Thị trường hàng hóa
G. Keith Still, chuyên gia về an toàn đám đông tại Đại học Suffolk (Anh), cho biết thảm kịch Itaewon có thể được mô tả như một vụ bị đè bẹp bởi đám đông (crowd crush). Hiện tượng này xảy ra khi quá nhiều người tập trung lại với nhau trong một không gian hạn chế (ít hoặc không có lối thoát hiểm) và có những chuyển động như xô đẩy khiến đám đông ngã nhào. Một vụ giẫm đạp xảy ra khi mọi người có không gian để chạy và giẫm đạp lên nhau. Điều này không xảy ra ở Itaewon.
“Cả đám đông đều ngã nhào. Và khi họ đang ở trong một không gian hạn chế, mọi người sẽ không thể đứng dậy được nữa”, ông Still cho biết.
Khi một đám đông dồn lực đẩy về cùng một phía, lực ép này thậm chí có thể đủ mạnh để bẻ cong cả thép. Trong tình huống một người đứng giữa đám đông tại một sự kiện, người này có lúc phải chịu hai sự chèn ép cùng lúc, đó là một lực đến từ dòng người phía sau đang cố đẩy lên và một lực từ những người xung quanh đang cố thoát khỏi đó. Nếu có một người bị ngã, tình huống này sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi có thể kéo nhiều người khác ngã theo và tạo ra thêm một lực ép khác khi các cơ thể đè lên nhau.
Theo chuyên gia Still, mất khoảng 6 phút để chuyển sang trạng thái ngạt thở do bị đám đông đè bẹp. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong trong một vụ crowd crush. Ngoài ra, mọi người cũng có thể bị thương và bất tỉnh khi cố gắng thở và thoát khỏi đám đông.
“Các nạn nhân không chết vì hoảng sợ. Họ hoảng sợ vì họ sắp chết. Những gì xảy ra là mọi người ngã đè lên nhau, họ cố gắng đứng dậy và kết quả là tay và chân họ bị xoắn vào nhau”, ông Still cho biết.
Thảm kịch tại Seoul xảy ra vào tối 29/10 khi một đám đông khổng lồ chen chúc trong một con hẻm chật hẹp ở khu phố đêm Itaewon. Khoảng 100.000 người đã tập trung tại con dốc chỉ dài khoảng 40m và rộng hơn 4m. Hai bên đường là vách tường cao khiến tầm nhìn bị hạn chế. Dòng người di chuyển từ trên xuống và dòng người đi từ dưới ga tàu điện ngầm lên đan xen nhau. Trong khi chen lấn, một số người ngã xuống, số khác xô đẩy và nhiều người đổ chồng lên nhau theo hiệu ứng domino.
Tiếng nhạc từ các quán bar quá lớn, cộng thêm tiếng la hét khiến những người trên đỉnh dốc không phát hiện ra sự cố bên dưới và vẫn tiếp tục dồn xuống. Cứ thế, sự việc dần vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn tới thảm kịch sau đó. Một nhân chứng chia sẻ trên Twitter: "Tôi thực sự cảm thấy như mình sẽ bị nghiền nát cho đến chết”.
Thời gian gần đây, hàng loạt thảm kịch tại sự kiện đông người đã xảy ra ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Vào tháng trước, 130 người đã thiệt mạng do bị đám đông đè bẹp tại sân vận động Kanjuruhan ở Indonesia. Nguyên nhân chính là do số người đến xem trận bóng vượt quá sức chứa của sân. Khi bạo loạn xảy ra, cảnh sát đã sử dụng hơi cay và tình trạng thêm tồi tệ. Người hâm mộ bỏ chạy bị kẹt lại ở một điểm của lối ra. Sau đó đám đông tích tụ lại, trong quá trình chen lấn có hiện tượng ngạt thở.
Vào tháng 11 năm ngoái, vụ việc thương tâm khác đã xảy ra tại Mỹ. 8 người đã thiệt mạng khi tham gia lễ hội âm nhạc Astroworld ở thành phố Houston, bang Texas. Nguyên nhân là do đám đông xô đẩy và dồn về phía trước sân khấu, khiến những người ở phía trước bị dồn ép và ngã đè lên nhau.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm