Thị trường hàng hóa
Vào thứ Năm tuần này, đường ống Nord Stream 1 - một huyết mạch quan trọng nối khí đốt của Nga với EU - sẽ mở cửa trở lại sau 10 ngày bảo trì định kỳ.
Tuy nhiên, Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức, hồi đầu tháng cho biết nước này phải "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất." Ông cho rằng: "Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”, ngầm cho rằng tương lai nguồn cung khí đốt Nga đang là rất mơ hồ, vô định.
Được biết, đường ống này cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho châu Âu, chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu đường ống từ Nga.
Theo nhiều nguồn tin, việc Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cũng không nằm ngoài vấn đề. Nước này đã cắt xuất khẩu khí đốt sang một số nước châu Âu. Tháng trước, Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, tuyên bố "khủng hoảng khí đốt" sau khi Gazprom, công ty khí đốt nhà nước của Nga, giảm 60% xuất khẩu thông qua đường ống dẫn giữa hai nước.
Hôm thứ 2 tuần này, nhà phân phối khí đốt Uniper của Đức xác nhận họ đã nhận được một lá thư từ Gazprom với một lý do bất khả kháng về việc thiếu hụt khí đốt trong quá khứ và hiện tại. Điều khoản bất khả kháng là một điều khoản hợp đồng bào chữa cho một công ty không đáp ứng các nghĩa vụ của mình. Được biết thường được viện dẫn trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thiên tai.
Nhưng một phát ngôn viên của Uniper chia sẻ với đài CNN rằng họ đã "chính thức bác bỏ" yêu cầu này. Hôm thứ Hai, công ty bị can thiệp cũng đã rút khoản tín dụng trị giá 2 tỷ Euro (2,04 tỷ USD) với ngân hàng KfW do ảnh hưởng của việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Được biết, trong tuần này, đợt khan hiếm khí đốt cũng sẽ đến vào thời điểm tồi tệ nhất. Người dân châu Âu đang vật vã dưới tiết trời oi nóng, biên độ nhiệt liên tục lập đỉnh - các vùng của Pháp và Tây Ban Nha đang phải đối mặt với cháy rừng vì nhiệt độ dự kiến sẽ tăng trên 40 độ C (104 độ F) trong những ngày tới.
Cơ quan khí tượng Anh hôm 15/7 lần đầu ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, khi nhiệt độ ở một số khu vực tại nước này được dự báo lần đầu tiên chạm mức 40 độ C, phá vỡ kỷ lục nắng nóng từng ghi nhận là 38,7 độ C năm 2019.
"Nguyên nhân gây ra đợt nóng kỷ lục lần này, có thể là vài đợt nóng tiếp theo chủ yếu là do biến đổi khí hậu", Friederike Otto, giảng viên khoa học khí hậu tại viện Grantham, Đại học Hoàng gia London, nói. "Khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt và dầu mỏ khiến các đợt sóng nhiệt nóng hơn, dài hơn và thường xuyên hơn".
Được biết, Enagas, nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Tây Ban Nha, tuần trước cho biết nhu cầu về khí đốt tự nhiên để sản xuất điện đã đạt mức kỷ lục mới 800 gigawatt/ giờ.
Trong một tuyên bố báo chí, Enagas chia sẻ rằng: “Nhu cầu về khí đốt tự nhiên để sản xuất điện tăng mạnh chủ yếu là do nhiệt độ cao được ghi nhận do kết quả của đợt nắng nóng”.
Một số nhà phân tích tỏ ra lạc quan hơn, với nguồn điện thay thế của châu Âu và thực tế là đợt nắng nóng sẽ nhanh chóng kết thúc vào giữa tuần.
Trong khi đó, các nước châu Âu đang chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của họ để tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng có thể xảy ra thảm khốc trong mùa đông.
Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết "vài tháng tới là thời cơ đặc biệt rất quan trọng" để tăng nguồn cung LNG của khối.
Ông nói thêm: “Nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt trước khi châu Âu có thể nâng mức dự trữ lên đến 90%, tình hình sẽ còn nghiêm trọng và thách thức hơn”.
Theo Cơ quan Hạ tầng Khí Châu Âu, mức dự trữ khí đốt trên toàn Liên minh châu Âu hiện là khoảng 64%.
Hôm thứ Hai tuần này, Ủy ban châu Âu đã ký một biên bản thoả thuận với Azerbaijan để tăng gấp đôi công suất dẫn khí của tuyến đường vận chuyển khí đốt quan trọng trong vài năm tới.
Giá khí đốt tự nhiên của Hà Lan, tiêu chuẩn châu Âu, đã tăng 3% lên 165 Euro (167 USD) mỗi megawatt giờ vào thứ Hai tính từ thứ Sáu tuần trước, theo dữ liệu từ Intercontinental Exchange.
Đầu tháng này, lo ngại về việc cắt nguồn cung khí đốt lớn hơn đã đẩy giá mặt hàng năng lượng này lên mức cao nhất kể từ những ngày đầu Nga tấn công vào Ukraine, dao động quanh mức 183 Euro (186 USD) mỗi megawatt giờ. Ước tính, kể từ những tháng đầu năm nay, giá khí đốt đã tăng lên tới 129%.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm