Thị trường hàng hóa
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp (agritech) ra đời với mong muốn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm và từng bước cải thiện đời sống người dân. Vai trò của agritech cũng thể hiện ngày càng rõ rệt trong việc khắc phục được những vấn đề đang gặp phải trong ngành nông nghiệp như số lượng nhân công lao động đang giảm sút, ảnh hưởng của thời tiết, năng suất lao động thấp, giá trị nông sản không cao…
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên chuyển đổi số (CĐS) và ĐMST mở, agritech còn có thể hỗ trợ để tạo ra những phương thức canh tác mới, các giống loài và nguồn nguyên liệu mới nhằm thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp hiện đại và các dịch vụ bổ trợ liên quan đến ngành nông nghiệp như logistics, thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng tài chính nông nghiệp... Đặc biệt, nó giúp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech), trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp thế giới để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao như hiện nay.
Ông Adam Lyle, Đồng sáng lập kiêm CEO tại Padang & Co (đơn vị tư vấn CĐS trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp) cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức. Để vượt qua những thách thức này, cần có những giải pháp mang tính thân thiện với người nông dân và thân thiện với môi trường. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp là một thành phần quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên và chi phí về lâu dài.
Điểm khởi đầu cho nông nghiệp kỹ thuật số là hiểu nhu cầu của nông dân và đất đai, thay vì yếu tố công nghệ. Các nhà phát triển giải pháp cần dành nhiều thời gian đến đồng ruộng với nông dân để hiểu nhu cầu, động cơ và các rào cản trong việc tiếp nhận của họ để công nghệ có thể được giới thiệu và sử dụng hiệu quả hơn.
"Một trong những cơ hội đáng chú ý trong công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm ở Việt Nam là việc 1/3 sản lượng cây trồng bị mất trước khi đến các nhà máy chế biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội khởi nghiệp còn nhiều. Chưa bao giờ có thời điểm tốt hơn để tham gia vào agritech và foodtech nhưng hãy đảm bảo rằng bạn có sự kiên nhẫn vì kết quả cần có thời gian", ông Adam Lyle nhấn mạnh.
Theo Startup Blink (Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu), năm 2021 số lượng startup trong ngành foodtech chiếm 2,8% tổng startup trên thế giới, trong đó, số lượng kì lân (định giá trên 1 tỷ USD) chỉ chiếm 0,3%.
Tại Việt Nam, số lượng startup trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm cũng rất thưa thớt. Trong năm 2021, số lượng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm chủ yếu chảy vào startup thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), công nghệ bất động sản (proptech), bán lẻ, TMĐT, y tế, giáo dục. Việc thiếu các sáng kiến, ý tưởng và sản phẩm đổi mới sáng tạo từ startup khiến ngành nông nghiệp Việt Nam chưa thể bứt phá.
Mặc dù đã có một số startup ra đời để giải quyết bài toán truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng theo ông Nhật Nguyễn, Đồng sáng lập, CEO Otrafy, những ứng dụng này đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng nó không mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Trong vài năm qua, sự thúc đẩy số hóa chung của cơ quan quản lý đã cho phép nhiều công nghệ hơn tiến lên phần thượng nguồn (upstream) để tăng năng suất cũng như thu thập được nhiều thông tin thị trường hơn. Mặc dù hầu hết các công nghệ mới này vẫn đến từ việc triển khai thành công trước đó ở nước ngoài, nhưng vẫn có khả năng chúng gặp sự cố khi triển khai tại Việt Nam.
"Ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam rất độc đáo vì đã từng được hình thành từ nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và lẻ. Nó sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng trong thập kỷ tới", ông Nhật Nguyễn nhận định.
Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Trung, Trưởng phòng Marketing Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau khẳng định, hòa cùng dòng chảy của thời cuộc, nông nghiệp thế giới và Việt Nam trong những năm trở lại đây đang định hình và phát triển với các xu hướng chính là số hóa, robotics và IoT và phát triển bền vững.
Hiện đã có rất nhiều sự thay đổi cả về mặt tư duy, mô hình hoạt động, cách thức vận hành, canh tác và kể cả dịch vụ cung cấp như nuôi trồng, sản xuất, dịch vụ nông nghiệp…, tất cả đều có hơi hướng chuyển dần sang ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc, nhất là các nước mới nổi về công nghệ như Indonesia, Malaysia và Việt Nam...
"Với những diễn biến hiện nay, theo tôi trong khoảng 03 năm tiếp theo, ngành nông nghiệp thế giới và ở Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về hoạt động đầu tư, ứng dụng agritech trong nông nghiệp để tiếp tục kiến tạo, đón đầu những xu hướng nông nghiệp mới trong tương lai...", ông Trung bày tỏ.
Theo báo cáo toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam 2021 do Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, những xu hướng công nghệ agritech ứng dụng ở trên thế giới và Việt Nam bao gồm: Đầu tiên là Nông nghiệp thông minh, thông qua việc ứng dụng các sáng kiến, sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học và đặc biệt là những thành tựu về ứng dụng công nghệ cao (tự động hóa, cơ giới hóa…); công nghệ mới hoặc ứng dụng hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) thông tin vào trong hoạt động nông nghiệp như dự báo, chẩn đoán bệnh, hỗ trợ canh tác, nuôi trồng...đưa ra các giải pháp, quy trình, hành động một cách phù hợp, tự động, hiệu quả và chính xác.
Sau đó là các giải pháp giúp thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, khí hậu trái đất ấm lên đe dọa năng suất cây trồng, các ngành nghề chăn nuôi và thủy sản. Tổ chức Nông lương Liên Hợp uốc đề ra giải pháp Nông nghiệp thông minh ứng phó biến đổi khí hậu (CSA) để hóa giải các thách thức đe dọa an ninh lương thực. Các nước trên thế giới cũng nỗ lực tạo ra các giống cây trồng thông minh, có khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi nếu điều kiện khí hậu thay đổi và sẵn sàng đầu tư cho những giải pháp mang tính đồng bộ, tổng thể cho nền nông nghiệp gắn liền với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Giữa quá trình chuyển đổi, số hóa nhằm mục đích cung cấp thực phẩm lành mạnh và chất lượng cho khách hàng, mọi khía cạnh của quy trình sản xuất thực phẩm, nguồn gốc đến đóng gói, quy trình sản xuất đến vận chuyển, đều đang được nâng cấp để tối ưu hóa hiệu suất. Các công nghệ khác nhau góp phần nâng cao giá trị dinh dưỡng hay nâng cao chuỗi cung ứng của thực phẩm.
Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy những đổi mới trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Các thương hiệu thực phẩm sử dụng nền tảng kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ giao hàng trực tuyến theo yêu cầu và tiếp cận khách hàng thông qua mô hình phân phối trực tiếp đến khách hàng (D2C). Cùng với D2C, các thương hiệu đang tập trung vào phân phối đa kênh để cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao doanh số bán hàng.
Ngoài ra, khách hàng ngày nay quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của các sản phẩm thực phẩm mà họ mua và vấn đề liên quan đến nguồn gốc sản phẩm. Với nhãn thông minh và thiết bị phân loại thực phẩm độc lập có sẵn, khách hàng sẽ dễ dàng đưa ra quyết định trước khi lựa chọn các mặt hàng thực phẩm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm