Thị trường hàng hóa
Thông thường, triệu phú gắn liền với hình ảnh một doanh nhân thành đạt sở hữu những biệt thự sang trọng và có máy bay riêng, ăn mặc sang trọng, có sở thích thưởng rượu ngon, đồ trang sức đắt tiền.... Thế nhưng, ở Ấn Độ, có đến hàng trăm triệu phú nhưng họ "ẩn mình" rất kỹ sau vẻ bề ngoài bình thường.
Họ là những người làm công việc bán rau quả, chủ hiệu thuốc nhỏ, bán hàng tạp hoá, nhặt rác và công nhân vệ sinh… Phần lớn trong số triệu phú ngầm này đã tiết kiệm và chi hơn 37,5 triệu rupee (khoảng 503.947 USD) để mua bất động sản.
Một số chủ cửa hàng phế liệu sở hữu ít nhất 3 chiếc ô tô đắt đỏ. Nhiều người còn mua đất nông nghiệp ở các vùng nông thôn gần Kanpur.
Lý do khiến những triệu phú này quyết định sống “ẩn mình” là để né tránh những vấn đề về giai cấp và các khoản thuế. Theo số liệu Cục Thuế thu nhập Ấn Độ xác minh, có đến hơn 250 người buôn bán hàng rong và đi nhặt phế liệu ở thành phố Kanpur (phía bắc Ấn Độ) thực tế là triệu phú.
Cục Thuế cũng cho biết thêm rằng những người này đã trốn thuế trong rất nhiều năm. Cơ quan này phát hiện ra rằng, hàng trăm triệu phú này đã không trả bất kỳ khoản thuế nào ngoài đăng ký thuế hàng hoá dịch vụ, trong khi ít nhất 65 chủ cửa hàng tạp hoá và thuốc còn chưa đăng ký kinh doanh.
Một số khác thì “giấu” hàng triệu USD bằng cách đầu tư vào bất động sản nhưng để các thành viên khác trong gia đình đứng tên. Nhiều người thì lựa chọn đầu tư qua các ngân hàng hợp tác và các mô hình đầu tư tài chính nhỏ để cố gắng che đậy “dấu vết” của dòng tiền.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên những triệu phú ngầm ở Ấn Độ buộc phải “lộ diện”. Vào năm 2016, hàng chục người bán đồ ăn ven đường ở Kanpur cũng bị điều tra vì có khoản thu nhập không khai báo là 600 triệu rupee (khoảng 8 triệu USD). Một thành phố khác là Hyderabad - miền nam Ấn Độ, cũng có những trường hợp tương tự.
Tại các thành phố lớn của Ấn Độ, người dân cho biết, những người bán hàng rong với vẻ ngoài xuề xòa thật ra lại cực kỳ giàu có. Song, điều này không phải ví dụ cho thấy bán hàng rong ở vỉa hè tại đất nước tỷ dân là công việc dễ dàng và kiếm được nhiều tiền.
Trung bình, mỗi người bán hàng rong phải làm việc cật lực hơn 12 tiếng/ngày và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng phân hóa giàu nghèo hay những quy định gắt gao của cơ quan quản lý. Ngoài ra, họ cũng luôn phải lo lắng về rủi ro bị thu hồi tài sản kinh doanh.
Hơn nữa, họ cũng nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch trong thời gian vừa qua, vì những đợt phong tỏa khiến họ gần như mất kế sinh nhai. Dù Chính phủ Ấn Độ đã thông qua Đạo luật về người bán hàng rong vào năm 2014 để bảo vệ những người buôn bán mà không có cửa hàng cố định, những người này vẫn không bớt khó khăn. Ví dụ, ở Mumbai, dù có tới 250.000 bán hàng rong nhưng chính quyền chỉ mới cấp phép cho 15.000 cửa hàng kinh doanh.
Với hơn 600.000 người sử dụng hình thức kinh doanh này để kiếm sống, những người bán hàng rong là một phần thiết yếu và hợp pháp của hệ thống phân phối, thương mại bán lẻ khu vực đô thị ở Ấn Độ. Họ đại diện cho 4% lực lượng lao động, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm