Thị trường hàng hóa
Ba năm qua, đại dịch COVID-19 hoành hành đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nặng nề. Chính vì thế, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã chưa thể thực hiện.
Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% từ ngày 1/7/2023 cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Đối tượng hưởng lương hưu cũng được hưởng mức tăng tương ứng.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, hiện Nhà nước chưa chính thức thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, ngày 1/7 tới, tiền lương sẽ được điều chỉnh tăng để tương thích với tình trạng trượt giá, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát tăng cao.
Theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh chính sách tiền lương hiện nay sẽ tập trung vào các đối tượng như: Cán bộ công chức, viên chức; người làm công ăn lương; người có công với cách mạng; người thuộc diện bảo trợ xã hội; người có hoàn cảnh khó khăn; cán bộ hưu trí, cán bộ y tế tuyến xã, tuyến cơ sở; giáo viên… Việc điều chỉnh chính sách tiền lương với các đối tượng này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu.
Liên quan đến thắc mắc của nhiều cử tri về việc in thêm tiền để tăng lương sẽ là nguyên nhân gây ra lạm phát, Bộ Tài chính đã lý giải nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hằng năm. Như vậy, nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc “in tiền” - tăng cung tiền, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.
Tuy nhiện, Bộ Tài chính nhấn mạnh, để ổn định giá cả thị trường, đặc biệt trước việc tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hoá.
Các bộ ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, cơ quan này tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri để cùng với các bộ ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ các biện pháp, giải pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mức tăng 20,8% là tương đối lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023. Tuy nhiên, tăng 20,8% trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động khu vực công có được cải thiện song không nhiều.
Lộ trình tăng lương cần đặt mục tiêu trong 5 năm tới đưa mặt bằng tiền lương thực tế của người lao động khu vực công bằng mức thu nhập trung bình cao ở khu vực đô thị. Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm