Thị trường hàng hóa
An ninh năng lượng là một trong những vấn đề thuộc an ninh phi truyền thống ngày càng được các quốc gia quan tâm, chú trọng trong bối cảnh kết cấu năng lượng thế giới đang mất cân bằng và cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp và khó đoán định. Đặc biệt, xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và khí hậu ngày càng cực đoan thì an ninh năng lượng cũng đang nổi lên như những vấn đề toàn cầu hết sức bức thiết.
Những ngày này, trước tình trạng nắng nóng và hạn hán, nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc của Việt Nam bị cắt điện do thiếu nguồn cung thì chủ đề về an ninh năng lượng, chính sách, chiến lược và những giải pháp căn cơ trong bảo đảm an ninh năng lượng được lãnh đạo các cấp, giới chuyên gia, học giả và người dân đặc biệt quan tâm.
Những sự cố mất điện trên thế giới
Trong lịch sử, nhiều quốc gia chứng kiến những sự cố mất điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, cuộc sống, thậm chí cả tính mạng của người dân.
Sự cố mất điện tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới phải kể đến Ấn Độ. Trong hai ngày 30-31/7/2012, có tới 22 trên tổng số 28 bang của Ấn Độ, bao gồm cả thủ đô New DelhiĐộ, với 620 triệu người, tương đương với 9% dân số thế giới, bị đảo lộn cuộc sống bởi sự cố mất điện. Có ít nhất 300 chuyến tàu bị hoãn, làm hàng nghìn hành khách mắc kẹt ở dọc các ga tàu. Các ca phẫu thuật phải tạm hoãn tại các bệnh viện. 150 thợ mỏ bị kẹt dưới hầm khi đang làm việc ở công trường… Cơ sở hạ tầng điện lực của Ấn Độ được cho là yếu kém và dễ hỏng hóc trong khi đây lại là quốc gia đông dân nhất thế giới và sử dụng điện nhiều thứ hai trên thế giới. Ấn Độ cũng thường xuyên bị cắt điện kéo dài trên 10 giờ đồng hồ, nhất là những ngày nhiệt độ tăng cao.
Dù được mệnh danh là thành phố không bao giờ ngủ, New York, Mỹ đã phải hứng chịu nhiều đợt mất điện quy mô lớn khiến nơi đây chìm trong bóng tối. Điển hình là sự cố diễn ra vào ngày 9/11/1965, mất điện ảnh hưởng đến 30 triệu người ở 8 bang Bờ Đông Mỹ trong 13 giờ. Sự cố đã gây ra nỗi ám ảnh cho người dân: 800.000 người đã bị mắc kẹt trong tàu điện ngầm ở Brooklyn, xe lửa, máy bay mất phương hướng, các đài truyền hình ở các khu vực bị ảnh hưởng đều ngừng phát sóng. Sự cố điện ngày 13/7/1977 được gọi là “sự cố mất điện kinh hoàng”, khiến New York chìm trong hỗn loạn trong 24 giờ. Các sân bay La Guardia và Kennedy đã bị đóng cửa và các tuyến đường sắt đi lại cũng ngừng hoạt động. Khoảng 4.000 người đã phải sơ tán khỏi hệ thống tàu điện ngầm.Trong thời gian mất điện, hơn 1.000 đám cháy đã bùng phát và 1.600 cửa hàng bị hư hại do cướp bóc và bạo loạn.
Đối với Nam Phi, khủng hoảng năng lượng là cơn ác mộng chưa có hồi kết. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hồi tháng 2 năm 2022 từng tuyên bố “tình trạng thảm họa quốc gia” để đối phó với tình trạng thiếu điện dẫn đến cắt điện hàng ngày ở quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất lục địa. Nam Phi phải cắt điện lên đến 8 giờ, thậm chí là 10 giờ mỗi ngày, đã làm đảo lộn các gia đình, nhà máy và doanh nghiệp trên quốc gia 60 triệu dân. Nam Phi nhiều khả năng sẽ trải qua một năm kỷ lục về cắt điện.
Đối với Trung Quốc - quốc gia được đánh giá là sở hữu hệ thống điện đứng đầu thế giới về mọi mặt, từ sản lượng điện, công suất điện đến các loại công nghê. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đau đầu giải quyết khủng hoảng về điện. Vào hồi tháng 9 năm 2021, tại Liêu Ninh bị cắt điện 8 lần một ngày, 4 ngày liên tục. Tỉnh Hắc Long Giang đã phải cắt điện 13 lần. Trong khi đó, ở miền Đông Bắc, nhiệt độ ngoài trời buổi tối đã xuống 1 độ C, người dân bắt đầu cần sưởi ấm. Việc cắt điện vào giờ cao điểm mà không được báo trước đã gây than phiền, bức xúc trong người dân.
Ngoài ra, trên thế giới cũng chứng kiến những sự cố mất điện như năm 1998, một số khu vực trung tâm của New Zealand không có điện trong 5 tuần. Sự việc đã khiến hơn 70.000 người phải nghỉ việc. Mất điện diện rộng ở châu Âu ngày 4/11/2006, làm 10 triệu người dân các nước Pháp, Italy, Áo, Bỉ và Tây Ban Nha bị ảnh hưởng. Hay như vụ toàn bộ đất nước Italy chìm trong bóng tối vì sự cố điện đêm 28/9/2003, khiến 57 triệu người bị ảnh hưởng và lễ hội "Đêm trắng" thường niên đã bị hủy bỏ. 30.000 người bị mắc kẹt dưới đường tàu điện ngầm và nhiều người khác phải ngủ ở nhà ga và đường phố của Rome.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra khủng hoảng an ninh năng lượng nói chung, sự cố mất điện nói riêng phải kể đến là tình trạng phát triển nóng nhưng kém bền vững, cầu vượt quá khả năng cung, cạn kiệt tài nguyên năng lượng khiến nguồn cung thiếu hụt, giá nhiên liệu than và khí đốt tăng cao sự gia tăng, chiến tranh…, và đặc biệt phải kể đến biến đổi khí hậu và tác động của thời tiết cực đoan.
“Nỗi đau” không của riêng ai
Ngay khi mùa hè năm nay vừa bắt đầu, nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã bị xô đổ ở các quốc gia châu Á. Tại Trung Quốc, Thượng Hải hứng chịu một tháng 5 nóng nhất trong hơn trăm năm qua với nhiệt độ cao kỷ lục 40,2 độ C. Nhiệt độ cao trên khắp Trung Quốc khiến nhiều gia súc không sống nổi và gây “căng thẳng” cho lưới điện quốc gia. Thành phố Thượng Hải đã phá kỷ lục kéo dài suốt 150 năm về nhiệt độ tháng 5 cao nhất.
Thời tiết nắng nóng như thiêu đốt khiến các loài động vật ở Trung Quốc gặp nguy hiểm. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là khu vực quanh lưu vực sông Dương Tử - vùng sản xuất lúa gạo chính của Trung Quốc. Hoạt động công nghiệp đã bị hạn chế trong nhiều tháng ở một số vùng của Trung Quốc do hạn hán gây ảnh hưởng đến sản lượng thủy điện. Hiện, Vân Nam (Trung Quốc) có nguồn thủy điện chiếm hơn 72% tổng công suất đặt hệ thống điện nhưng do nắng nóng, khô hạn, tỉnh này đã phải cắt giảm điện khoảng 45 triệu kWh/ngày. Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Lưới điện Nhà nước Trung Quốc, nắng nóng gay gắt sẽ gây thiếu điện diện rộng tại Trung Quốc, trong đó các tỉnh miền Trung, miền Đông và Tây Nam có khả năng bị thiếu điện nghiêm trọng trong thời kỳ nhu cầu cao nhất.
Trong khi đó, Ấn Độ - đất nước tỷ dân cũng đang trải qua đợt nắng nóng như thiêu đốt kể từ hồi tháng 4. Theo ghi nhận của Cục Khí tượng Ấn Đột, “Nhiệt độ những ngày qua đang dao động trong khoảng 40-41 độ C. Ở một số thành phố thậm chí đạt 43-44 độ C, có khả năng là khi vùng nhiễu động phía tây này di chuyển ra xa về phía đông, có thể sẽ có mưa giông. Nhiệt độ cao ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân Ấn Độ”. Nắng nóng bất thường khiến một số khu vực đã bị mất điện kéo dài hơn 12 giờ, bất chấp chính phủ Ấn Độ hồi tháng 3 từng yêu cầu tất cả các nhà máy điện trong nước chạy hết công suất để giảm tình trạng cắt điện. Nắng nóng kèm mất điện khiến người dân Ấn Độ vô cùng cực khổ.
Tại Israel, hàng trăm nghìn hộ gia đình đã bị cắt điện do nhiệt độ cao, không khí khô kèm theo gió mạnh đã gây ra hàng trăm đám cháy, ảnh hưởng đến một số đường dây truyền tải điện cao thế. Ngoài ra, các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng diễn ra ngày 2/6 vừa qua khiến nhu cầu điện tăng vọt trên cả nước dẫn đến quá tải lưới điện. Không khí nóng gay gắt tràn về từ hướng sa mạc phía nam khiến nhiệt độ tại nhiều tỉnh thành ở Israel phổ biến ở mức 40 độ C. Công ty Quản lý Hệ thống Điện Israel buộc phải thực hiện cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương nhằm bảo vệ an toàn các nhà máy điện và khôi phục dần dần nguồn cung điện cho người dân.
Nhiệt độ tại nhiều khu vực ở Bangladesh ngày 6/6 vừa qua đã lên tới gần 41 độ C từ mức 32 độ C của mười ngày trước đó. Nhà chức trách Bangladesh cho biết, nước này có thể phải đối mặt với việc cắt điện trong hai tuần nữa, do tình trạng thiếu nhiên liệu dẫn đến việc đóng cửa một số nhà máy phát điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện lớn nhất cả nước. Tình trạng này khiến trường học phải tạm dừng phần lớn các lớp học trong tuần này.
Một số quốc gia Đông Nam Á cũng cùng chung cảnh ngộ. Tình trạng mất điện ở Myanmar cũng gia tăng kể từ tháng 4, do thời tiết cực đoan, sản lượng thủy điện giảm và nhập khẩu khí đốt tự nhiên bị hạn chế. Các ngành công nghiệp tại quốc gia này cũng bị đình trệ và tình trạng cắt điện theo giờ cũng diễn ra. Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 37 độ C (13/5) và cảnh báo tình trạng thời tiết khô nóng này sẽ còn tiếp diễn.
Trong khi đó, Philippines đã ghi nhận nền nhiệt đạt đến mức "nguy hiểm" với sự kết hợp giữa nhiệt độ nằm trong khoảng 42-51 độ C và độ ẩm cao. Thủ đô Vientiane của Lào cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần qua với nhiệt độ 42,5 độ C. Thái Lan trải qua ngày có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Thủ đô Bangkok, lên tới 41 độ C vào những ngày cuối tháng 5. Trước tình trạng trên khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao gây quá tải hệ thống điện lưới của các nước.
Có thể thấy, nhiều quốc gia châu Á đang thiếu điện trong nắng nóng kỷ lục. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, thậm chí là nước xuất khẩu điện như Trung Quốc cũng đang phải chủ động cắt điện luân phiên hoặc giới hạn cung ứng điện cho sản xuất để đảm bảo nguồn cung. Ngoài ra, để giải quyết một cách căn cơ, các quốc gia đã đưa ra những chính sách, chiến lược, kế hoạch riêng về bảo đảm cung ứng điện.
Đó là giải pháp về việc cải tạo cơ sở hạ tầng điện lực để đáp ứng nhu cầu điện năng của các doanh nghiệp và dân số ngày một tăng; thực hiện nguyên tắc cắt giảm công nghiệp trước, ưu tiên đảm bảo đảm điện cho dân sinh; sử dụng đa dạng các năng lượng như năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, gió; lên các kế hoạch cắt điện an toàn công cộng và cắt điện theo kế hoạch; chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, các nước đều tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân tiết kiệm điện, như kêu gọi người dân bớt xem tivi, tắt bớt đèn công cộng trong mùa cao điểm, tận dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng những thiết bị công suất lớn trong giờ cao điểm, thu mua những phương tiện cũ, tiêu tốn điện năng…
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm