Thị trường hàng hóa
Vào đầu tuần, giá dầu thô ghi nhận mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ cuối tháng 3 năm nay. Giá dầu WTI giảm 11,20% xuống còn 71,02 USD/thùng, dầu Brent giảm 11,05% xuống 76,10 USD/thùng. Lo ngại về bức tranh tiêu thụ suy yếu đã kéo dầu thô trở về vùng giá thấp nhất kể từ cuối năm ngoái.
Đến ngày 13/12, giá dầu bước vào chu kỳ phục hồi. Giá dầu thô WTI tăng 3,03% lên 73,17 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng khiêm tốn hơn, với 2,48% lên 77,99 USD/thùng.
Sang ngày 14/12, giá dầu thô WTI tăng 3,03% lên 75,39 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 3,45% và đóng cửa ở mức 80,68 USD/thùng.
Tiếp đà tăng, ngày 15/12, giá dầu WTI tăng 2,51% lên mức 77.28 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,5% lên 82,70 USD/thùng. Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cơ quan này đã điều chỉnh tăng dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 thêm 140.000 thùng/ngày lên 2,3 triệu thùng/ngày. Dự báo về mức tăng trưởng nhu cầu cho năm 2023 so với năm 2022 cũng được điều chỉnh tăng thêm 100.000 thùng/ngày lên 1,7 triệu thùng/ngày, đưa nhu cầu tiêu thụ cho năm 2023 đạt mức trung bình 101.6 triệu thùng/ngày trước khả năng phục hồi của Trung Quốc và mức tăng trưởng của Ấn Độ.
Đến ngày 16/12, đà tăng của giá dầu kết thúc khi giá dầu WTI giảm 1,51% xuống 76,11 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,8% xuống 81,21 USD/thùng. Trong khi đó, trái lại, giá khí tự nhiên tăng vọt 8,4% khi báo cáo tồn kho của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thất tổng tồn kho khí gas tự nhiên tại các kho chứa ngầm của Mỹ giảm 50 tỷ feet khối xuống 3.412 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 09/12.
Theo MXV, sức ép vĩ mô từ các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới với các kế hoạch thắt chặt tiền tệ có thể gây ra rủi ro suy thoái, nhiều khả năng vẫn sẽ cản trở đà phục hồi của giá dầu trong giai đoạn tới. Trong khi đó, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc bùng phát dịch gây cản trở tới sản xuất và tiêu thụ dầu thô, trước khi lấy lại đà phục hồi vào năm sau. Do đó, giá dầu nhiều khả năng vẫn sẽ gặp áp lực trong ngắn hạn, và có thể hướng tới sự phục hồi rõ rệt hơn từ quý 2 năm sau.
Trên thị trường nội địa, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong tháng 11 nước ta đã nhập khẩu 1,1 triệu tấn dầu thô, trị giá 851,5 triệu USD. So với tháng 11, nhập khẩu dầu thô đã tăng mạnh 31,4% về lượng và 32,5% về giá trị. Luỹ kế từ đầu năm nay, cả nước nhập khẩu 1,7 triệu tấn dầu thô, tương đương kim ngạch 1,4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2021, trong 11 tháng đầu năm nay, nhập khẩu dầu thô của Việt Nam chỉ tăng 4,5% về lượng nhưng đã tăng vọt 58,8% về kim ngạch; do có những thời điểm giá dầu thô nhập khẩu đã tăng rất cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/12, sắc đỏ bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp trừ 2 mặt hàng cà phê. Đáng chú ý nhất là sự bật tăng mạnh của Arabica với mức tăng gần 6%.
Trước khi bật tăng gần 6%, mở đầu phiên giao dịch, giá Arabica vẫn chịu áp lực trước những triển vọng tích cực hơn về nguồn cung Arabica trong niên vụ tới của Brazil thông qua dự đoán của Hedgepoint trước đó. Cùng với đó, số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 11 của Brazil với 3,4 triệu bao cà phê xanh, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần khiến giá nối tiếp đà giảm từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, sự suy yếu này không kéo dài đến cuối phiên, giá nhận hỗ trợ và bật tăng trước thông tin Conab, Cơ quan cung ứng mùa vụ của Brazil cắt giảm ước tính sản lượng cà phê của quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới do thời tiết xấu. Đây chính là nguyên nhân khiến giá cà phê đảo chiều tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Cùng với Arabica, Robusta có có phiên tăng mạnh 1,01%. Những lo ngại về nguồn cung cà phê tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới tiếp tục là nhân tố hỗ trợ giá. Cùng với đó, việc tỷ giá USD/VND đang ở mức thấp, cũng hạn chế lực bán từ phía nông dân và các nhà xuất khẩu của quốc gia này vì họ sẽ thu được ít nội tệ hơn. Điều này cũng góp phần kéo giá Robusta đi lên sau phiên giảm mạnh vào cuối tuần trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ ổn định, dao động trong khoảng 40.000 – 40.800 đồng/kg. Theo Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) Vanusia Nogueira, thế giới cần nhiều cà phê arabica và robusta hơn, nhưng sự gia tăng về mặt sản lượng và nhu cầu đối với cà phê robusta sẽ cao hơn. Hiện, các nhà sản xuất cà phê arabica truyền thống đang có xu hướng chuyển sang trồng cà phê robusta trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, trong khi các nhà rang xay cũng tìm cách gia tăng cà phê robusta rẻ hơn trong các sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành cà phê nước ta với vai trò là quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới.
Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022, bà Vanusia Nogueira cũng cho rằng vị thế thống trị toàn cầu về xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Brazil tăng sản lượng cà phê Robusta. Lý do là sản lượng Robusta tăng thêm của Brazil là để cung cấp nhu cầu tiêu thụ nội địa của ngành công nghiệp cà phê hòa tan quốc gia Nam Mỹ này.
Thị trường kim loại tiếp tục chứng kiến sự phân hóa trong phiên ngày 14/12. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 0,61% lên 24,14 USD/ounce. Giá bạch kim gần như không đổi, chỉ giảm 0,02% về 1038,7 USD/ounce.
Chất xúc tác quan trọng nhất của thị trường kim loại quý là các nội dung từ cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên mức 4,25% – 4,5%, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2007.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá của các mặt hàng cũng không được hỗ trợ quá nhiều bởi tin tức đến từ cuộc họp của Fed. Giá đồng tăng 0,94% lên 3,88 USD/pound, còn giá sắt giảm nhẹ 0,24% về 108,62 USD/tấn. Lo ngại nguồn cung ở Peru, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, khi mỏ đồng Las Bambas đang đối mặt với rủi ro kép từ các cuộc biểu tình và nguy cơ thiếu kho dự trữ, làm tăng nguy cơ gián đoạn sản xuất.
Tuy nhiên, đà tăng của giá đồng bị hạn chế nhiều khi Ủy ban Đồng Chile (Cochilco), thuộc sở hữu nhà nước, đã cắt giảm dự báo giá đồng cho năm 2023 xuống còn 3,70 USD/pound do kỳ vọng nguồn cung lớn hơn. Cơ quan này dự báo nguồn cung đồng sẽ tăng 3.9% trong năm tới, trong khi nhu cầu chỉ tăng trưởng 2,4%. Ngoài ra, sản lượng khai thác đồng của Chile được dự báo đạt 5,3 triệu tấn vào năm 2022, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với năm 2023, cơ quan này dự báo tăng trưởng sản lượng là 7,5% lên 5,7 triệu tấn.
Đối với thị trường quặng sắt, giá đã giảm ba phiên liên tiếp, một mặt do sức ép chốt lời bởi giá đã tăng hơn 40% kể từ đáy tháng 11. Mặt khác, các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi các tin tức tích cực rõ nét hơn từ Trung Quốc, nhà tiêu thụ số một thế giới.
Sang ngày 16/12, giá bạch kim giảm 2,45% về 1013,2 USD/ounce. Bạc có mức giảm mạnh nhất nhóm, 3,44% về 23,31 USD/ounce.
Doanh số bán lẻ tháng 11 được công bố giảm 0,6%, mức giảm mạnh hơn rất nhiều so với kỳ vọng của thị trường ở 0,1%. Số liệu đáng thất vọng này cho thấy lạm phát đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhiều hơn dự kiến, nhất là trong giai đoạn mua sắm cao điểm cho các dịp lễ vào cuối năm. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp và sản lượng sản xuất cũng sụt giảm lần lượt 0,2% và 0,6% trong tháng 11, phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế mỹ.
Các tin tức này đã làm gia tăng lo ngại của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thể đạt được mục tiêu hạ cánh mềm - nâng lãi suất nhưng không đưa nền kinh tế vào suy thoái.
Điều này khiến các nhà đầu tư gia tăng sức bán với các tài sản rủi ro như chứng khoán, tuy nhiên, giá của các mặt hàng kim loai quý không được hưởng lợi từ việc này, bởi dòng vốn dịch chuyển vào loại tài sản có tính trú ẩn và thanh khoản cao như đồng USD.Chỉ số Dollar Index tăng trở lại lên mức 104,6 điểm, và là sức ép trực tiếp khiến cho giá bạc và bạch kim bớt hấp dẫn khi so sánh với đồng bạc xanh.
Giá bạc giảm mạnh nhất nhóm kim loại quý bởi trong các phiên gần đây, giá bạc tăng mạnh nhất nên sức ép bán chốt lời cũng nhiều hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, ngoại trừ giá quặng sắt tăng 2,65% lên 111,5 USD/tấn, giá các mặt hàng khác đều giảm. Giá đồng giảm 2,97% về 3,76 USD/pound, mức thấp nhất trong vòng hai tuần. Bên cạnh sức ép đến từ đồng USD, giá các mặt hàng kim loại cơ bản suy yếu cũng vì các số liệu kinh tế kém của Trung Quốc, nhà tiêu thụ số một thế giới.
MXV nhận định, thị trường kim loại đang bước vào giai đoạn phục hồi. Mặc dù rủi ro vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn sau khi cuộc họp của Fed cho biết sẽ còn thực hiện các mức tăng lãi suất tiếp theo vào năm sau, song nhu cầu công nghiệp sẽ có xu hướng đc cải thiện sẽ hỗ trợ cho giá. Thị trường tiêu thụ tiềm năng Trung Quốc đang tăng cường kích thích kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Khu vực châu Âu cũng tích cực chuyển đổi hạ tầng xanh. Do đó, nhu cầu kim loại cho nguyên vật liệu xây dựng, và các kim loại quý nhiều khả năng sẽ đón nhận lực mua tích cực hơn trong năm sau.
Trên thị trường nội địa, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 11 vừa qua, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 587,1 nghìn tấn sắt thép các loại, trị giá 470,1 triệu USD. Như vậy, so với tháng 10, xuất khẩu sắt thép đã tăng 10,4% về lượng và 8,2% về giá trị, đánh dấu tháng tăng đầu tiên cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu sau nhiều tháng giảm liên tiếp.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm