Thị trường hàng hóa
Đấu tranh để giữ truyền thống
Tại thủ đô của Syria, Mohammed Hallak thổi một ống kim loại dài vào thủy tinh nóng đỏ cuồn cuộn, cố gắng giữ cho “chiếc tàu” di sản đang suy yếu của đất nước này tồn tại bất chấp chiến tranh khiến khách hàng tránh xa.
“Chúng tôi là gia đình cuối cùng làm nghề thổi thủy tinh ở Damascus. Tôi sợ nghề này sẽ biến mất”, nghệ nhân 62 tuổi nói.
Nắm chặt ống kim loại, Hallak xoay một quả cầu thủy tinh màu cam sáng vòng tròn trong khoảng cách sải tay để làm nguội trước khi đưa nó trở lại lò nung. Ngồi trước lò nung, anh dùng chiếc càng lớn làm việc nhanh chóng để ấn xuống những đường cong của quả cầu trong suốt và biến nó thành một chiếc ly uống nước.
“Những tác phẩm chúng tôi làm ra đều có linh hồn”, ông nói trong cái xưởng khiêm tốn của mình, nơi anh nhất quyết không sử dụng tới những thiết bị hiện đại mà ngày nay đã thay thế nghề thủ công hàng nghìn năm tuổi này.
Với ánh mắt lấp lánh đầy nhiệt huyết, ông mô tả các công đoạn sản xuất thủy tinh truyền thống đã học được từ cha ông. “Chúng tôi phải phân loại kính vỡ, cho vào lò nung, lấy ra, thổi vào thủy tinh nóng chảy để tạo hình và trang trí”, ông nói.
“Một chiếc máy hiện đại có thể tao ra 20 ly nước uống mỗi giây, nhưng ở đây chúng tôi cần mười lăm phút để ‘thổi’ ra được một cái ly như thế”.
Mohammed và hai anh trai của mình, Mustafa và Khaled, đã học được những bí quyết riêng trong nghề thủ công này từ cha của họ, người cũng đã thừa hưởng những kỹ năng này từ chính cha mình. Nhưng rất tiếc, Mohammed đã không thể truyền lại nghề này cho con cái của mình.
“Chúng không muốn học nghề vì nó không khả thi về mặt tài chính”, ông nói trong lúc ngừng vẽ một họa tiết phức tạp màu trắng trên vật trang trí bằng thủy tinh màu xanh đậm.
Mohammed cho biết khách hàng đã trở nên hiếm hoi kể từ khi chiến tranh nổ ra ở đất nước ông vào năm 2011, khiến khách du lịch tránh xa những con hẻm và khu chợ có mái che của Damascus cổ kính.
“Hầu như không còn ai mua các sản phẩm thủy tinh thủ công nữa ngoài một số nhân viên đại sứ quán, khách sạn và nhà hàng”, ông nói. “Nó không đủ để giữ cho nghề thủ công này tồn tại”.
Fuad Arbash, Chủ tịch Hiệp hội nghề thủ công phương Đông của Syria, cho biết nghề thổi thủy tinh đã có ở Syria trong nhiều thế kỷ. Người Phoenicia được cho là đã phát minh ra nghệ thuật này hơn 2.000 năm trước trên khu vực ngày nay là bờ biển của nước láng giềng Lebanon.
Theo truyền thuyết, các thương nhân đi biển đã phát hiện ra một chất có thể kéo dài và tạo hình, chảy ra từ dưới những chiếc nồi mà họ dùng để nấu bữa ăn dọc theo bãi biển đầy cát. Gia đình Hallak là gia đình cuối cùng còn giữ được truyền thống ở thủ đô Damacus - “thậm chí có thể là trên toàn bộ Syria”, ông Arbash nói.
Ông hy vọng rằng việc tổ chức các buổi hội thảo có thể khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục nghề thổi thủy tinh và các nghề thủ công khác đang biến mất, nhưng thừa nhận rằng xung đột là một trở ngại lớn.
“Nghề này phần lớn phụ thuộc vào khách du lịch và du khách nước ngoài. Ngày nay nó đang phải chiến đấu để tồn tại”, ông Arbash cho biết thêm.
Di sản cần bảo vệ khẩn cấp
Năm 2023, theo UNESCO, nghề thổi thủy tinh truyền thống của người Syria được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Damascus là nghề thủ công tạo ra các đồ vật bằng thủy tinh từ những mảnh thủy tinh thải loại. Để tạo ra một sản phẩm thủy tinh, những mảnh thủy tinh thải sẽ được đặt bên trong một chiếc lò để nấu chảy một cách thủ công.
Người thợ xoắn thủy tinh nóng chảy quanh một thanh kim loại rỗng. Sau đó, anh ta thổi vào que để bơm kính, dùng kẹp kim loại để nặn nó thành hình dạng mong muốn, chẳng hạn như chiếc cốc, bình hoa, đèn hoặc đồ trang trí.
Thuốc nhuộm dạng bột được sử dụng để tạo màu cho thủy tinh khi nó vẫn còn nóng chảy hoặc để trang trí các đồ vật khi chúng đã nguội và cứng lại. Các biểu tượng văn hóa, chẳng hạn như bàn tay của Fatima, thường được vẽ hoặc khắc trên kính.
Nghề thổi thủy tinh Damascene đặc trưng bởi các màu trắng, xanh dương, xanh lá cây và đỏ thẫm được sử dụng cũng như các họa tiết được sơn màu vàng.
Trong quá khứ, nghề này chỉ thuộc về một số gia đình, với việc người cha truyền lại những bí mật của nghề cho con cái mình. Ngày nay, những kiến thức và kỹ năng liên quan được truyền lại một cách không chính thức thông qua thực hành và hướng dẫn thực hành trong các hội thảo.
Là nguồn sinh kế cho các nghệ nhân, nghề thổi thủy tinh góp phần mang lại cảm giác liên tục và thân thuộc. Nó cũng gắn liền với các không gian xã hội, tâm linh và lịch sử cũng như với các hoạt động diễn ra trong đó.
Qua nhiều thế kỷ, người Syria đã hoàn thiện những sáng tạo của mình và ngành công nghiệp thủy tinh thổi thủ công phát triển mạnh mẽ.
Đầu những năm 1900, riêng tỉnh Aleppo đã có 1.200 cơ sở sản xuất thủy tinh. Tuy nhiên, ở thời đại chúng ta, ngoại trừ một số nghệ nhân được kế thừa và vẫn đang hành nghề để kiếm sống, nghệ thuật làm thủy tinh thủ công đang dần biến mất.
Một số sản phẩm của những nghệ nhân còn lại này đang được xuất khẩu, nhưng một phần đáng kể được bán tại địa phương, chủ yếu là vào mùa hè trong mùa du lịch. Du khách chiếm tỷ lệ lớn trong nhu cầu về sản phẩm thủy tinh làm bằng tay.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa bị mất đối với một số ít thợ thủ công thủy tinh còn lại, chẳng hạn như gia đình al-Kazzaz sở hữu một cửa hàng ở Tekiya Sulaymanieh. Những sản phẩm này đang có nhu cầu tại các lễ hội và triển lãm cả trong và ngoài Syria. Bất cứ khi nào chúng được giới thiệu như tại Lễ hội mua sắm Dubai, chúng đều thu hút rất đông người xem.
Thông thường, sản phẩm của họ bán chạy như “tôm tươi” - một dấu hiệu thực sự cho thấy những người thợ thổi thủy tinh của Syria sẽ đồng hành cùng chúng ta trong tương lai gần.
Theo lời của một nghệ nhân thủy tinh ở Damascus: “Đừng lo lắng! Chúng ta sẽ còn tồn tại trong nhiều thế kỷ tới”.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm