Thị trường hàng hóa
Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản đang rất tích cực nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Để duy trì đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi thông tin, chủ động ứng phó trước các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường nhập khẩu.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD, lại bao gồm các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Úc sẽ mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Đáng chú ý, hiện Nhật Bản đang là đối tác xuất khẩu thuộc nhóm CPTPP lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 52% tỷ trọng xuất khẩu trong nhóm. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản cao nhất trong các nước thành viên CPTPP, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt khoảng 9,8 tỷ USD, cũng đạt mức cao nhất trong các nước thành viên CPTPP. Kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu này được đánh giá là dấu hiệu tích cực cho việc tận dụng, khai thác tốt hiệu quả từ Hiệp định CPTPP của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có nguy cơ sẽ trở thành đối tượng điều tra mới của các đối tác thành viên CPTPP, trong đó có Nhật Bản. Hiện, hàng hóa Việt Nam đang là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại của 4/10 quốc gia thành viên CPTPP, trong đó Nhật Bản, Chile hay New Zealand cũng là những thành viên rất tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, việc nắm rõ quy định phòng vệ thương mại của các nước đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động theo dõi các nguy cơ, kịp thời có biện pháp ứng phó hiệu quả.
Đối với lĩnh vực phòng vệ thương mại , hiện Nhật Bản đã quy định tại Điều 8 Luật Thuế quan, Pháp lệnh và hướng dẫn về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp khẩn cấp (biện pháp tự vệ). Các quy định và hướng dẫn của Nhật Bản rất rõ ràng và tuân thủ chặt chẽ cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngoài ra, trong văn bản hướng dẫn về thủ tục quy trình điều tra, Nhật Bản có những quy định rất chặt chẽ liên quan đến: Tỷ lệ đa số của đại diện ngành sản xuất trong nước có quyền nộp đơn yêu cầu điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ; doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp khác khi xem xét vấn đề doanh nghiệp liên kết; mô tả chi tiết các yêu cầu về chứng minh điều kiện áp dụng biện pháp trong hồ sơ yêu cầu; xác định ngành sản xuất trong nước; hướng dẫn chi tiết về cách thức yêu cầu tham vấn, bao gồm cả đơn vị phụ trách tham vấn…
Theo lưu ý của Cục phòng vệ thương mại , Bộ Công Thương, Nhật Bản có khung thời gian cụ thể cho từng bước điều tra các vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp. Thời gian điều tra kéo dài trong vòng 1 năm với các hoạt động điều tra thông qua thông tin được cung cấp và hoạt động điều tra tại chỗ. Các hoạt động điều tra gồm có: Khởi xướng điều tra; tổng hợp thông tin do các bên cung cấp; thẩm tra tại chỗ; kết luận sơ bộ; công bố thông tin trọng yếu, kết luận cuối cùng.
Đối với biện pháp tự vệ, hiện nay, trong cẩm nang và các quy định pháp luật của Nhật Bản không đưa ra các mốc thời gian cụ thể như đối với các vụ việc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Do đó, thời gian điều tra của một vụ việc tự vệ của Nhật Bản sẽ tuân thủ theo pháp luật WTO.
Về mặt thực tiễn, theo Cục phòng vệ thương mại , Nhật Bản cũng không phải là một quốc gia tích cực sử dụng biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, có thể đây là lý do Nhật Bản chưa xây dựng khung thời gian chi tiết với các vụ việc điều tra này. Nên các bước điều tra sẽ được linh hoạt và đảm bảo tổng thời gian điều tra theo cam kết WTO.
Việc điều tra các vụ phòng vệ thương mại của Nhật Bản được thực hiện bởi các đầu mối gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Nhóm điều tra sẽ được thành lập sau khi vụ việc được khởi xướng và kết luận của nhóm sẽ là căn cứ để ban hành các Quyết định áp dụng biện pháp tạm thời và chính thức. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm