Thị trường hàng hóa

  • Vàng 2,007.50 +11.50 +0.58%
  • XAU/USD 1,998.53 +9.13 +0.46%
  • Bạc 25.317 +0.246 +0.98%
  • Đồng 3.8457 -0.0158 -0.41%
  • Platin 1,112.70 +6.70 +0.61%
  • Paladi 1,513.28 +4.88 +0.32%
  • Dầu Thô WTI 74.55 +0.25 +0.34%
  • Dầu Brent 78.06 +0.34 +0.44%
  • Khí Tự nhiên 2.311 +0.006 +0.26%
  • Dầu Nhiên liệu 2.3770 +0.0078 +0.33%
  • Xăng RBOB 2.5190 +0.0065 +0.26%
  • Dầu khí London 693.00 +1.62 +0.23%
  • Nhôm 2,312.00 -15.00 -0.64%
  • Kẽm 2,602.00 -43.00 -1.63%
  • Ni-ken 23,721.00 +75.00 +0.32%
  • Copper 8,492.50 -60.00 -0.70%
  • Lúa mì Hoa Kỳ 634.60 -6.40 -1.00%
  • Thóc 17.030 -0.040 -0.23%
  • Bắp Hoa Kỳ 597.00 -3.00 -0.50%
  • Đậu nành Hoa Kỳ 1,409.50 -4.50 -0.32%
  • Dầu Đậu nành Hoa Kỳ 51.78 -0.72 -1.37%
  • Khô Đậu nành Hoa Kỳ 425.55 -1.85 -0.43%
  • Cotton Hoa Kỳ loại 2 78.62 +0.26 +0.33%
  • Ca Cao Hoa Kỳ 2,947.50 -2.50 -0.08%
  • Cà phê Hoa Kỳ loại C 188.80 -2.80 -1.46%
  • Cà phê London 2,382.00 -143.00 -5.66%
  • Đường Hoa Kỳ loại 11 26.66 +0.15 +0.57%
  • Nước Cam 269.85 -10.00 -3.57%
  • Bê 174.45 +0.15 +0.09%
  • Heo nạc 78.40 +1.52 +1.98%
  • Bê đực non 233.70 +4.38 +1.91%
  • Gỗ 348.00 -15.70 -4.32%
  • Yến mạch 327.90 +0.60 +0.18%
11:05 31/12/2022

Năm 2022: Nhìn lại những bất ổn để nhận ra giá trị của sự bình yên

2022 có thể nói là một năm đầy bất ổn, đã lấy đi rất nhiều nước mắt của thế giới, với hàng loạt cuộc khủng hoảng toàn cầu đan xen vào nhau. Song trong khó khăn và bất ổn, thế giới càng nhận ra giá trị của sự bình yên, để chung tay vun đắp lại một tương lai tươi sáng hơn!

Những cuộc khủng hoảng chồng chéo

Ngay từ giữa năm 2022, trong báo cáo của Liên hợp quốc về Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải thốt lên rằng: “Thế giới đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng và xung đột toàn cầu phân tầng và đan xen vào nhau, những khát vọng được đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững đang bị đe dọa”.

Có thể nói, từ những thời điểm đầu tiên cho đến những ngày tháng cuối cùng của năm 2022, thế giới nói chung không có được ngày nào thực sự bình yên. Năm 2022 khởi đầu cũng là lúc bóng ma đại dịch COVID-19 bùng phát ở một quy mô lớn hơn, với sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron. Biến thể này lần đầu được xác nhận vào ngày 24/11/2021 và nhanh chóng thống trị toàn cầu.

“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến cho năm 2022 đã bị cắt giảm 0,9 điểm phần trăm, do cuộc chiến ở Ukraine và những đợt đại dịch tiềm tàng mới” - Báo cáo các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Dù nói chung đại dịch không còn tác động nghiêm trọng như trong năm 2020 hay 2021, khi mà thế giới đã sẵn sàng sống chung với COVID nhờ tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, song thực tế 2022 mới là năm mà thảm họa này gây ra ám ảnh nhiều nhất đối với thế giới, khi người ta có cảm giác mọi người đều đã bị loại virus Corona này tấn công.

Theo thống kê, ngày 25/1/2022 chính là ngày khủng khiếp nhất trong đại dịch COVID-19, khi có tới xấp xỉ 3,7 triệu ca nhiễm mới trên toàn cầu. Và trong khi số ca nhiễm từ đầu đại dịch COVID-19 cho đến ngày cuối cùng của năm 2021 chỉ ở mức hơn 291 triệu người, thì con số này đã tăng gần như gấp đôi lên khoảng gần 600 triệu người chỉ sau 8 tháng đầu năm 2022.

Theo Liên hợp quốc, đại dịch COVID-19 đã trực tiếp hoặc gián tiếp cướp đi sinh mạng của ít nhất 15 triệu người dựa trên sự chênh lệch về số ca tử vong so với cùng khoảng thời gian trước đó. Hệ thống y tế toàn cầu đã bị quá tải và nhiều dịch vụ y tế đã bị gián đoạn, đặt ra các mối đe dọa lớn đối với sự tiến bộ của nhân loại.

Do đại dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài đến năm thứ ba, đã có khoảng 147 triệu trẻ em phải bỏ lỡ hơn một nửa chương trình học tập, ảnh hưởng đáng kể đến tương lai và hạnh phúc của các em. Sự kéo dài của COVID-19 cũng tiếp tục khiến phụ nữ chịu thêm nhiều thiệt thòi; do bị mất việc làm, gánh nặng chăm sóc con cái và nạn bạo lực gia đình âm thầm gia tăng trở lại.

Bên cạnh việc tiếp tục bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19 khi bước sang năm 2022, thế giới còn phải đối mặt với một hiểm họa khác. Đó là bóng ma chiến tranh rình rập trở lại châu Âu sau nhiều thập kỷ. Và điều lo sợ nhất đã xảy ra vào rạng sáng ngày 24/2 khi hàng loạt tên lửa và tiếng còi báo động đã xé toang sự yên lặng của bầu trời thủ đô Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine.

Đến lúc này, nền hòa bình tại châu Âu, cũng như thế giới ở mức độ tương đối, đã không còn. Đúng là thế giới chưa bao giờ hết chiến tranh, với hàng chục cuộc nội chiến và xung đột khác đã diễn ra trước đó, song cuộc chiến Nga - Ukraine mới thực sự có tác động toàn cầu, làm ảnh hưởng tới đời sống không chỉ của người dân hai nước, mà còn khiến cho cả những người cách xa đó nửa vòng trái đất cũng cảm nhận được mùi bom đạn.

Từ COVID-19, chiến tranh đến biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, chỉ riêng đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy lùi tiến trình giảm nghèo ổn định trong 25 năm qua, với số lượng người nghèo cùng cực tăng lần đầu tiên trong một thế hệ. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì tồi tệ đã xảy đến với thế giới trong năm vừa rồi. Năm 2022 còn phải chứng kiến cơn thịnh nộ có thể nói chưa từng thấy trước đây của biến đổi khí hậu.

Chưa bao giờ mà gần như mọi người dân trên toàn cầu đều cảm nhận được rõ ràng sự hung bạo của biến đổi khí hậu do chính con người gây ra như vậy. Theo nghiên cứu được công bố vào cuối tháng 10 của Climate Central, có tới 96% người dân trên hành tinh chúng ta cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu trong năm 2022.

Sự biến đổi của thời tiết khiến cho bất cứ ai cũng phải choáng váng. Hồi tháng 3 năm nay, một cú sốc lớn đối với các nhà khoa học khi biết rằng vị trí lạnh nhất trên hành tinh này ở một địa điểm tại Nam Cực đã tăng thêm tới gần 40 độ C so với mức bình thường và tình trạng này kéo dài đến 3 ngày.

Bên cạnh những cơn lũ lụt, bão tuyết, lốc xoáy hay mưa bão lớn kỷ lục và nhiều không thể kể xiết, thế giới còn vừa phải chứng kiến những đợt nắng nóng và hạn hán cũng chưa từng có trong năm 2022. Ngay tại châu Âu vốn mát mẻ, người dân đã phải trải qua cả một mùa hè như thể đang sống ở các hoang mạc tại châu Phi.

Một loạt kỷ lục về nhiệt độ đã được thiết lập. Vào ngày 18/7, mức 40,3 độ C đã lần đầu tiên đo được ở Vương quốc Anh. Thậm chí tại Bồ Đào Nha, một siêu kỷ lục về nhiệt độ đã được ghi nhận ở mức 47,0 độ C vào ngày 14/7, khiến quốc gia châu Âu này trở thành một trong những nơi nóng nhất hành tinh!

Nắng nóng không chỉ khiến hàng nghìn người trên khắp châu Âu tử vong, mà còn kéo theo những thảm họa khác như cháy rừng và hạn hán. Chưa năm nào mà thế giới lại nói nhiều về nắng nóng, hạn hán và cháy rừng như năm 2022. Hạn hán đã khiến nhiều thành phố của Ý phải cung cấp nước theo dạng phân phối. Hạn hán nghiêm trọng đã từng diễn ra tới trên 97% lãnh thổ Bồ Đào Nha. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, người dân ở quốc gia này đã phải thốt lên: “Chúng tôi đã khô hạn như Bắc Phi”.

“Cũng như tác động của các cuộc khủng hoảng là phức tạp khi chúng liên kết với nhau, các giải pháp cũng vậy. Chẳng hạn, khi chúng ta hành động để tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, cải thiện dịch vụ công và đầu tư vào năng lượng sạch, chúng ta sẽ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc gia tăng bất bình đẳng, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu”, Liu Zhenmin - Thư ký về kinh tế và xã hội Liên hợp quốc.

Một khi châu Âu còn phải hứng chịu các thảm họa hạn hán và cháy rừng, thì các vùng đất nổi tiếng khô cằn và nóng nực khác còn khổ sở hơn. Ấn Độ đã mất mùa xuân trong năm 2022 khi cái nắng thiêu đốt kéo dài gần như không ngừng. Trong khi đó, hạn hán ở Trung Quốc là điệp ngữ mà người ta không ngừng nhắc đến suốt năm 2022, khi nhiều đoạn sông Dương Tử rộng lớn đã cạn trơ đáy. Tại châu Phi, nắng nóng và hạn hán thậm chí đã vượt qua mức chịu đựng của con người, khiến hàng chục triệu người đứng trước nguy cơ chết đói vì hạn hán, mất mùa.

Siêu lạm phát, nạn đói cùng cực

Ba cuộc đại khủng hoảng chồng chéo lên nhau trong năm 2022 đã gây ra tác động khủng khiếp, mà hầu hết những người còn sống trên hành tinh này chưa từng được chứng kiến. Nó tác động tới mọi mặt trong cuộc sống của bất cứ ai, bất cứ quốc gia, khu vực và bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, từ kinh tế, xã hội… cho đến chính trị.

Chính việc các cuộc đại khủng hoảng xảy ra cùng lúc trong năm 2022 đã tạo ra một làn sóng siêu lạm phát càn quét toàn cầu. Những cơn bão giá đã không ngừng ập đến châu Âu, trong đó cuộc chiến năng lượng và cuộc chiến trừng phạt giữa phương Tây và Nga được xem như đòn đánh quyết định.

Các cuộc khủng hoảng lương thực và lạm phát càng khiến cái đói trở nên hiện hữu nhiều hơn trong năm 2022. Ảnh: AP

Rất giống hình ảnh biến đổi khí hậu đã khiến một châu Âu mát mẻ bỗng bừng cháy trong mùa hè 2022, cuộc khủng hoảng lạm phát đã khiến người dân tại châu Âu sau nhiều thập kỷ thịnh vượng đã biết thế nào là sự bần cùng; phải cắt giảm các nhu cầu thiết yếu hằng ngày, thậm chí còn không có đủ năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông.

Tất nhiên, không chỉ châu Âu, cơn bão lạm phát nói riêng và các cuộc khủng hoảng trong năm 2022 nói chung đã khiến một bộ phận lớn người dân ở các quốc gia khác trên thế giới phải “thắt lưng buộc bụng”; từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… cho đến cả 2 quốc gia đang giao tranh Ukraine và Nga.

Khắp nơi trên thế giới, gần như người dân của mọi quốc gia đều phải than khóc vì giá cả mọi mặt hàng đều tăng chóng mặt, thậm chí đã khiến một số nền kinh tế sụp đổ hoặc gần như sụp đổ như Sri Lanka, Bangladesh hay Argentina. Các kỷ lục lạm phát liên tục được thiết lập trên khắp quốc gia. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ vào tháng 5 đã tăng 8,6% so với năm 2021, lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Lạm phát Đức chạm mốc 7,9% vào tháng 5/2022, cao nhất kể từ khi thống nhất. Đặc biệt, lạm phát Vương quốc Anh vào tháng 8 năm 2022 đạt mức xấp xỉ 2 con số, cao nhất trong vòng 40 năm.

Khi lạm phát còn đi kèm với sự thiếu hụt năng lượng và lương thực, thì mọi chuyện còn tồi tệ hơn bội phần, là tấm gương phản chiếu rõ rệt cho 3 cuộc đại khủng hoảng chồng chéo giữa COVID-19, chiến tranh và biến đổi khí hậu. Như đã biết, COVID-19 đã khiến mọi hoạt động kinh tế và sản xuất đình trệ trong suốt gần 2 năm. Để rồi khi cuộc chiến Nga và Ukraine diễn ra, thì nạn đói đã hoành hành trên khắp thế giới.

Nga và Ukraine chính là vựa bánh mì của thế giới, cung cấp lần lượt 30% và 20% lượng lúa mì và ngô xuất khẩu toàn cầu, cũng như 80% sản phẩm hạt hướng dương cho toàn thế giới. Ít nhất 50 quốc gia nhập khẩu từ 30% lúa mì trở lên từ hai quốc gia này, trong đó nhiều nước châu Phi và các nước kém phát triển nhập khẩu hơn 50%. Ukraine và Nga cũng là những nước xuất khẩu phân bón hàng đầu.

Cuộc chiến Nga - Ukraine khiến nhiều gia đình phải ly tán, gây ra nhiều nước mắt không chỉ cho người dân hai nước, mà còn gây ra nhiều cuộc khủng hoảng trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Xung đột đã khiến xuất khẩu ngũ cốc, hạt hướng dương và phân bón giảm mạnh và đột ngột. Do đó, các nước phụ thuộc vào nhập khẩu đã bị ảnh hưởng bởi chi phí lương thực tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ra tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và nạn đói trên toàn cầu. Theo ước tính của Liên hợp quốc, các cuộc khủng hoảng chồng chéo lên nhau trong năm 2022 đã dẫn đến thêm từ 75 triệu đến 95 triệu người sống trong cảnh nghèo cùng cực so với dự báo trước đó.

Liên hợp quốc từng đặt mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030, song giờ mục tiêu từng đến rất gần đó giờ đã trở rất xa vời. Theo thống kê của Liên hợp quốc vào tháng 6 năm 2022, ước tính cứ 10 người trên toàn thế giới thì có 1 người đang bị đói, tương đương khoảng hơn 700 triệu người. Ngoài ra, gần 1/3 dân số toàn cầu (khoảng 2,3 tỷ người) đang bị mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng vào năm 2022.

Bất ổn địa chính trị và thế giới phân cực

Các cuộc đại khủng hoảng tấn công thế giới liên tiếp trong năm 2022 không chỉ gây ra những hệ quả khủng khiếp về kinh tế, xã hội, môi trường, giáo dục…, mà còn đặc biệt ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi nền tảng chính trị, địa chính trị toàn cầu, thậm chí làm lung lay nền hòa bình của nhân loại.

Chưa bao giờ trong nhiều thập kỷ qua, thế giới lại chứng kiến sự biến động, bất ổn chính trị lớn như trong năm vừa rồi, diễn ra ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực. Chủ nghĩa dân túy lên ngôi ngay ở châu Âu - nơi được xem như niềm tự hào của sự giao thoa văn hóa, của thế giới phẳng - với sự nổi lên của các nhà lãnh đạo cực hữu ở nhiều quốc gia.

Kể từ Chiến tranh Lạnh, thế giới chưa bao giờ trở nên phân cực như trong năm 2022. Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và đặc biệt cuộc chiến ở Ukraine có thể nói đã trực tiếp gây ra hoặc thúc đẩy sự thay đổi này. Cũng lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh, bóng ma xung đột hạt nhân đã trở lại.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thậm chí thốt lên rằng: “Nhân loại đến bờ vực diệt vong, thanh kiếm hạt nhân lại một lần nữa được vung lên”. Đó là khi Nga tuyên bố sẽ sử dụng mọi vũ khí để bảo vệ các lãnh thổ sáp nhập từ Ukraine, còn NATO khẳng định họ sẽ đáp trả tương xứng nếu điều này xảy ra. Trong khi đó, tại châu Á nguy cơ giao tranh hạt nhân cũng hiện hữu ở Bán đảo Triều Tiên.

Theo thống kê, thế giới đang chứng kiến số lượng các cuộc xung đột vũ trang lớn nhất kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập sau Thế chiến II. Một phần tư dân số toàn cầu hiện đang sống tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh! Tính đến tháng 5 năm 2022, 100 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa để tránh bom đạn. Có nghĩa rằng, sau hơn nửa thế kỷ, chưa bao giờ nền hòa bình thế giới lại đang trở nên mong manh như vậy.

2022 rõ ràng là một năm thật bất ổn, đến nỗi tại phiên họp quan trọng nhất hằng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối tháng 9/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres phải thừa nhận rằng: “Chúng ta đang bế tắc trong tình trạng rối loạn ở mức độ khổng lồ trên toàn cầu… Thế giới của chúng ta đang lâm vào tình trạng nguy hiểm - và tê liệt”.

Đến lúc này khi nhìn lại năm 2022, cả thế giới đều phải lo lắng bởi quá nhiều điều tồi tệ đã diễn ra. Bức tranh gần như hoàn toàn màu xám. Song cũng chính bởi vậy, thế giới đã nhận ra được sự yên bình thật tuyệt vời như thế nào, qua đó cần quyết tâm hơn để vun đắp lại một thế giới tốt đẹp và bền vững hơn cho tương lai!

“Số ca tử vong do dư thừa” trên toàn cầu do COVID-19 đã trực tiếp và gián tiếp lên tới ít nhất 15 triệu. Hơn 4 năm tiến bộ xóa đói giảm nghèo đã bị xóa sổ, đẩy thêm 93 triệu người trên toàn thế giới vào tình trạng nghèo cùng cực” - Liên hợp quốc.

 

 

 

Đọc thêm

Xem thêm