu có đủ tiền để về thăm gia đình ở Louisiana hoặc cho con học đại học trong tương lai. Vợ chồng Romero đã đưa ra quyết định khó khăn là hủy các lớp học thể thao của các con tại trường vì không đủ khả năng chi trả.
Gia đình Romero không đơn độc. Gần 80% những người thuộc tầng lớp trung lưu tham gia cuộc khảo sát của Harris Poll cho biết họ đang cắt giảm chi tiêu của mình.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy những thành viên thuộc tầng lớp trung lưu cùng tầm tuổi với Romero (36 tuổi), lạc quan hơn so với những người lớn tuổi. Hơn một nửa Gen Y (25-41 tuổi) tham gia khảo sát nghĩ rằng tình hình tài chính của họ sẽ tốt hơn trong năm tới, trong khi đó, chỉ 37% người được hỏi thuộc gen X (42-56 tuổi) cảm thấy vậy.
Nhìn chung, tầng lớp trung lưu Mỹ vẫn lạc quan về dài hạn. 2/3 số người được hỏi cho biết họ mong đợi tình hình tài chính tốt hơn 10 năm tới và 81% nghĩ rằng con cái mình sẽ khá giả hơn cha mẹ chúng.
Đối với Gale Benington, một nhà tâm lý học đã nghỉ hưu và sống ở ngoại ô Lansing (Michigan) cùng chồng, việc đối mặt với giá cả tăng cao chỉ là tiếp nối của sự thắt lưng buộc bụng mà cặp vợ chồng đã phải chấp nhận trong đại dịch. Benington nói, con gái bà có thể là ví dụ tốt về khả năng phục hồi của người tiêu dùng Mỹ.
Con gái Benington là một kỹ sư y sinh. Cô gái 24 tuổi này kiếm được nhiều tiền hơn bố mình khi ông còn là một giáo viên trung học và chi tiêu thoải mái hơn mẹ mình trước đây.
“Con bé thường xuyên nói với chúng tôi rằng “con rất giàu”. Con bé thực sự có được mọi thứ nó muốn. Tôi chưa từng làm được điều đó”, Benington nói.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm