Thị trường hàng hóa
S&P 500 giảm 6,54 điểm, tương đương 0,2%, xuống 4.124,08, đánh dấu tuần thứ sáu liên tiếp chỉ số này biến động dưới 1%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 8,89, tương đương chưa đến 0,1%, xuống 33.300,62, trong khi chỉ số tổng hợp Nasdaq mất 43,76, tương đương 0,4%, xuống 12.284,74.
Tuần vừa qua, giá cổ phiếu một loạt ngân hàng nhỏ của Mỹ lại đồng loạt lao dốc - một dấu hiệu cho thấy những biến động trong hệ thống ngân hàng nước Mỹ chưa thể chấm dứt.
Sau khi First Republic trở thành ngân hàng thứ ba tại Mỹ sụp đổ kể từ đầu năm 2023 tới nay, giới đầu tư đã chuyển mối quan tâm sang PacWest Bancorp, một ngân hàng địa phương California. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 11/5, giá cổ phiếu PacWest giảm 21% ngay đầu phiên. Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm 40% trong tháng 5 và giảm hơn 70% kể từ đầu năm tới nay.
Không riêng PacWest, một số ngân hàng khác cũng rơi vào tình thế ngặt nghèo. Giá cổ phiếu Western Alliance đã giảm 33% trong tháng và giảm hơn 65% kể từ đầu năm tới nay.
Tương tự, First Horizon, ngân hàng phía Đông Nam nước Mỹ cũng trong cảnh bấp bênh, giá cổ phiếu giảm 33%, mức lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2008 sau thông tin thoả thuận sáp nhập giữa First Horizon và TD Bank bị huỷ bỏ.
Như vậy, đã 2 tháng trôi qua kể từ khi thị trường chứng kiến vụ sụp đổ đầu tiên của SVB vào tháng 3/2023 và tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện.
Bất chấp những động thái có vẻ yên bình đối với thị trường nói chung, những biến động lớn đã xuất hiện bên dưới lớp bề mặt giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra, lạm phát cao và chính phủ Mỹ đang tiến dần đến những gì có thể là một vụ vỡ nợ thảm khốc.
Theo một cuộc khảo sát sơ bộ của Đại học Michigan, tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đang lung lay. Đó là một điều đáng lo ngại vì việc chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng là một trong những lực cản ngăn chặn sự suy thoái chính khi nền kinh tế đang chậm lại.
Joanne Hsu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát thuộc Viện Nghiên cứu xã hội của Đại học Michigan, đã cho rằng đến đầu tháng 6/2023, Chính phủ Mỹ có thể sẽ hết tiền mặt để thanh toán trừ khi Quốc hội cho phép vay thêm.
Bà nói trong một tuyên bố: “Nếu các nhà hoạch định chính sách không giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ trần, sự mất lòng tin với nền kinh tế này sẽ làm tăng thêm nguy cơ vỡ nợ”.
Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo quốc hội đã hoãn cuộc họp được ấn định vào thứ Sáu vừa qua về cuộc khủng hoảng giới hạn nợ sang tuần này. Sự chậm trễ này được coi là một dấu hiệu của sự trao đổi tích cực khi các cuộc đàm phán cấp nhân viên vẫn đang tiếp tục.
Các ngân hàng đã phải chịu sức nặng của lãi suất cao hơn nhiều, điều này đã khiến một số khách hàng rút tiền gửi để tìm kiếm những lợi suất cao hơn ở những lĩnh vực đầu tư khác. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã buộc phải tăng lãi suất liên tục để giảm lạm phát. Các báo cáo trong tuần này cho thấy lạm phát đang tiếp tục ở mức vừa phải so với mức cao nhất vào năm ngoái, mặc dù nó vẫn ở mức quá cao đối với các hộ gia đình và cơ quan quản lý.
Phố Wall hy vọng rằng lạm phát giảm có thể thuyết phục Fed ngừng tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6.
Ngày 12/5, báo cáo về tín nhiệm của người tiêu dùng cho thấy các hộ gia đình Mỹ đang chuẩn bị cho tình trạng lạm phát 3,2% trong thời gian dài. Con số này cao hơn mức 3% của tháng trước và là mức cao nhất kể từ năm 2011.
Một lo lắng tại Fed là nếu tình trạng lạm phát cao trở nên cố định, nó có thể thay đổi hành vi của người mua sắm và những người khác trong toàn bộ nền kinh tế, điều này chỉ làm lạm phát trở nên tồi tệ hơn.
Theo Bill Ackman, căng thẳng trong hệ thống ngân hàng Mỹ còn lâu mới chấm dứt. Các chuyên gia phố Wall cũng cùng chung nhận định. Các ngân hàng nhỏ tại Mỹ khó lòng tự mình vượt qua khủng hoảng nếu không có “phép màu” từ cơ quan quản lý.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm