Thị trường hàng hóa
John Eskenazi, một trong những chuyên gia nghệ thuật cổ đại châu Á uy tín hàng đầu thế giới, vừa bị yêu cầu trả lại 4 triệu bảng Anh sau khi bán bảy tác phẩm điêu khắc và tượng 'cổ' của Việt Nam hóa ra là hàng giả cổ có chứa sợi, đồng thau và nhựa.
Hamad bin Abdullah al-Thani, một nhân vật chủ chốt trong hoàng thất Qatar, đã mua 7 bức tượng điêu khắc với thẩm định có niên đại lên tới 2.000 năm từ năm 2014-2015 từ nhà buôn nghệ thuật John Eskenazi với giá 4,99 triệu USD thông qua công ty Qatar Investment and Projects Holding Company(QIQCO). Tuy nhiên, sau đó các các chuyên gia về cổ vật khác đã tìm thấy tấm nhựa ở má của một tác phẩm điêu khắc và một số bằng chứng cho thấy các kỹ thuật phong hóa nhân tạo đã được sử dụng. Tòa án phán quyết rằng các tác phẩm điêu khắc này là giả mạo - và ông Eskenazi phải hoàn trả số tiền mà nhà lãnh tụ Hồi giáo này đã trả cho chúng, cộng với tiền bồi thường thiệt hại.
Trong đó, món cổ vật đắt nhất là bức tượng vị thần Hindu Hari-Hara trị giá 2,2 triệu đô la (1,8 triệu bảng Anh), đã từng được vận chuyển từ Việt Nam đến Hồng Kông với hóa đơn trị giá 575 đô la và được ghi nhận là "đá trang trí sân vườn". Một chuyên gia đã kiểm tra tác phẩm này và cho biết nó có bề mặt rất bóng, đồng thời không có dấu vết của quá trình lão hóa tự nhiên như mong đợi trên một tác phẩm điêu khắc hơn 1000 năm tuổi.
Một tác phẩm nghệ thuật khác là chiếc đầu bằng đá cẩm thạch trị giá 1,275 triệu đô la (1 triệu bảng Anh) của thần Dionysus cũng được các chuyên gia xác nhận có dấu hiệu của công cụ hiện đại. Nó đã được xử lý bằng axit flohydric và các kỹ thuật phong hóa nhân tạo để làm giả cổ vật. Ngoài ra, những bức ảnh cung cấp cho tòa án cho thấy đầu của một con quỷ trong Phật giáo được gọi là Krodha thậm chí còn có một miếng nhựa nhô ra từ má.
Thẩm phán Richard Jacobs bác bỏ cáo buộc của vị lãnh tụ Hồi giáo trên rằng ông Eskenazi đã phạm tội lừa đảo. Vụ việc này chỉ đơn thuần là sai sót trong khâu giám định, và ông Eskenazi không chủ ý bán các sản phẩm giả mạo cổ vật này cho ông Hamad bin Abdullah al-Thani với mục đích gian lận.
Vụ việc đã làm khuấy động thị trường cổ vật quốc tế, nơi tràn ngập đồ giả cổ trong gần nửa thế kỷ qua. Bên cạnh những món đồ bị nhầm lẫn một cách vô tình cũng có những món được làm ra với mục đích “đánh lận con đen”. Các sản phẩm giả cổ này được cố tình làm giả bởi các thợ thủ công có tay nghề “phù thủy” để đánh lừa những nhà sưu tập nghệ thuật giàu có.
Một chủ đại lý mua bán cổ vật ở London cho biết: "Mặc dù hiện nay đã có những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ giám định cổ vật, bao gồm cả các kỹ thuật quét tiên tiến. Người ta có thể đưa ra những đánh giá khoa học về tính xác thực của các cổ vật, điều mà trước đây rất khó thực hiện, nhưng những kẻ làm đồ giả cổ luôn có cách qua mặt một cách tinh vi".
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm