Thị trường hàng hóa
Những tín đồ yêu tranh trên thế giới đang bức xúc trước việc bức tranh “Hoa hướng dương” của danh họa Van Gogh đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia London (Anh) bị hai thành viên của một nhóm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu hất súp cà chua.
Hiện tại, nhiều triển lãm nghệ thuật ở Anh đang rất lo ngại trước những hành động “tấn công” trực tiếp kiệt tác nghệ thuật của những hội nhóm mang danh bảo vệ môi trường. Những hành động “tấn công” dạng này thường không để lại hậu quả nghiêm trọng bởi phương thức thực hiện đã được cân nhắc từ trước, với mục đích để gây chú ý với dư luận và truyền thông.
Tuy nhiên, chúng đang gây nên những tranh cãi trong dư luận, thậm chí bị cho là phản cảm, là phá hoại... khi đe dọa tới những di sản nghệ thuật của nhân loại, gây ảnh hưởng tới tác phẩm nghệ thuật quý giá, đồng thời hoạt động thưởng thức nghệ thuật của khách tham quan cũng bị ảnh hưởng mạnh.
Bức tranh “Hoa hướng dương” do có mặt kính bảo vệ nên không bị ảnh hưởng, phần khung tranh chỉ bị tác động nhẹ, hậu quả để lại không nghiêm trọng. “Với những động thái bảo vệ môi trường dạng này, tôi không hiểu rồi đây, hai cô gái này sẽ kiếm việc làm kiểu gì, rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy ngần ngại về họ”, một cư dân mạng chỉ trích gay gắt.
“Tôi không thể nhìn ra nổi mối liên hệ giữa việc hắt súp vào kiệt tác với việc chống biến đổi khí hậu, có ai giải thích giúp tôi được không?”, người khác lên tiếng. Trước đó, các hội nhóm bảo vệ môi trường còn dán tay lên khung tranh hoặc khu vực ngay cạnh tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Việc làm của họ thường bị nhân viên an ninh của bảo tàng hoặc cảnh sát tại địa phương tạm giữ sau vụ việc.
Hồi tháng 5, bức tranh “Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci bị “tấn công” bởi người đàn ông cải trang thành một phụ nữ lớn tuổi ngồi xe lăn. Gã “tấn công” bức tranh bằng một chiếc bánh trứng sữa, khiến lớp kính chống đạn bảo vệ tác phẩm trở nên “lem nhem”. Sau đó, người này tung lên một bó hoa hồng rồi hét lớn.
Thực tế, bức tranh “Mona Lisa” từng phải trải qua nhiều cuộc “tấn công” lớn nhỏ. Năm 1911, tác phẩm bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Louvre bởi Vincenzo Peruggia - một nhân viên làm việc cho bảo tàng và từng tham gia vào việc dựng khung kính bảo vệ bức tranh.
Từ thập niên 1950, bức tranh này được lắp khung kính chống đạn là bởi trước đó có một người đàn ông tuyên bố đã đem lòng yêu bức tranh và định dùng dao để... cắt tranh đem đi. Năm 1956, một thanh niên có tên Ugo Ungaza Villegas đã ném một hòn đá về phía bức tranh “Mona Lisa” khi tham quan Bảo tàng Louvre.
Lực ném quá mạnh khiến lớp kính bảo vệ bị vỡ và những mảnh vỡ văng vào tranh, khiến một màu sơn của tranh bị bong ra, đó là ở chỗ cùi trỏ bên trái của nàng Mona Lisa. Năm 1974, khi tranh được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo (Nhật Bản), một người phụ nữ đã phun sơn đỏ lên lớp kính bảo vệ tranh. Năm 2009, một phụ nữ đã ném chiếc cốc mua tại Bảo tàng Louvre về phía bức tranh, chiếc cốc va vào lớp kính bảo vệ rồi vỡ tan.
Năm 1911, tác phẩm “The Night Watch” (Phiên tuần đêm) của danh họa Rembrandt suýt bị một người thợ đóng giày thất nghiệp dùng dao rạch để thể hiện nỗi bất mãn, chán chường của mình. Nhưng chính lớp phủ bóng khá dày đã cứu nguy cho bức họa vì những nhát dao đã không thể rạch xuyên qua lớp phủ bóng ấy.
Năm 1975, bức họa lại bị tấn công bằng dao bởi một người đàn ông thất nghiệp có tên Wilhelmus de Rijk. Do lực đâm quá mạnh nên để lại những vết cắt lớn trên tranh, người ta cần tới 4 năm mới có thể phục chế xong, nhưng tác phẩm không thể nguyên vẹn được như xưa.
Năm 1990, một bệnh nhân tâm thần bỏ trốn tạt axit lên tranh bằng một chai xịt mà y cất giấu trong người. Nhân viên bảo vệ đã nhanh chóng can thiệp và xịt nước lên tranh khiến dung dịch axit loãng ra, nên chỉ tác động được tới lớp phủ bóng của tranh và chưa kịp ngấm sâu xuống các lớp màu bên dưới. Sau đó, tranh lại phải trải qua phục chế.
Vào năm 1914, một người phụ nữ có tên Mary Richardson đã bước vào Bảo tàng Quốc gia London (Anh) để tấn công bức họa nổi tiếng “Rokeby Venus” (Thần Vệ Nữ ở Rokeby) của danh họa Diego Velázquez bằng một con dao... thái thịt và để lại 7 vết rạch lớn trên tranh. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1952, người phụ nữ này từng nói rằng bà ta không thích “cách những người đàn ông nhìn chằm chằm tác phẩm này mỗi khi đến thăm bảo tàng”.
Năm 1985, tác phẩm “Danaë” của danh họa Rembrandt đã bị tấn công bởi một người đàn ông có tên Bronius Maigys, người này về sau được xác định là có tâm thần bất ổn. Y đã hắt axit lên bề mặt tranh rồi dùng dao rạch hai nhát.
Toàn bộ khoảng giữa của bức tranh liền bị bay màu rất mạnh, tác động nặng tới dung mạo nàng Danaë trong tranh. Hoạt động phục chế được bắt đầu tiến hành ngay trong ngày và diễn ra từ năm 1985 - 1997 mới có thể đưa bức tranh gần trở về trạng thái nguyên bản.
Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng “Pieta” (Đức Mẹ sầu bi) của nghệ sĩ Michelangelo đã từng phải trải qua nhiều lần phục chế. Lần đầu, 4 ngón tay trên bàn tay trái của tượng Đức Mẹ bị gãy khi tác phẩm được di chuyển vị trí. Sự cố đã được sửa chữa, phục chế hồi năm 1736.
Vào năm 1972, một người đàn ông bị tâm thần có tên Laszlo Toth đã bước vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Peter ở Vatican rồi dùng búa tấn công tác phẩm điêu khắc. Kẻ này đã làm gãy cánh tay của tượng Đức Mẹ, làm vỡ chóp mũi, sứt mẻ mi mắt.
Những du khách có mặt ngay lập tức khống chế Toth. Một số du khách khác đã nhặt lấy những mẩu đá hoa cương rơi xuống sàn, về sau, có một số người đem trả lại, nhưng rất nhiều người trong số này không làm được như vậy. Nhóm phục chế đã phải cắt đá ở phía sau lưng tượng để dùng cho hoạt động phục chế. Giờ đây, tượng được bảo vệ bằng kính chống đạn.
Tác phẩm “The Virgin and Child with St Anne and St John the Baptist” (Đức Mẹ Đồng trinh và Chúa hài đồng cùng Thánh Anne và Thánh John) của danh họa Leonardo da Vinci từng bị một người đàn ông bị tâm thần có tên Robert Cambridge tấn công bằng súng hồi năm 1987.
Người đàn ông này đã dùng súng ngắn bắn lớp kính bảo vệ khiến lớp kính này vỡ vụn, các mảnh vỡ bắn vào bề mặt tranh đã gây nên những vết rách. Dù vậy, sau đó, hoạt động phục chế đã giúp bức tranh trở về trạng thái ban đầu.
Ngày 7/10/2012, tác phẩm “Black on Maroon” (Màu đen nâu) của họa sĩ Mark Rothko đã bị tấn công bằng sơn đen. Kẻ tấn công tự cho mình là một nghệ sĩ siêu hiện thực và có quyền thêm thắt vào tác phẩm của họa sĩ khác để đưa lại thông điệp mới.
Người này có tên Wlodzimierz Umaniec. Hoạt động phục chế đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Khi tác phẩm được đem trưng bày trở lại hồi tháng 5/2014, Wlodzimierz Umaniec đã thể hiện sự hối hận và lên tiếng xin lỗi vì những gì đã gây ra.
Tác phẩm “Argenteuil Basin with a Single Sailboat” (Vịnh Argenteuil và một con thuyền) hồi năm 2012, khi tham gia triển lãm quốc gia Ireland đã bị một người đàn ông có tên Andrew Shannon đã đấm vào bức tranh và gây ra vết rách lớn trên tác phẩm.
Phải mất 18 tháng để phục chế bức tranh, kể từ đó, tác phẩm được lắp kính bảo vệ. Dù được phục chế, nhưng vẫn có khoảng 7% lớp sơn của bức tranh nguyên bản bị mất đi sau cú đấm.
Giới khoa học và các chuyên gia nghệ thuật đã phải không ngừng nỗ lực để tìm ra các biện pháp lưu giữ, bảo quản, phục chế những hư hại mà thời gian gây ra cho các siêu phẩm hội họa, tất cả đều mong lưu giữ lại vẻ đẹp của tác phẩm lâu dài, để hậu thế còn được chiêm ngưỡng.
Những hành động gây nguy hiểm, gây tổn hại cho tác phẩm nghệ thuật dù ở mức độ nào và với mục đích gì thì cũng không được công chúng cảm thông.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm