Thị trường hàng hóa
Làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lâu nay nổi tiếng với nghề truyền thống tạc tượng, làm hoành phi câu đối và đồ thờ cúng... Đồng thời, nơi đây cũng có rất nhiều ngôi nhà cổ nằm sâu trong đường làng ngõ xóm, thậm chí nhiều ngôi nhà còn mang đậm nét kiến trúc cổ thời phong kiến.
Nổi tiếng nhất trong làng Sơn Đồng có lẽ là ngôi nhà cổ gỗ lim hơn 350 năm của dòng họ Nguyễn Viết. Ngôi nhà cổ này không được ghi chép trong chính sử, nhưng qua bao thế hệ người dân làng Sơn Đồng nói chung và dòng họ Nguyễn Viết nói riêng vẫn truyền miệng cho nhau nghe về niên sử của ngôi nhà.
Theo ghi nhận, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Viết Vy rộng hơn 130m2, nhìn bên ngoài cũng như biết bao ngôi nhà cổ khác, nhưng nơi đây là điểm đến của không ít các nhà báo và thậm chí là nơi nghiên cứu của các nhà sử học.
Theo chia sẻ của gia chủ Nguyễn Viết Vy, ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1670 với 5 gian, 2 chái (dài 18,5m, rộng 7,2m), chủ yếu bằng gỗ lim và mang phong cách của những ngôi nhà thời phong kiến. Ngôi nhà được quan Đô đốc Nguyễn Công Triều xây dựng để trả ơn cứu mạng của quan Thượng thư Nguyễn Viết Thứ.
Gia chủ Nguyễn Viết Vy cho biết: "Đến hiện tại ngôi nhà đã được đại tu 2 lần vào các năm 1975 và 1995. Phần mái, nền nhà và vách gỗ bị hư hỏng đã được sửa chữa, thay thế và bổ sung thêm để giữ nét cổ của ngôi nhà thời phong kiến. Đặc biệt, phần khung nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim và vẫn dùng tốt".
Ông Viết Vy kể lại, ngôi nhà này do cụ Thượng ở dưới Đông Lao làm tri ân cụ Thượng nhà. Còn huyền tích xây dựng 1 đêm, ông Vy cho biết: "Theo các cụ kể lại, vào chiều năm 1670, người dân làng Sơn Đồng thấy một đoàn tùy tùng cả trăm người cùng voi, ngựa, trâu kéo theo gỗ, đá, ngói… đến mảnh đất nhà quan Thượng thư Nguyễn Viết Thứ. Họ đẽo gỗ, đào đất, dựng khung nhà suốt đêm. Ánh đuốc sáng rực cả một vùng.
Đến sáng sớm hôm sau, người dân tò mò đến xem thì bất ngờ thấy ngôi nhà sừng sững trước mắt, người dân ai nấy đều bất ngờ. Ngôi nhà 5 gian, 2 chái, dài 18,5m, rộng 7,2m (hơn 133m2); cột kèo toàn bằng gỗ lim; nền nhà lát gạch nâu bóng; bộ hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng mới tinh tươm…".
Ông Vy cho biết, ông có tìm hiểu, "sở dĩ, quan Đô đốc có thể dựng nhà nhanh đến như vậy là do thôn Đông Lao bấy giờ đang dựng đình. Thế là cột, kèo, các thứ chuẩn bị để dựng đình được chuyển hết lên đây dựng nhà nên mới nhanh như vậy, chứ nếu đục đẽo từ đầu thì không thể kịp trong một đêm được".
Trải qua hơn 350 năm (1670-2022), ngôi nhà cổ vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ. Các cột, kèo, hoành phi câu đối bằng gỗ lim vẫn vững chãi cùng thời gian. Ông Viết Vy nói, ngôi nhà cổ này được giữ lại đến bây giờ là một kỳ tích lịch sử, tính đến hiện tại trải qua 11 đời gìn giữ, và sẽ truyền cho các thế hệ con cháu ông sau này.
Đặc biệt, khi chỉ lên bức hoành phi với ba chữ vàng "Đức Giã Viễn", ông Viết Vy nói rằng: “Tôi luôn nhắc nhở con cháu ăn ở có đức có tâm, tài năng, đức độ như hai người bạn tâm giao là cha ông chúng tôi Nguyễn Viết Thứ và Nguyễn Công Triều”.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm