Thị trường hàng hóa
Nga vừa trở thành quốc gia khai thác tiền điện tử lớn thứ hai thế giới trong năm nay, nhật báo kinh doanh Kommersant trích dẫn Bitriver - Nhà cung cấp dịch vụ khai thác bitcoin lớn nhất của Nga.
Trong khi Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là quốc gia khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới với công suất khai thác 3-4 gigawatt, thì công suất phát điện khai thác tiền điện tử của Nga đạt 1 gigawatt vào tháng 1 đến tháng 3/2023.
Kommersant trích dẫn Bitriver cho biết, lần đầu tiên giành vị trí thứ hai, Nga đã chiếm vị trí trước đây của Kazakhstan, quốc gia đã đưa ra các hạn chế đối với hoạt động khai thác tiền điện tử vào năm 2022 và hiện đang xếp thứ 9.
Trung Quốc, nơi đã cấm khai thác tiền điện tử vào năm 2021, không lọt vào top 10 của Bitriver.
Việc sử dụng bitcoin bị hạn chế ở Nga do các luật hạn chế về tiền điện tử, bao gồm luật năm 2020 của Tổng thống Vladimir Putin về tài sản tài chính kỹ thuật số, đã hợp pháp hóa tiền điện tử nhưng cấm sử dụng chúng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, tiền điện tử có liên quan đến các chiến lược trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga, với việc Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen một địa chỉ bitcoin và ether vào tháng 2 mà họ cho rằng có thể liên quan đến việc bán thiết bị quốc phòng của Nga ở nước ngoài.
Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc thực hiện các giao dịch tiền điện tử với công dân Nga và bất kỳ ai cư trú tại quốc gia này như một phần của vòng trừng phạt thứ 8 được đưa ra vào năm ngoái.
Tuy nhiên trước đó, vào tháng 1/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này do lo ngại về an ninh năng lượng trong bối cảnh nhiều quốc đang có những chính sách cứng rắn hơn trong việc quản lý hoạt động khai thác và giao dịch tiền số.
Khi đó, theo Ngân hàng Trung ương Nga, giải pháp tốt nhất là đưa ra lệnh cấm khai thác tiền điện tử bởi bitcoin và các loại tiền điện tử khác được khai thác bởi các dàn máy đào mạnh và liên tục tiêu tốn điện và nhiên liệu hóa thạch. Điều này có thể gây nguy cơ tiềm ẩn về an ninh năng lượng của quốc gia.
Vào tháng 8/2021, Nga chiếm 11,2% hashrate toàn cầu - thuật ngữ chỉ sức mạnh tính toán được sử dụng bởi các hệ thống khai thác tiền số. Công ty BitRiver cho biết họ hy vọng đề xuất trên không thành hiện thực. Nga cũng đang lên kế hoạch phát hành đồng rúp kỹ thuật số, nên tài sản tiền điện tử có thể sẽ trở nên phổ biến trong tương lai.
Từ giữa năm 2021, Trung Quốc ra lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền điện tử, buộc các trang trại phải đóng cửa và chuyển máy đào ra nước ngoài. Đầu năm 2022, Singapore - nơi được cho là cởi mở với tiền điện tử - cũng cảnh báo người dân về rủi ro liên quan. Cùng lúc đó, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã ban hành hướng dẫn, hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền số quảng bá dịch vụ cho công chúng. Chỉ vài ngày sau, các ATM Bitcoin ở nước này cũng bị gỡ bỏ. Một số quốc gia khác như Tây Ban Nha, Anh cũng ra các quy định tương tự Singapore về hoạt động quảng cáo, giao dịch và khai thác tiền số.
Theo Financial Times, Kazakhstan thậm chí gặp khủng hoảng năng lượng do hoạt động khai thác Bitcoin. Vào cuối năm 2021, ba nhà máy nhiệt điện quan trọng của Kazakhstan phải ngừng khẩn cấp do quá tải. Để hạn chế, chính phủ nước này đã siết chặt quản lý với việc đào Bitcoin và một số trang trại lớn buộc phải ngừng hoạt động. Didar Bekbau, CEO công ty Xive, cho biết họ phải dừng 2.500 máy đào vì thiếu điện.
Việc thiếu hụt năng lượng do khai thác Bitcoin không chỉ xảy ra tại Kazakhstan. Hồi tháng 5/2021, Iran cấm khai thác tiền điện tử trong bốn tháng để ngăn tình trạng mất điện thường xuyên tại quốc gia này. Trước đó, Kosovo cũng ra lệnh cấm khai thác tiền mã hóa nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này, khiến nhiều chủ trang trại phải bán tháo thiết bị đào Bitcoin.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm