Thị trường hàng hóa
Đây là lần thứ tư kể từ năm 2011 các nhà thiên văn học phát hiện ra cảnh tượng một hố đen xé toạc và phóng ra năng lượng, sau khi nuốt chửng một ngôi sao đi ngang qua. Điều này xảy ra do một hiện tượng được gọi là “gián đoạn thủy triều”.
Các nhà thiên văn học đã mô tả sự kiện này trong các nghiên cứu được công bố vào thứ Tư (30/11) trên tạp chí Nature và Nature Astronomy. Thủ phạm dường như là một hố đen siêu lớn được cho là có khối lượng gấp hàng trăm triệu lần Mặt Trời và nằm cách Trái Đất khoảng 8,5 tỷ năm ánh sáng.
Nhà thiên văn học Igor Andreoni thuộc Đại học Maryland và Trung tâm Vũ trụ Goddard của NASA, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng ngôi sao đó tương tự như mặt trời của chúng ta, có thể nặng hơn nhưng thuộc loại phổ biến”.
"Khi một ngôi sao tiếp cận hố đen một cách nguy hiểm - điều sẽ không xảy ra với mặt trời của chúng ta - nó bị xé toạc một cách dữ dội bởi sức hấp dẫn khổng lồ của hố đen - tương tự như cách mặt trăng kéo thủy triều trên Trái Đất nhưng với cường độ lớn hơn", Nhà thiên văn học của Đại học Minnesota và đồng tác giả nghiên cứu Michael Coughlin giải thích.
"Sau đó, các mảnh của ngôi sao bị bắt vào một cái đĩa quay quanh hố đen với tốc độ rất cao. Thông thường, hố đen sẽ nuốt những gì còn lại của ngôi sao bị xé toạc trong vòng tròn của nó. Song trong một số trường hợp rất hiếm, các tia vật chất của ngôi sao bị xé toạc sẽ được phóng ra theo các hướng ngược nhau do sự kiện gián đoạn thủy triều xảy ra”, Coughlin nói rõ hơn.
Andreoni và Coughlin cho biết hố đen có khả năng quay rất nhanh, điều này có thể giúp giải thích làm thế nào hai nguồn năng lượng cực mạnh được phóng ra vào không gian với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Hiện tượng này giống hình ảnh một người dùng dây quay nhanh một vật thể rồi bất ngờ buông ra.
Nhà thiên văn học Dheeraj Pasham của Viện Công nghệ Massachusetts, một tác giả khác của nghiên cứu, cho biết các nhà nghiên cứu đã có thể quan sát sự kiện này từ rất sớm - trong vòng một tuần kể từ khi hố đen bắt đầu nuốt ngôi sao.
Hố đen siêu lớn được cho là nằm ở trung tâm của một thiên hà - giống như Dải Ngân hà của chúng ta. Hầu hết các thiên hà đều có một hoặc một số hố đen trong lõi. Sự kiện gián đoạn thủy triều sáng đến mức nó che khuất ánh sáng của các ngôi sao trong thiên hà. Pasham cho biết: “Vào thời điểm cực đại, nguồn sáng sẽ gấp hơn 1 triệu tỷ lần mặt trời”.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm