Thị trường hàng hóa
Quy định của Bộ Thương mại nội địa, Hợp tác xã và tiêu dùng Malaysia (MDTCC) về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ thương mại phân phối có hiệu lực từ tháng 12 năm 2004. Quy định sửa đổi, bổ sung được ban hành vào năm 2010, theo đó chỉ ra một số nguyên tắc chính mà các nhà bán lẻ có vốn FDI phải tuân thủ, cụ thể: Phải có ít nhất một Giám đốc là người gốc Malaysia; Nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm quản lý phải có thành phần là người Malaysia; Sử dụng các công ty địa phương tại Malaysia đối với các dịch vụ liên quan đến luật pháp hoặc chuyên môn khác; Phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia sản xuất trong tối thiểu 3 năm (chỉ áp dụng đối với các trung tâm thương mại, đại siêu thị và siêu thị lớn).
Bên cạnh đó, để tham gia kinh doanh bán lẻ tại Malaysia, doanh nghiệp bắt buộc phải kết hợp chặt chẽ với địa phương. Duy chỉ với mô hình đại siêu thị, phần vốn góp của người Malaysia tối thiểu phải là 30%, còn đối với những loại hình khác như trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh, nước ngoài được phép tham gia từ năm 2012 với phần vốn góp đầu tư không hạn chế. Tuy nhiên, tại Malaysia, nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép tham gia vào các loại hình bán lẻ như siêu thị, siêu thị mini và các cửa hàng tiện lợi.
MDTCC định nghĩa cửa hàng chuyên doanh là cửa hàng chuyên bán một nhãn hiệu sản phẩm hoặc một dòng sản phẩm chính. Để thành lập cửa hàng chuyên doanh, doanh nghiệp phải được sự cho phép của MDTCC. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải được chấp thuận và cấp một số giấy phép để vận hành cửa hàng chuyên doanh. Ví dụ, cần phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương để đặt biển hiệu, biển quảng cáo, đèn quảng cáo ngoài trời.
Mặc dù Malaysia đã có những quy định mở hơn về tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực bán lẻ, tuy nghiên vẫn có một số khác biệt liên quan đến văn hóa. Ví dụ, tại Malaysia quy định về số lượng và thời gian diễn ra các đợt bán hàng giảm giá. Mỗi năm, các nhà bán lẻ tại Malaysia chỉ được phép tổ chức 6 đợt bán hàng giảm giá, trong đó 3 đợt được quy định bởi Chính phủ Malaysia, 3 đợt còn lại do nhà bán lẻ lựa chọn (nhưng vẫn phải được sự chấp thuận của MDTCC).
Theo như Quy định về bán hàng giảm giá do MDTCC ban hành, mỗi đợt sale phải diễn ra trong ít nhất 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được ghi cụ thể tại mỗi quảng cáo. Đợt bán hàng giảm giá sau phải cách đợt bán hàng giảm giá trước ít nhất 14 ngày. Trong đợt sale, phải có ít nhất 70% hàng hóa đang được bày bán tại cơ sở bán lẻ nằm trong chương trình giảm giá. Các nhà bán lẻ chỉ được sử dụng một trong những thuật ngữ sau cho đợt sale: “sale”, “discount”, “best price”, “best buy”, “special price”.
Cũng theo quy định của MDTCC, Chương trình giảm giá không áp dụng khi giảm giá sản phẩm trong các trường hợp: Không chỉ ra được sự chênh lệch về giá của sản phẩm sau khi giảm so với trước; Giảm giá nhưng đi kèm các điều kiện như mua 1 sản phẩm mới giảm giá sản phẩm tiếp theo, phải có coupons, voucher giảm giá hoặc thẻ thành viên; Thỏa thuận bằng lời nói ngay tại địa điểm mua bán; Liên quan đến hàng hóa bị hư hỏng.
Ngoài các quy định về bán hàng giảm giá, Chính phủ Malaysia cũng quy định về giờ mở cửa của các nhà bán lẻ. Trừ 3 bang Kedah, Kelantan và Terengganu, giờ mở cửa tại tất cả các kênh bán lẻ tại Malaysia là 10am-10pm tất cả các ngày trong tuần. Vào những ngày lễ, các cửa hàng có thể mở cửa từ 10am-12pm. Trong những dịp lễ hội lớn của Malaysia, các cửa hàng có thể mở cửa từ 10am-12pm trong cả 7 ngày diễn ra lễ hội.
Bên cạnh đó, Malaysia triển khai đánh thuế hàng hóa và dịch vụ từ tháng 4/2015. Thuế GST được tính ở mức 6% giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ. Khác với thuế doanh thu và thuế dịch vụ hiện có, GTS được tính ở mỗi khâu cung ứng và người tiêu dung cuối cùng là đối tượng phải chịu thuế.
Trong chính sách nhằm bảo hộ cho các siêu thị thương hiệu địa phương và các cửa hàng nhỏ do Chính phủ quản lý có thể tồn tại trên thị trường bán lẻ, Chính phủ Malaysia đã đưa ra các chính sách nhằm loại trừ các cửa hàng có sức cạnh tranh kém, thậm chí buộc các cửa hàng thương hiệu nước ngoài phải rời khỏi thị trường Malaysia.
Chính phủ Malaysia đã gặp phải tình trạng tiến thoái lưỡng nan, một mặt cần các hoạt động đầu tư kinh doanh lớn rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế, mặt khác cần quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương để duy trì cân bằng kinh tế xã hội của đất nước. Để thực hiện sự hài hòa này, Chính phủ Malaysia đã được áp đặt các điều kiện buộc siêu thị nước ngoài có trách nhiệm giúp các nhà bán lẻ địa phương nắm bắt được một số thị trường bán lẻ.
Quy định đầu tiên, được gọi là “Sự tham gia của người nước ngoài vào việc hướng dẫn bán buôn và bán lẻ”, được Bộ Hợp tác thương mại và tiêu dùng nội địa đưa ra vào năm 1995. Tuy nhiên, những quy định này được đánh giá là không có hiệu quả trong việc hạn chế sự mở rộng các siêu thị.
Quy định tiếp theo được đưa ra đối với các Siêu thị nước ngoài gồm: Tăng mức vốn đầu tư tối thiểu từ 10 triệu MYR lên đến 50 triệu MYR và không gian sàn tối thiểu là 8.000 mét vuông. Những quy định này đảm bảo rằng các nhà khai thác của các cửa hàng siêu thị nước ngoài phải có nguồn tài chính rồi rào.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2002, các siêu thị nước ngoài mới không được phép xây dựng tại các địa phương có dưới 250.000 cư dân, hoặc trong bán kính 3,5 km của khu dân cư và trung tâm thị trấn. Các nhà đầu tư siêu thị nước ngoài cũng phải nộp một nghiên cứu tác động kinh tế xã hội của khu vực đề xuất cho một siêu thị mới.
Hơn nữa, Chính phủ Malaysia đưa ra điều kiện mới, buộc các siêu thị nước ngoài phải giữ ít nhất 30 phần trăm không gian cho các sản phẩm được sản xuất tại địa phương.
Các cửa hàng nhỏ được định nghĩa là các cửa hàng không thành chuỗi như các cửa hàng tạp phẩm thường bán các hàng tạp hóa và các hàng hoá tiêu dùng hàng ngày khác trực tiếp cho khách hàng với số lượng nhỏ, bao gồm cửa hàng đặc sản, tiệm bánh,...
Chính phủ Malaysia có chương trình phát triển quốc gia tạo những ưu đãi để khu vực này tiếp tục phát triển. Theo Tổng công ty Nhỏ và Vừa (SMIDEC), các dự án kinh doanh nhỏ có thể được tiếp cận với nguồn tài chính thông qua các quỹ và các sáng kiến của chính phủ. Các quỹ này được quản lý bởi nhiều cơ quan và có sẵn dưới hình thức các khoản vay, trợ cấp, tài trợ vốn chủ sở hữu và vốn mạo hiểm.
Phân loại các kênh bán lẻ tại Malaysia- Đại siêu thị (hypermarket): Có diện tích sàn >5.000 m2, vốn góp tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 70% - Trung tâm thương mại (department store): Không quy định cụ thể diện tích sàn, vốn góp tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 100% - Siêu thị lớn(Superstore): Diện tích từ 3.000-4.999m2, vốn góp tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 100% - Siêu thị (Super market): Diện tích <3000 m2, không cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. - Cửa hàng chuyên doanh (Specialty Store): Không quy định cụ thể diện tích sản, vốn góp tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 100% |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm