Thị trường hàng hóa
Phát biểu khai mạc hội thảo - triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2022 (VDF-2022) với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính” sáng 17/11, ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính khẳng định với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
“Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; hải quan thông minh; kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ) và chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán”, ông Trí nói.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận những kết quả đạt được trong chuyển đổi số ngành Tài chính. Việc triển khai chuyển đổi số, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của ngành tài chính đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số.
“Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu trong số các bộ, ngành; các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng”, ông Hiển cho biết.
Theo TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lực và Chính sách tài chính, để thực hiện các mục tiêu đặt ra, chiến lược tài chính đến năm 2030 đã đưa ra 3 đột phá về nâng cao chất lượng thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nền tảng tài chính số; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính.
Trong đó, đột phá chuyển đổi số đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công nghệ số có tác động ngày càng lớn hơn vào các hoạt động kinh tế xã hội. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, triển khai tài chính số và hướng tới tài chính số có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Chiến lược là xây dựng nền tài chính hiện đại, hiệu quả.
Trên cơ sở các thông tin được thảo luận tại hội thảo, Ban Tổ chức đã thống nhất một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý trong thời gian tới để công cuộc chuyển đổi số của ngành Tài chính đạt mục tiêu đề ra.
Đó là cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp để chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số.
Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Chủ động nghiên cứu, áp dụng các thành quả công nghệ vào xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin lớn, cốt lõi của ngành. Cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó, nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến trong các lĩnh vực của tài chính. Chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ thông tin.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm