Thị trường hàng hóa
Khi BuzzFeed News được thành lập vào năm 2011, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trang tin điện tử này đã tạo ra những câu chuyện vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm túc thông qua các tiêu đề dạng liệt kê và phần nào có tính “câu view” để lan truyền trên mạng. Đó là một sản phẩm được thai nghén thành công của công ty mẹ, một phòng thí nghiệm internet mà CEO Jonah Peretti của nó đã bắt đầu vào năm 2006.
Hoạt động tin tức của BuzzFeed News sớm thu hút sự chú ý nhờ việc đưa tin đầy quyết liệt, sắc bén và rất hút view, đặc biệt sau khi tiếp tục mở các văn phòng ở nước ngoài và đầu tư vào báo chí điều tra. Lúc đó ngay cả những tờ báo giàu truyền thống như The New York Times, The Wall Street Journal và Bloomberg News cũng phần nào phải học BuzzFeed trong việc tìm kiếm độc giả trực tuyến.
Vậy tại sao từ một nhà tiên phong thành công trong kỷ nguyên số vốn vẫn đang là nền tảng truyền thông chủ đạo, BuzzFeed News lại có thể sụp đổ? Câu trả lời rất đơn giản: Dù thành công về cả nội dung lẫn cách vận hành, thậm chí vẫn rất “hút view” song nó lại đã thất bại trong nhiệm vụ cốt yếu nhất là kiếm tiền. Chính xác hơn là nguồn thu của họ không thể bù đắp chi phí rất lớn để vận hành và để thuê các nhà báo trên khắp thế giới.
Chính Ben Smith, biên tập viên sáng lập của BuzzFeed News, người đã rời đi vào năm 2020 để trở thành người phụ trách chuyên mục truyền thông của The Times cũng tỏ ra tiếc nuối trước thông tin trang tin này sụp đổ. Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông “thực sự buồn” về việc đóng cửa.
Tuy nhiên, Smith cũng thừa nhận: “Đó là sự kết thúc của cuộc hôn nhân giữa truyền thông xã hội và tin tức”. Có nghĩa rằng truyền thông xã hội và tin tức trực tuyến giờ khó có thể tiếp tục song hành cùng nhau, ít nhất còn trong mối quan hệ “bất công” như hiện tại.
“Chúng ta đã phải đối mặt với nhiều thách thức hơn tôi có thể tưởng tượng được trong vài năm qua”, CEO Peretti cay đắng cho biết trong bức thư gửi cho nhân viên về quyết định đóng cửa bộ phận tin tức đình đám và từng được coi trọng nhất trong công ty của mình vào thứ Năm vừa rồi.
Ở một khía cạnh nào đó, BuzzFeed có thể xem như một nạn nhân trong sự suy thoái chung của thị trường quảng cáo kỹ thuật số trên toàn cầu. Những gã khổng lồ công nghệ từ Meta, Google, Microsoft hay Twitter cũng đã phải sa thải hàng trăm nghìn nhân viên kể từ cuối năm vừa rồi.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nếu các ông lớn công nghệ vốn vẫn đang thống trị gần như tuyệt đối miếng bánh quảng cáo trực tuyến toàn cầu còn phải sa thải hàng loạt, thì việc một trang tin kỹ thuật số như BuzzFeed sụp đổ cũng chẳng có gì quá khó hiểu.
Không chỉ bộ phận tin tức, mà cả công ty truyền thông BuzzFeed cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự phát triển. Cuối năm 2021, họ đã niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq và kỳ vọng sẽ nhận được con số 250 triệu USD, nhưng thật thảm hại họ chỉ huy động được 16 triệu đô la!
Và cần biết rằng BuzzFeed không đơn độc trong sự suy tàn của những người vẫn cố bám trụ trong kỷ nguyên miễn phí của truyền thông kỹ thuật số. Một tập đoàn truyền thông khác là Vice có thể đã phải đóng cửa trang tin cũng rất thành công về “lượng view” là Vice World News nếu không tìm được người mua là tờ The Wall Street Journal.
Insider, thuộc sở hữu của gã khổng lồ truyền thông Đức Axel Springer, đang sa thải 10% nhân viên. Vox, một trang tin cũng từng rất nổi bật và thành công trong giai đoạn đầu kỷ nguyên truyền thông số, cũng đã cắt giảm 7% nhân viên của mình vào tháng 1. Rồi Gawker đã ngừng hoạt động vào tháng 2, còn Protocol đóng cửa vào tháng 11 năm ngoái.
Và liệu việc đóng cửa BuzzFeed News có đủ để cứu BuzzFeed? Hiện, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về triển vọng tồn tại của tập đoàn truyền thông này khi cổ phiếu của công ty đã giảm 20% vào hôm thứ Sáu vừa rồi.
Vấn đề thực sự của BuzzFeed, cũng như nhiều trang tin trong kỷ nguyên truyền thông số miễn phí khác, là gì? Và giới truyền thông có thể rút ra được bài học gì về những sự sụp đổ có thể tạo một chuỗi domino toàn diện nói trên?
Câu trả lời có thể nói nằm ở việc các trang tin kỹ thuật số đã lao như thiêu thân vào cuộc đua “kiếm view”, bằng việc đổ tiền bạc vào để cung cấp các sản phẩm miễn phí trên mạng, thậm chí một phần nào đó bất chấp chất lượng hoặc đạo đức báo chí. Khi MXH chưa thống trị truyền thông số, cách làm này đã mang lại những chiến thắng lớn cho họ bởi nhận được nguồn thu từ quảng cáo.
Nhưng khi kỷ nguyên truyền thông xã hội lên ngôi với sự thống trị của các nền tảng như Google, Facebook và gần nhất là TikTok, thì miếng bánh quảng cáo trực tuyến đã gần như còn rất ít cho các trang tin, thậm chí họ còn bị biến thành những kẻ làm không công hoặc với thù lao bèo bọt cho các nền tảng công nghệ này.
Áp lực tài chính đối với bộ phận tin tức của BuzzFeed rõ ràng đã tồn tại trong nhiều năm. Trong cuốn sách sắp ra mắt của Smith về kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số có tên “Traffic” - tạm dịch “Lượng truy cập”, ông viết rằng từ lâu đã có sự sai lầm trong “mục đích của BuzzFeed”.
Trong những thời điểm thuận lợi, BuzzFeed News là ngọn hải đăng cho các nhà báo điều tra và chính trị đang phát triển. Trang web đã giành được giải thưởng Pulitzer vào năm 2021. Họ cũng lọt vào vòng chung kết của Pulitzer 2017. Tuy nhiên, cũng chỉ vì chạy theo những “cú nhấp chuột của độc giả” mà trang tin này đã bị chỉ trích vì bỏ qua một số nguyên tắc và đạo đức báo chí, mà một số đối thủ truyền thống vẫn luôn tuân theo.
Rõ ràng, sự sụp đổ của BuzzFeed cho thấy kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số miễn phí đang dần khép lại. Như đã nói, cuộc chiến vô cùng khốc liệt đó giờ chỉ còn phần thưởng là phần bánh quảng cáo ít ỏi mà các “ông lớn công nghệ” bỏ sót lại.
Thực tế, những tổ chức tin tức, dù lớn hay nhỏ- như Reuters, New York Times, Washington Post hay các tờ báo địa phương - đang phát triển và thành công không phải nhờ lượng “view” miễn phí cho độc giả để đổi lấy quảng cáo. Họ đã từ bỏ cách làm này để trở lại giá trị cũ của báo chí: Tạo ra những sản phẩm đủ khiến người dùng sẵn sàng trả tiền, thông qua tường phí hoặc đăng ký thuê bao.
Bởi vậy, sự sụp đổ của BuzzFeed với nhiều người có thể là một sự tiếc nuối, song cũng đáng hoan nghênh khi nó như một lời nhắc nhở, một minh chứng quan trọng cho thấy rằng: “Kỷ nguyên truyền thông số miễn phí” đang dần khép lại!
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm