Thị trường hàng hóa
Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng 5,5%. Tuy nhiên, 6 tháng qua, nền kinh tế đông dân nhất thế giới liên tục bộc lộ những tín hiệu suy yếu, khiến một số ngân hàng lớn trên thế giới đưa ra nhận định kết quả tăng trưởng 3% thậm chí nằm ngoài “tầm tay”.
Trong đó, Ngân hàng Morgan Stanley và Công ty Tài chính Barclays là hai đơn vị đưa ra dự báo thấp nhất và nhận định khó khăn sẽ thêm chồng chất vào cuối năm nay. Jian Chang, Nhà kinh tế trưởng của Barclays, đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới từ 3,1% xuống 2,6% cho cả năm 2022.
Bà cho biết, cuộc suy thoái trên thị trường bất động sản, các lệnh phong tỏa phòng Covid-19 và nhu cầu nước ngoài suy yếu đang trở thành “bóng ma” phủ bóng lên nền kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu vốn mạnh mẽ của các nhà phát triển bất động sản dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2023, làm suy yếu niềm tin của người dân vào thị trường này nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Hiện, chiến lược áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 đang là rào cản lớn nhất đối với nền kinh tế số hai thế giới. Dịch bệnh biến đổi không ngừng và các biến thể mới liên tục xuất hiện, việc Trung Quốc quyết tâm thực hiện chiến lược này khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.
Trong năm nay, dịch bệnh đã lan ra tất cả các tỉnh thành với gần 865.000 ca mắc được ghi nhận. Các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô đã phong tỏa hàng chục triệu người dân khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải dừng hoạt động.
Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng và phải mất nhiều thời gian để hồi phục nếu như không xuất hiện thêm các quy định bổ sung. Vào tháng 4, chỉ số đo lường niềm tin người tiêu dùng tại Trung Quốc đã xuống ngưỡng thấp nhất 10 năm và hầu như không phục hồi trong các tháng sau đó. Ngành du lịch đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Ernan Cui, Chuyên gia phân tích tại Gavekal Dragonomics, các lệnh phong tỏa lặp đi lặp lại tại một số địa phương quan trọng khiến cho người tiêu dùng trở nên thận trọng khi chi tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều hơn. Nhóm chuyên gia của Nomura Holding nhận định, chiến lược này sẽ tiếp tục được duy trì cho tới tháng 3 năm sau.
Sau khi nới lỏng, nền kinh tế Trung Quốc có thể trải qua giai đoạn khó khăn mới. Bên cạnh đó, việc người dân hạn chế ra ngoài do lo ngại dịch bệnh tác động trực tiếp khiến cho hoạt động sản xuất và mua sắm tiêu dùng bị đình trệ.
Trong năm 2020, trong nỗ lực cắt giảm các khoản nợ rủi ro trong tay các nhà phát triển bất động sản của Chính phủ Trung Quốc đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lan ra gần như toàn bộ thị trường. Hầu hết doanh nghiệp bất động sản lớn buộc phải tuyên bố vỡ nợ và dừng thi công.
Làn sóng người mua nhà từ chối trả các khoản nợ thế chấp đối với các dự án chưa hoàn thành tăng vọt. Nhu cầu xi măng, thép và nhiều vật liệu xây dựng khác liên tục suy giảm.
Kể từ tháng 7 năm ngoái, doanh số bán nhà tại Trung Quốc liên tục sụt giảm. Trong 7 tháng đầu năm, doanh số bán nhà tại quốc qua này chỉ đạt 900 tỷ nhân dân tệ (Khoảng 129 tỷ USD), thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước đó.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản kéo giảm giá trị tài sản của người dân Trung Quốc, vốn thường đổ phần lớn tài sản vào các loại hình bất động sản. Việc người mua nhà từ chối thanh toán nợ, tâm lý bi quan sẽ gây suy giảm nhu cầu, kéo theo giảm giá, tạo ra một vòng xoáy nguy hiểm.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Gary Ng tại Natixis CIB (Asia Pacific) cho rằng nửa sau của năm 2022 Trung Quốc khó phục hồi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản. Tình trạng đó sẽ tiếp tục gây ra trở ngại cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Theo kết quả chỉ số Quản lý thu mua (PMI), lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc ghi nhận hai tháng sụt giảm liên tiếp tính tới tháng 8 vừa qua. Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện vẫn đang chật vật với giá hàng hóa nguyên liệu cao hiện đang gây tổn hại nghiêm trọng đến biên lợi nhuận. Triển vọng xuất khẩu hiện vẫn chịu rủi ro từ khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái.
Trong đó, sản lượng thép giảm xuống ngưỡng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Tính tới cuối tháng 8, tồn kho thép tại Trung Quốc cao hơn 41% so với đầu năm 2022.
Sản lượng xi măng cũng chạm ngưỡng thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc cũng đang trong xu hướng giảm.
Theo thống kê, Cảng Thượng Hải, cảng biển lớn nhất thế giới, xử lý khối lượng hàng hóa ít hơn 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Trung Quốc vừa trải qua mùa hè khắc nghiệt nhất trong lịch sử.
Thời tiết khắc nghiệt xảy ra vào lúc các loài cây như lúa, đậu tương và các cây trồng thâm canh khác đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mùa thu. Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu lúa gạo Trung Quốc cho biết nắng nóng vào tháng 8 có thể tác động tiêu cực đến năng suất lúa, sản lượng thu hoạch được có thể giảm đáng kể.
Tác động với ngành công nghiệp, sản xuất còn nghiêm trọng hơn. Một số tỉnh đóng cửa hàng loạt nhà máy vì thủy điện không thể duy trì sản lượng cung cấp do thiếu nước. Đơn cử, tỉnh Tứ Xuyên (80% nhu cầu điện là từ thủy điện, hiện nguồn cung giảm hơn 50%) đã đóng cửa tất cả nhà máy trong sáu ngày.
Thâm hụt ngân sách tại Trung Quốc đang trở thành vấn đề “nóng” khi tăng lên 5.250 tỷ nhân dân tệ trong 7 tháng đầu năm 2022 (tính đến tháng 7), cao tương đương cả năm 2021. Một số chính quyền địa phương không thể thanh toán các khoản chi đúng hạn, nhiều doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm Covid-19 xác nhận chưa được thanh toán chi phí.
Để bù đắp thâm hụt ngân sách, Chính phủ Trung Quốc đã phát hành khối lượng trái phiếu cao kỷ lục trong nửa đầu năm. Nguồn tiền thu về từ công tác phát hành trái phiếu chủ yếu được sử dụng cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, đầu tư cơ sở hạ tầng được cải thiện nhưng không đủ để hỗ trợ kinh tế Trung Quốc tránh khỏi thiệt hại từ tình trạng giảm sút đầu tư bất động sản. Do vậy, các địa phương không còn cách nào ngoài việc tiếp tục gia tăng vay nợ để có đủ kinh phí hoạt động.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm