Thị trường hàng hóa
Tập đoàn thương mại điện tử Amazon của Mỹ vừa trở thành công ty đại chúng đầu tiên trên thế giới bị “thổi bay” 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ trong vòng một năm, do tình hình kinh tế ảm đạm dẫn đến giá trị cổ phiếu sụt giảm mạnh.
Cổ phiếu của Amazon sụt giảm tới 4,3% chỉ trong phiên giao dịch gần nhất xuống còn 86,14 USD/cổ phiếu, đẩy giá trị thị trường công ty hôm 10/11 lao xuống 879 tỷ USD, giảm hơn 1.000 tỷ USD so với mức đỉnh lập được là 1.880 tỷ USD vào tháng 7/2021. Bức tranh kinh doanh của Amazon được dự báo xấu đi từ trước, nhưng tốc độ sụt giảm giá trị vốn hóa này vẫn khiến giới quan sát bất ngờ.
Giá trị của Amazon tăng vọt hồi năm ngoái do 2021 đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành nặng nề tại Mỹ và thế giới. Tình trạng phong tỏa và hạn chế đã khiến ngành kinh doanh trực tuyến phát triển chóng mặt và Amazon là một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng mua sắm online này.
Tuy nhiên, sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ trong hơn một năm qua, người tiêu dùng lại có xu hướng quay lại thói quen mua sắm truyền thống như trước khi Covid-19 xuất hiện, dẫn đến thương mại điện tử đi xuống. Điều này khiến tăng trưởng trong mảng thương mại điện tử của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon chậm lại rõ rệt kể từ đầu năm 2022.
Tình hình kinh doanh khó khăn và các chỉ số xấu trong báo cáo tài chính đã khiến cổ phiếu của Amazon giảm gần 50% so với mức đỉnh năm ngoái. Doanh số bán hàng chậm lại trong khi chi phí và lãi suất tăng vọt do lạm phát tăng cao càng khiến các công ty khổng lồ như Amazon gặp khó khăn.
Công ty bị bốc hơi vốn hóa mạnh nhất sau Amazon là tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft. Công ty do tỷ phú Bill Gate sáng lập này đã sụt giảm 889 tỷ USD vốn hóa thị trường so với mức đỉnh vào tháng 11/2021. Giá trị bốc hơn này của hai công ty tương đương GDP của những quốc gia thuộc nhóm đầu về kinh tế trên thế giới hiện nay.
Không chỉ công ty bán lẻ trực tuyến Amazon hay Microsoft mà hầu hết các công ty công nghệ lớn của Mỹ và thế giới đều gặp khó khăn trong năm nay, do lo ngại về suy thoái kinh tế hiện hữu và lạm phát tăng cao. Theo Bloomberg, 5 công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ tính theo doanh thu đã chứng kiến sự “bốc hơi” của 4.000 tỷ USD giá trị thị trường kể từ đầu năm 2022.
Suy thoái kinh tế trong thời gian qua đã tạo thêm áp lực đè nặng lên các nhà khổng lồ công nghệ của nước Mỹ, buộc các công ty vốn làm ăn thịnh vượng ngay cả trong thời kỳ Covid-19 hoành hành đang phải chật vật tìm mọi cách để cắt giảm chi phí hoạt động để vượt qua.
Những tháng gần đây, Amazon phải đóng cửa một loạt các dự án nổi tiếng, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa Amazon Care và ngừng thử nghiệm robot tự lái Scout. Ngoài ra, công ty còn giảm đáng kể quy mô đội ngũ robot và phòng thí nghiệm ảnh chụp Mặt trăng Grand Challenge của mình.
Ngoài việc cắt giảm các dự án và quy mô đầu tư vào các sản phẩm mới, các công ty công nghệ Mỹ còn có chung một biện pháp ứng phó khó khăn là cắt giảm chi phí bằng cách sa thải số lượng nhân viên kỷ lục, qua đó tối ưu hóa nguồn chi.
Cả Amazon, Microsoft, Meta Platform (công ty mẹ của Facebook) hay Google đều đang trong làn sóng cắt giảm nhân sự chưa có dấu hiệu dừng lại này để vượt qua giai đoạn hiện tại.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm