Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tính đến ngày 22/9/2022, Hà Nội ghi nhận 3.913 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue và 5 trường hợp tử vong liên quan, so với cùng kỳ năm 2021 thì số mắc tăng 4,2 lần (982 trường hợp).
Trong tuần qua dịch sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ghi nhận số mắc cao tại một số địa phương như: Thanh Oai 105, Đan Phượng 69, Thanh Trì 69, Thạch Thất 55, Hà Đông 52, Thường Tín 51, Hoàng Mai 50.
Bên cạnh đó, toàn thành phố đã ghi nhận 426 ổ dịch, hiện còn 178 ổ dịch đang hoạt động, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân như: Ở dịch Thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (119); ổ dịch thôn thôn Vực, Thanh Liệt, Thanh Trì (59); Ngọc Đình, Hồng Dương, Thanh Oai (21); Tân Dân 1, Phương Trung, Thanh Oai (16).
Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định, năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới. Do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát sau 3 - 5 năm (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022).
Tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão sẽ kéo dài trong tháng 10, 11, 12. Do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo và dịch bệnh không chỉ đỉnh dịch vào tháng 10, mà có thể vào giữa tháng 10, tháng 11.
Tuy công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết được triển khai từ đầu năm nhưng cần tập trung quyết liệt vào tháng 10, 11,12 để hạn chế số ca mắc, chuyển biến nặng và tử vong.
Bên cạnh đó, địa bàn thành phố rộng, quá trình đô thị hóa, kết cấu khu dân cư tập trung, nhiều ngõ, ngách nhỏ, dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng lớn, nhỏ, nhiều khu nhà trọ, chợ truyền thống, khu đất trống...
Do đó, nếu người dân chủ quan, lơi là, không có ý thức thì dịch bệnh sẽ bùng phát, khi xuất hiện dịch khả năng lây lan và bùng phát sẽ nhanh.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các lực lượng liên quan tiếp tục hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong đó kiện toàn các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Ngoài ra, phát huy vai trò của các tổ giám sát, đội xung kích trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; Đặc biệt vai trò trong công tác giám sát người nghi mắc bệnh sớm tại cộng đồng, truyền thông phòng chống dịch và vận động người dân phối hợp, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trưởng, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.
Cùng với đó, các địa phương xử lý triệt để các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát.
Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gây theo hưởng dẫn của ngành Y tế. Các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch được phun hóa chất diệt muỗi đầy đủ, đúng kỹ thuật.
Các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh từ cộng đồng, tổ chức theo dõi, phân tuyến quản lý, điều trị và chuyển tuyển kịp thời hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng bệnh chuyển nặng, tử vong; Chủ động giám sát, tổ chức vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý, không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt tại các công trường xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nhà hàng… thuộc phân cấp quản lý của UBND các quận, huyện, thị xã và xã phường, thị trấn.
Song song với đó, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, sử dụng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân, trong đó tập trung vào các thông tin, hướng dẫn các triệu chứng nhận biết sớm mặc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế.
Các thông tin, khuyến cáo về phòng chống dịch như vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt... và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động xử lý dịch tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch (treo thông báo khu vực có dịch, thông báo lịch triển khai các hoạt động xử lý dịch và các hoạt động người dân cần phối hợp để triển khai công tác xử lý dịch...).
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm