Thị trường hàng hóa
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia mà người dân có thể sở hữu xe ô tô dễ dàng nhất. Vì nhiều lý do như giá xe rẻ, Chính phủ hỗ trợ nhiều, mức độ phổ biến cao, đường xá tốt, rộng rãi,…
Theo nhà cung cấp giá xe hơi Kelley Blue Book, khoản thanh toán trung bình hàng tháng cho một chiếc ô tô mới đã tăng lên mức kỷ lục 777 đô la Mỹ, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2019 - gần 1/6 thu nhập sau thuế trung bình ở Hoa Kỳ. Ngay cả các mẫu đã qua sử dụng cũng tăng lên mức chi phí trung bình hàng tháng là 544 USD.
Giấc mơ sở hữu xe hơi xa vời
Giá ôtô ở châu Âu đang chạm gần đến mức cao nhất mọi thời đại. Ngoài ra, năm ngoái, giá ô tô đã qua sử dụng ở Nhật Bản tăng vọt. Ở Trung Quốc, “làn sóng” ưa chuộng xe điện (EV) đang khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn ở một số thành phố.
Gốc rễ của vấn đề là “câu thần chú mới” của các nhà sản xuất ô tô: giảm lượng hàng tồn kho, giảm chi phí và giữ cho giá bán tăng.
Ba năm sau khi đại dịch gây ra sự thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn cầu và ngành sản xuất ô tô bị tê liệt, Ford Motor, General Motors và các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài của họ đang thu được lợi nhuận lớn. Ngay cả khi tình trạng thiếu chip giảm bớt, họ vẫn hứa sẽ duy trì sản xuất trong tầm kiểm soát.
Giá xe EV đắt hơn khoảng 25% so với giá ôtô trung bình, nên việc chuyển sang sử dụng loại xe này sẽ khiến một số người tiêu dùng bị “ngộp thở”. Thêm vào đó, lãi suất ngày càng tăng đang khiến người mua cảm thấy “e dè” hơn.
Theo JPMorgan, giá trung bình cho một chiếc xe ôtô mới ở Mỹ đã tăng lên gần 50.000 USD, tăng 30% kể từ năm 2019.
Theo dữ liệu vay mua xe cho thấy ngày càng nhiều người tiêu dùng chọn xe cũ khi giá xe mới tăng cao. Xe cũ chiếm 61,8% tổng giá trị vay mua xe trong quý II, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù đã sụt giảm phần nào trong những tuần gần đây khi sản xuất phục hồi, nhưng mức giảm không đủ để hầu hết người tiêu dùng thoải mái mua một chiếc ô tô mới.
Trong khi đó, giá trung bình của một chiếc ô tô đã qua sử dụng hiện ở mức khoảng 27.000 USD, theo dữ liệu của Cox.
Các nhà sản xuất đang thu được lợi ích từ việc bán số lượng “nhỏ giọt” nhưng với giá đắt hơn. Năm ngoái, các hãng xe bán được khoảng 13 triệu xe tại Mỹ, giảm 8% so với năm 2021 và thấp nhất trong một thập kỷ.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của nhà sản xuất xe Ford đã tăng 4,4% vào năm 2022 so với một năm trước đó. Trong khi đó, hãng sản xuất xe hơi Hoa Kỳ General Motors (GM) tăng khoảng 200 triệu USD lợi nhuận, đạt 14,5 tỷ USD.
Dự kiến, trong năm 2023, lợi nhuận của một số nhà sản xuất sẽ thu hẹp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu.
Giảm “om” hàng, giữ giá bán cao
Tại Mỹ, các nhà sản xuất ô tô thường duy trì lượng hàng tồn kho từ 60 đến 100 ngày. Ngày nay, họ đang nhắm mục tiêu khoảng một nửa số đó để giảm chi phí và giữ giá bán cao.
Chia sẻ với các nhà đầu tư vào năm ngoái, Giám đốc điều hành GM Mary Barra nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ “om” hàng tồn kho như trước đây”.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Ford, Jim Farley, cho biết ông không muốn trả hàng tỷ đô la để “om” hàng trong kho, và rồi phải giảm giá và “tung” các ưu đãi để ban tháo.
Đồng thời, Toyota Motor và Nissan Motor đã tuyên bố sẽ thực hiện chiến lược tương tự.
Judy Wheeler, Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh xe của Nissan tại Mỹ, trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Bạn sẽ không thấy hầu hết các nhà sản xuất quay trở lại vị trí của ba hoặc bốn năm trước. “Chúng tôi sẽ giữ cung và cầu ở trạng thái cân bằng”.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy “nỗi đau” của người tiêu dùng sẽ giảm nhẹ khi vấn đề về chuỗi cung ứng được tháo gỡ.
Trong tháng này, Giám đốc tài chính của Ford, John Lawler, dự đoán giá ôtô mới sẽ giảm 5% vào năm 2023 khi các nhà sản xuất ô tô tăng cường giảm giá, trong khi ông Wheeler của Nissan dự đoán giá sẽ giảm xuống “mức bình thường”. Tesla và Ford đồng thời sẽ giảm giá xe điện để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Rhett Ricart, sở hữu Tập đoàn ô tô Ricart có trụ sở tại Columbus, Ohio, là đại lý chính của các mẫu xe Ford, Nissan và Chevrolet, cho biết các đại lý nghi ngờ rằng các nhà sản xuất ô tô sẽ kiểm soát lượng hàng tồn kho.
“Tất cả họ đều nói về nguồn cung ô tô trong 30 đến 45 ngày. Họ sẽ không làm điều đó”, ông Ricart nói trong một cuộc phỏng vấn. “Cuộc chiến của các gã khổng lồ xe hơi đã trở lại”.
Dẫu vậy, bất kỳ sự phục hồi nào về nguồn cung đều có thể xảy ra một cách phù hợp.
Barra và Jack Hollis, Phó chủ tịch điều hành bán hàng của Toyota Motor Bắc Mỹ, nhận thấy ngành công nghiệp này có đủ chip để bán 15 triệu xe ở Mỹ trong năm nay, thấp hơn khoảng 12% so với mức doanh số ba năm trước. Trong khi đó, sẽ có hơn 4 triệu xe bị dồn nén do thiếu chip, đóng vai trò giữ cho giá không giảm nhanh.
Đối với ô tô đã qua sử dụng, nhiều nhà phân tích nhận thấy, giá chỉ giảm 4% trong năm nay, một phần là do các nhà sản xuất ô tô không cho thuê nhiều như vậy. Gần đây, có ít mẫu xe đã không quay trở lại thị trường.
Anh Sercy Sanders đã phải di chuyển bằng xe buýt kể từ khi chiếc Acura TL 2006 của anh đã bị hỏng vào đầu tháng Giêng. Phí sửa chữa cao hơn giá trị của chiếc xe, Sanders đã đi vay mượn và muốn tìm một chiếc Honda Accord 2016 với giá dưới 17.000 USD. Tuy nhiên, giá thị trường cho dòng xe này không có chiếc nào dưới 19.000 đô la Mỹ.
Người đàn ông 48 tuổi cảm thấy rất bực bội vì không thể “tậu” được một chiếc xế hộp dành cho riêng mình. Anh chia sẻ: “Tôi muốn tìm mua một chiếc xe ôtô mới vì cảm thấy an toàn, chứ không ai có thể đặt niềm tin vào một chiếc xe cũ đã qua sử dụng, bạn sẽ không bao giờ biết mình sẽ nhận được gì”.
Trong khi đó, sẽ rất khó khăn cho nhiều người tiêu dùng đang muốn tìm những dòng xe với mức giá bình dân. Các nhà sản xuất ô tô trong nước đã ngừng sản xuất ô tô nhỏ gọn ở Mỹ vì họ không thể kiếm tiền từ chúng.
Các mẫu xe rẻ, hợp túi tiền đang dần rời xa thị trường, thay vào đó là những xế hộp hạng sang, phù hợp với thị hiếu của nhiều người giàu có.
Mark Wakefield, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn AlixPartners, cho biết gần 30% thị trường là từ các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 150.000 USD, tăng từ 22% vào năm 2016.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm