Thị trường hàng hóa
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá phiên vừa qua trên bảng giá sắc xanh hoàn toàn chiếm ưu thế. Lực mua áp đảo trên cả 4 nhóm mặt hàng nguyên liệu đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index có ngày tăng thứ 2 liên tiếp, lên 2.595 điểm, là mức cao nhất trong vòng 2 tuần qua. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở lại có sự sụt giảm, đạt hơn 3.000 tỷ đồng, do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động rất mạnh của thị trường.
Phiên giao dịch vừa qua, giá ngô hợp đồng tháng 12 đóng cửa với mức tăng gần 3% lên 600,75 cents/giạ. Những thông tin về mùa vụ từ Mỹ và Brazil là nguyên nhân chính giúp giải thích cho diễn biến của giá trong phiên vừa qua.
Báo cáo Tiến độ Mùa vụ phát hành sáng hôm qua cho thấy, tỉ lệ ngô có chất lượng tốt - tuyệt vời của Mỹ đạt 61%, giảm 3% so với tuần trước đó và thấp hơn mức 63% dự đoán của thị trường. Tác động của các cơn mưa trong tuần này là không đủ để bù đắp sự ảnh hưởng của khô hạn đến mùa vụ. Đây là yếu tố đã giúp giá ngô bật tăng mạnh ở đầu phiên sáng và hỗ trợ đà tăng của giá trong phiên.
Ngược lại, bộ trưởng nông nghiệp Brazil cho biết, việc xuất khẩu ngô từ nước này sang Trung Quốc đang được quan chức hai bên thảo luận lại và có thể bắt đầu vào cuối năm nay thay vì từ đầu năm 2023. Thông tin trên đã gây sức ép lên giá ngô CBOT.
Trong khi đó, giá lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 09 đã có sự hồi phục mạnh mẽ. Dù không tạo bật tăng mạnh như giá ngô nhưng đà tăng của lúa mì được duy trì khá ổn định trong phiên, với tâm lý lo ngại về chuỗi cung ứng ngũ cốc trên Biển Đen tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá.
Theo thị trưởng vùng Mykolaiv, các lực lượng Nga đã tấn công và phá hủy một số cơ sở hạ tầng tại cảng biển ở khu vực này. Cuộc tấn công được thực hiện bằng tên lửa từ hướng Biển Đen với sự chỉ dẫn của vệ tinh. Mặc dù các động thái quân sự của Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự, nhưng với việc quân đội nước này liên tục tấn công các cảng biển của Ukraine đã đe dọa sự an toàn của các tàu vận tải. Điều đó tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và tạo hỗ trợ cho giá lúa mì.
Cùng với đó, cả 3 mặt hàng họ đậu đều đóng cửa trong sắc xanh. Giá đậu tương tiếp nối đã hồi phục trong phiên thứ 3 liên tiếp từ mức hỗ trợ tâm lí 1300 và lực mua thậm chí còn mạnh hơn. Giá cũng đã tăng vọt ngay khi bước vào phiên giao dịch và tiếp tục duy trì biên độ này. Những lo ngại đối với mùa vụ của Mỹ là nguyên nhân chính lý giải cho diễn biến của đậu tương.
Theo báo cáo Tiến độ Mùa vụ, chất lượng đậu tương tại Mỹ trong tuần vừa rồi đã giảm 2% xuống còn 59% diện tích đạt tốt - tuyệt vời và thấp hơn mức dự kiến của thị trường. Tình hình mùa vụ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng ở các khu vực phía trung và nam nhưng đã ghi nhận thêm mức giảm mạnh hơn ở một số bang trung tâm Midwest. Điều này cho thấy hạn hán đang dần mở rộng và ảnh hưởng nhiều hơn tới các khu vực gieo trồng. Mặc dù lượng mưa lớn được dự báo sẽ xuất hiện trở lại trong đầu tuần này nhưng khu vực được cung cấp độ ẩm lại nằm chủ yếu ở phía nam.
Ngoài ra, theo hình ảnh dự báo mới nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) trong tuần đầu tiên của tháng 8, khô hạn sẽ quay trở lại, đặc biệt là thiếu hụt ở vùng đồng bằng phía bắc. Đây vẫn là giai đoạn phát triển quan trọng của đậu tương nên khả năng mùa vụ vẫn đang đứng trước nguy cơ năng suất bị cắt giảm. Chính những lo ngại trên đã thúc đẩy lực mua đối với các mặt hàng họ đậu ngay từ đầu phiên hôm qua.
Khô đậu tương là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất nhóm mặc dù chỉ giằng co trong suốt phiên sáng. Lực mua được đẩy mạnh khi bước vào phiên tối khiến giá mặt hàng này nhảy vọt lên mức 418 USD. Không chỉ bởi lo ngại về nguồn cung đậu tương, cơ cấu cung cầu khô đậu thắt chặt cũng đã giúp hỗ trợ cho giá. Theo đó, Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này có thể xuất khẩu 2,1 triệu tấn khô đậu trong tháng này, thấp hơn so với mức 2,2 triệu tấn ước tính của tuần trước. Trong khi đó, nhập khẩu của khô đậu của EU trong tuần vừa rồi lại tăng mạnh 19,3% lên hơn 1 triệu tấn. Nhu cầu đối với các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của EU đã hỗ trợ mạnh mẽ giá khô đậu.
Ngoại trừ 2 mặt hàng đường, lực mua chiếm ưu thế đối với tất cả các mặt hàng còn lại trong nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cà phê và bông đều có phiên tăng thứ 2 trong tuần, cùng với đó, dầu cọ bật tăng sau 3 phiên giảm liên tiếp nhờ tín hiệu nhập khẩu tích cực từ Trung Quốc. Ở hướng ngược lại, đường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục và đang ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 07 năm ngoái.
Trái chiều với xu hướng chung của đa số các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp, đóng cửa, giá đường trắng giảm nhẹ 0,41% và là phiên giảm thứ 7 liên tiếp, trong khi, giá đường 11 không có sự thay đổi và vẫn duy trì mức thấp nhất trong 1 năm qua. Dầu thô suy yếu đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung đường nới lỏng và tiếp tục gây sức ép lên giá.
Lo ngại nguồn cung thu hẹp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá cà phê trong phiên hôm qua. Cụ thể, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US giảm 1.508 bao (60kg), xuống 703.310 bao, mức thấp nhất trong gần 23 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, đồng Real tiếp tục tăng nhẹ, phần nào giúp hạn chế lực bán của nông dân Brazil và tác động tích cực lên giá.
Bông có phiên tăng giá thứ 2 trong tuần, đóng cửa, giá bông tăng 3,76%, nhờ báo cáo Tiến độ Mùa vụ được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố sáng qua, cho thấy, chất lượng mùa vụ bông có sự sụt giảm mạnh, khi tỷ lệ tốt - tuyệt vời chỉ đạt 34%, giảm 4% so với tuần trước. Đây cũng là tỷ lệ thấp nhất kể từ đầu năm cũng như cùng kỳ 5 năm gần nhất, càng dấy lên lo ngại về chất lượng và sản lượng bông trong niên vụ này tại Mỹ, từ đó thúc đẩy lực mua gia tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu cọ tăng gần 4%, nhờ tăng vọt ngay từ đầu phiên sáng. Nguyên nhân chính từ triển vọng nhu cầu gia tăng, khi Trung Quốc cam kết nhập khẩu 1 triệu tấn dầu cọ từ Indonesia trong chuyến thăm của tổng thống Indonesia, Joko Widodo, tại Bắc Kinh vào ngày hôm qua.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục duy trì được đà tăng từ đầu tuần. Ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê thu mua trên toàn quốc đồng loạt điều chỉnh tăng thêm khoảng 100 đồng/kg so với sáng hôm qua, dao động trong khoảng 42.500 - 43.000 đồng/kg.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm