Thị trường hàng hóa
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm (75 điểm cơ bản) lần thứ 3 liên tiếp, và là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay. Qua đó, biên độ lãi suất cơ bản được nâng lên trong khoảng từ 3 - 3,25%, cao nhất kể từ năm 2008.
Trong biểu đồ thể hiện kỳ vọng về mức lãi suất của Fed, cơ quan này dự định nâng lãi suất lên 4,4% vào cuối năm nay, tức cao hơn 1 điểm phần trăm được dự báo hồi tháng 6. Và lãi suất sẽ đạt 4,6% trong năm 2023.
Quyết định này đã nới rộng khoảng cách chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Khi Fed tăng lãi suất, đồng USD mạnh lên áp lực sẽ gia tăng đối với Bắc Kinh khi nỗ lực ngăn chặn xu hướng sụt giá của đồng Nhân dân tệ và dòng vốn ồ ạt chảy ra ngoài.
Số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) chỉ ra trong vòng 5 tháng gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến dòng chảy ròng khoảng 81 tỷ USD khi các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của nước này. Tuy nhiên, quy mô dòng chảy vốn này vẫn chưa thể so sánh với cuộc bán tháo vào năm 2015, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) “phá giá” đồng Nhân dân tệ hơn 3%.
Khoảng 676 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã chảy ra khỏi Bắc Kinh trong năm đó. Do vậy, một số nhà kinh tế hiện đang khuyến khích nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới duy trì sự linh hoạt trong tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, dù đồng tiền này đã vượt qua ngưỡng quan trọng là 7 CNY/USD.
Một số chuyên gia cảnh báo bất cứ phát sinh nào trong chu kỳ lãi suất hiện tại của Fed cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc. Họ cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc Trung Quốc cần tăng cường khả năng phục hồi kinh để giúp bù đắp những cú sốc bên ngoài.
Với vai trò quan trọng cho chuỗi sản xuất hàng hóa, thương mại với các thị trường mới nổi nói riêng và toàn thế giới nói chung, ngay sau quyết định của Fed, hàng loạt Ngân hàng Trung ương các nước đã phản ứng tăng lãi suất cơ bản để hạn chế sự mất giá của nội tệ. Tác động của việc này được cho là sẽ kéo theo sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp và nhiều hệ quả tiêu cực khác lên các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.
Trước sức ép từ Fed và các nền kinh tế lớn, PBoC đã kiềm chế việc giảm lãi suất cho vay chuẩn trong một đợt điều chỉnh cố định hàng tháng vào ngày 20/9. Trung Quốc cho rằng mức lãi suất này là hợp lý và quốc gia vẫn còn nhiều khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Zhang Ming, Phó giám đốc Viện Tài chính & Ngân hàng tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mục tiêu chính của việc đồng Nhân dân tệ suy yếu so với USD là để ổn định đồng Nhân dân tệ so với rổ tiền tệ có trọng số thương mại. Bất chấp sự suy yếu của nó so với USD, đồng Nhân dân tệ vẫn ổn định so với các đồng tiền khác của các đối tác thương mại lớn.
Công ty nghiên cứu TS Lombard cho biết, khi nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại khiến nhu cầu giảm mạnh góp phần ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân thương mại, tăng thêm rủi ro đối với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi. Đơn cử như Malaysia áp lực đã bắt đầu gia tăng từ các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và biến động tỷ giá hối đoái lớn hơn.
Quốc gia này cũng đang phải chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài bán bớt nợ và cổ phiếu của họ. Tập đoàn United Overseas Bank (UOB) cho hay, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Malaysia đã giảm 1 tỷ USD trong tháng 8 xuống 108,2 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Với sức mạnh của USD và sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ dự kiến sẽ tiếp tục, các chuyên gia dự báo đồng Ringgit của Malaysia sẽ vẫn ở thế phòng thủ, và sẽ chạm mức 4,58 vào cuối năm nay và 4,60 vào giữa năm 2023. Tại Việt Nam, VND đang nằm trong nhóm các đồng nội tệ ít mất giá nhất so với USD.
Trong 8 tháng đầu năm, VND đã mất khoảng 4% giá trị so với USD. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã bán khoảng 13 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay để hỗ trợ tiền tệ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm