Thị trường hàng hóa
Theo người phát ngôn chính phủ Anucha Burapachaisri, có 4 nhóm đối tượng người nước ngoài được quyền sở hữu đất để làm nhà ở tại Thái Lan, bao gồm chuyên gia có tay nghề cao, chuyên gia làm việc tại Thái Lan, công dân toàn cầu giàu có và người hưởng lương hưu giàu có.
Ngoài ra, người nước ngoài muốn mua đất tại xứ sở Chùa vàng còn phải đầu tư ít nhất 40 triệu Baht (hơn 1 triệu USD) vào bất động sản, chứng khoán hoặc các quỹ đầu tư của Thái Lan. Nếu người tham gia rút vốn đầu tư trước thời hạn quy định, quyền sở hữu đất sẽ bị thu hồi.
Quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được công bố trên Công báo Hoàng gia và sẽ được xem xét lại sau 5 năm thực hiện. Các khu đất dự kiến thuộc sở hữu nước ngoài sẽ nằm ở Bangkok, khu vực Pattaya, các thành phố trực thuộc trung ương và các khu dân cư theo Đạo luật Quy hoạch thị trấn và quốc gia.
Ông Anucha cho biết quyết định nới lỏng quyền sở hữu đất phù hợp với mục tiêu lôi kéo các chuyên gia và những cá nhân giàu có đến Thái Lan. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài và kích thích nền kinh tế đất nước.
Chính phủ Thái Lan hy vọng trong khoảng thời gian 5 năm từ nay đến năm 2026, chính sách mới sẽ giúp thu hút hơn 1 triệu người nước ngoài giàu có đến sinh sống tại nước này, đồng thời sẽ tạo ra hơn 1.000 tỷ Baht (hơn 26 tỷ USD) cho nền kinh tế, với 800 tỷ Baht thông qua hoạt động đầu tư và 270 tỷ Baht thông qua thu ngân sách.
Chính sách mới đang gây ra những ý kiến trái chiều. Tanit Sorat, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Thái Lan, không đồng ý với quyết định của nội các, với lý do lo ngại các tác động có thể xảy ra đối với việc mua đất trong tương lai của người dân trong nước cũng như các vấn đề về quyền sở hữu đất đai.
Ông Tanit nói: “Thái Lan có thể gặp rắc rối liên quan đến đầu cơ đất đai, nghĩa là người dân địa phương không đủ khả năng mua đất vì giá cao hơn. Chúng tôi lo lắng về các nhà đầu tư Trung Quốc. Họ đã mua và sở hữu nhiều lô đất tại Campuchia và Lào”.
Chuyên gia này cho biết ông hiểu chính phủ muốn kích thích nền kinh tế bằng cách trao quyền sở hữu đất đai cho người nước ngoài để thu hút đầu tư, nhưng ông cho biết có nhiều cách khác tốt hơn. "Tại sao chính phủ không xem xét cấp quốc tịch Thái Lan cho những người nước ngoài có thể áp dụng chuyên môn của họ để giúp quốc gia này phát triển công nghệ cao tại Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC)”, ông Tanit nói.
EEC là một dự án của chính phủ Thái Lan với mục tiêu biến ba tỉnh lớn – Chachoengsao, Chonburi và Rayong – nằm ở phía Đông Bangkok với tổng diện tích hơn 13.000 km2, thành một trung tâm của các ngành công nghiệp công nghệ cao và logistics cũng như là một cửa ngõ về thương mại và đầu tư của khu vực.
Ngược lại, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, chính sách sở hữu đất đai đối với người nước ngoài có thể là một biện pháp kích thích kinh tế tích cực. Chủ tịch FTI, Kriengkrai Thiennukul cho rằng nhiều người nước ngoài giàu có, đặc biệt là những người đang kinh doanh, có thể ở lại lâu dài và nghỉ hưu tại Thái Lan nếu được sở hữu đất. Các công ty du lịch trong nước sẽ được hưởng lợi từ điều này.
Sanan Angobulkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết kế hoạch cho phép người nước ngoài sở hữu đất không phải là mới vì nó từng được triển khai áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 để kích thích đầu tư nước ngoài và phục hồi nền kinh tế. Ông nói: “Kế hoạch này đã thành công vào thời điểm đó. Chúng tôi hy vọng lần này nó có thể giúp hồi sinh thị trường bất động sản và nền kinh tế Thái Lan”.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm