Thị trường hàng hóa
Để đạt được mục tiêu đề ra là lọt “Top 5” điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch y tế, hiện các cơ quan liên quan của Thái Lan đang tích cực và quyết liệt thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để biến mục tiêu này sớm trở thành hiện thực. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, trong các năm qua, nước này đã phát triển mạnh cơ sở hạ tầng y tế, tăng cường thu hút sự tham gia của các bệnh viện tư nhân và các cơ sở spa, xây dựng hình ảnh các thành phố thảo dược để giới thiệu các điểm du lịch về sức khỏe.
Song song với các biện pháp trên, Thái Lan còn triển khai các chiến dịch quảng bá đi kèm ưu đãi như tăng thời hạn visa lên 90 ngày cho khách hàng tới từ một số quốc gia nhất định. Đồng thời phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước với những cơ sở chăm sóc y tế tư nhân, để nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ, đồng thời tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, Thái Lan cũng đã phê duyệt các hướng dẫn để phát triển Hành lang Sức khỏe Andaman theo mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe tiên tiến trên thế giới, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh về du lịch sức khỏe ở 4 tỉnh nằm dọc biển Andaman gồm Phuket, Krabi, Phang Nga và Ranong. Việc phát triển các mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe sẽ được thực hiện với việc sử dụng y học xanh và kinh tế sáng tạo, nhằm nâng cao các chương trình chăm sóc sức khỏe và du lịch chữa bệnh. Bên cạnh đó, Thái Lan còn chú trọng đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực y tế nhằm đào tạo nhiều bác sĩ có thể đáp ứng các yêu cầu cao hơn.
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, 5 thị trường khách du lịch y tế lớn và tiềm năng nhất đối với Thái Lan đó là Trung Quốc, Kuwait, Campuchia, Myanmar, Nhật Bản. Dự kiến, du lịch y tế có thể mang lại doanh thu 25 tỉ baht (khoảng 715 triệu USD) cho Thái Lan trong năm nay. Giới chức Hiệp hội Du lịch Y tế nhận định, Thái Lan là một trong số các điểm đến du lịch y tế phổ biến nhất trên thế giới vào năm ngoái. Giới chức của Hiệp hội này cho rằng, các yếu tố khiến Thái Lan trở thành điểm đến phổ biến đối với khách du lịch bao gồm tiêu chuẩn chăm sóc y tế cao, phương pháp điều trị chất lượng, chi phí hợp lý và chi phí sinh hoạt phải chăng. Theo khảo sát, khách du lịch y tế nước ngoài đã chi trung bình 35.000 baht (hơn 1.000 USD) cho các phương pháp điều trị tại Thái Lan vào năm ngoái.
Rõ ràng, du lịch y tế hay còn gọi là du lịch chữa bệnh, không phải là chủ đề mới nhưng vẫn không ngừng được quan tâm. Du khách không chỉ đi du lịch để tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng mà còn để chữa bệnh. Chính vì vậy, mà du lịch y tế đã trở thành một trong sáu xu hướng phát triển du lịch trong tương lai. Đây là hình thức người đi du lịch đến một nước khác với mục đích chính là nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Một nước Đông Nam Á khác là Malaysia, năm 2018 nước này đã đón lượng du khách quốc tế kỷ lục đến khám, chữa bệnh. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt mức hai chữ số, du lịch y tế là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của ngành du lịch Malaysia. Ngoài Malaysia và Thái Lan, thêm một nước Đông Nam Á khác không thể bỏ qua khi nói về du lịch y tế, đó là Singapore. Quốc đảo này cũng là một trong những điểm đến hàng đầu về du lịch chữa bệnh trên thế giới. Dịch vụ hoàn hảo, trang thiết bị tối tân, đặc biệt tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ là những thế mạnh giúp Singapore luôn là lựa chọn du lịch y tế hàng đầu ở khu vực và thế giới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm