Thị trường hàng hóa
Việc hạn chế này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Australia đang tìm cách cắt giảm doanh số bán ra nước ngoài nhằm hỗ trợ cho tiêu dùng trong nước trước sự thiếu hụt nguồn cung vào năm tới. Khu vực châu Á sẽ phải đối mặt với nguồn cung khí đốt hạn chế, giá cả đắt đỏ và sự cạnh tranh tới từ những người mua châu Âu.
Tuần trước, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã kêu gọi Canberra bảo vệ nguồn cung cấp khí đốt trong nước và hạn chế xuất khẩu khí tự nhiên LNG. Theo dự báo các mỏ khai thác nằm ở bờ biển phía Đông của đất nước có thể đối mặt với sự thiếu hụt 56 petajoules (hơn 1,40 tỷ mét khối) khí đốt trong năm sau.
Thời gian qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải đối mặt với sự cạnh tranh về nhiên liệu với các khách hàng châu Âu, những người đang tìm nguồn thay thế khí đốt của Nga. Thậm chí, nhiều quốc gia châu Âu đã trả giá cao hơn cho những lô hàng LNG so với người mua từ các nước đang phát triển tại châu Á.
Ông Gina Cass-Gottlieb, Chủ tịch ACCC, cho biết để bảo vệ an ninh năng lượng, nước này khuyến nghị Bộ trưởng Tài nguyên khởi động bước đầu tiên của Cơ chế An ninh Khí đốt Nội địa Australia (ADGSM). Đồng thời, ông kêu gọi các nhà xuất khẩu LNG ngay lập tức tăng nguồn cung thị trường nội địa.
Hầu hết khí đốt sử dụng tại bờ đông Australia được sản xuất bởi những doanh nghiệp xuất khẩu LNG sang châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia khác. ADGSM sẽ buộc các nhà xuất khẩu này phải ngừng bán LNG nếu nguồn cung nội địa sụt giảm.
Trước đó, ngoài việc bán LNG cho người mua ở nước ngoài thông qua các hợp đồng dài hạn, các nhà sản xuất LNG của Australia cũng có thể bán LNG không theo hợp đồng trên thị trường giao ngay nếu được trả giá cao hơn. Các nước không có khả năng đạt được các hợp đồng dài hạn có tính cạnh tranh buộc phải mua mặt hàng trên thị trường giao ngay.
Thị trường giao ngay chính là nơi mà ACCC cho rằng các nhà sản xuất không nên bán mà thay vào đó giữ khí đốt cho khách hàng trong nước. Trước tình hình đó, nhóm vận động hành lang khí đốt là Hiệp hội Khai thác & Sản xuất Dầu mỏ Australia (APPEA) đã trấn an thị trường rằng, Australia vẫn có thừa đủ lượng khí đốt trong năm tới và chưa từng thiếu hụt khí đốt từ trước tới nay.
Theo ông Damian Dwyer, Giám đốc điều hành Hiệp hội, trong suốt quá trình tồn tại của ngành xuất khẩu, lượng khí đốt dư thừa luôn dành cho thị trường nội địa. Australia đang cố gắng phân bổ đều cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngành xuất khẩu khí đốt của nước này đang nhận được sự đầu tư lớn và kết quả của sự đầu tư này là sản lượng nội địa tăng lên. Cả hai thị trường trong và ngoài nước ngành dầu khí sẽ bổ sung lẫn nhau.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu đề nghị của ACCC được áp dụng, những quốc gia có lượng tiêu dùng LGN cao như Nhật Bản và Hàn Quốc và Philippines sẽ phải chịu áp lực lớn về nguồn cung và giá. Theo chỉ số định giá Platts JKM, giá LNG đã tăng gần 80% kể từ trước khi cuộc chiến sự Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2.
Giám đốc định giá APAC LNG của S&P Global Market Intelligence APAC LNG nhận định: Kể từ tháng 4 vừa qua, không có giao dịch giao ngay nào thành công từ các cơ sở xuất khẩu LNG lớn trên bờ biển phía Đông của Australia. Điều này cho thấy một số hoạt động xuất khẩu dầu khí đang chậm lại.
Việc thiếu nguồn cung giao ngay từ các nhà máy nằm ở bờ Đông Australia có thể khiến nguồn cung LNG trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị thắt chặt hơn nữa, đặc biệt là khi nhu cầu cao điểm vào mùa đông, tức trong quý IV/2022. Các nước châu Á đang phát triển như Bangladesh và Pakistan đã phải từ bỏ việc mua LNG trên thị trường giao ngay.
Philippines, quốc gia mới tham gia thị trường nhập khẩu LNG, đang phải đối mặt với những điều kiện khó khăn khi cố gắng nhập khẩu lô hàng LNG đầu tiên. Các quốc gia không thể mua được khối lượng LNG đã gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu và mất điện trên diện rộng, đẩy nhiều nền kinh tế tới bờ vực sụp đổ.
Mức cắt giảm do Australia đề xuất lên tới 14 chuyến giao hàng mỗi tháng và đây là sự sụt giảm trong số lượng theo hợp đồng mỗi tháng. Vào tháng 7, Australia đã xuất khẩu 100 chuyến trong số hơn 300 chuyến được vận chuyển vào châu Á.
Theo ông Sam Reynolds, Nhà phân tích tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, thị trường LNG sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn sau các hạn chế của Australia. Sự tranh chấp giữa châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương cho những lô hàng LNG vẫn đang là mối đe dọa lớn nhất.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm