Thị trường hàng hóa
Mỹ phẩm second-hand
Theo một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel thực hiện, 22% người tiêu dùng Thái Lan sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi mua các sản phẩm làm đẹp đã qua sử dụng qua các Twitter, Instagram và các mạng xã hội khác.
Chayapat Ratchatawipasnan, chuyên gia về chăm sóc cá nhân của Mintel, cho biết lạm phát tại Thái Lan hiện ở mức 7,1%. Vì vậy người tiêu dùng đang cố gắng tiết kiệm chi phí khi mua các sản phẩm làm đẹp.
Theo ông Chayapat, chủ sở hữu các thương hiệu làm đẹp có thể mất một số lượng lớn khách hàng vào tay người bán đồ cũ. Mintel nhận thấy rằng nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mạng xã hội để tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp thay vì tìm kiếm các sản phẩm mới trên các phương tiện thông thường.
Chẳng hạn, nền tảng video ngắn TikTok đã trở thành công cụ phổ biến để Gen Z Thái Lan tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp đã qua sử dụng. Doanh số bán các sản phẩm làm đẹp second-hand qua TikTok dự kiến sẽ tăng 42%. Ngoài ra, 46% người tiêu dùng trẻ thừa nhận mạng xã hội ảnh hưởng đến việc họ mua các sản phẩm làm đẹp thông qua các cửa hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, các thương hiệu vẫn có thể thu hút lòng trung thành bằng cách tạo ra một thị trường trao đổi sản phẩm giữa các khách hàng. Cách này sẽ đảm bảo chất lượng của các sản phẩm đã qua sử dụng trong khi vẫn giữ được lòng trung thành với thương hiệu.
Ngoài ra, nghiên cứu của Mintel còn chỉ ra rằng hầu hết người tiêu dùng từ 45 tuổi trở lên không thích mạo hiểm dùng các sản phẩm đã qua sử dụng. 40% nhóm này nói rằng họ mua các sản phẩm làm đẹp từ các cửa hàng trực tuyến của thương hiệu. Do đó, theo ông Chayapat, các thương hiệu mỹ phẩm có thể tiếp cận nhóm khách hàng trên 45 tuổi để phát triển các dòng sản phẩm mới trong tình hình hiện nay.
Mọi thứ đều tăng giá
Thái Lan đang ghi nhận tỷ lệ lạm phát đạt mức cao kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua. Đại dịch Covid-19 giáng đòn mạnh vào ngành du lịch mũi nhọn cùng với những khó khăn chồng chất từ khủng hoảng lạm phát toàn cầu đã đẩy giá thực phẩm tăng vọt ngoài tầm với của nhiều người.
Từ đầu những năm 70, nhờ hương vị thơm ngon, tính tiện lợi và giá thành rẻ, mì ăn liền nhanh chóng trở thành món ăn phổ biến của hàng triệu người Thái. Tại Thái Lan, mì ăn liền nằm trong số 18 sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng không được phép tăng giá nếu không có sự chấp thuận của Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại. Song do ảnh hưởng của lạm phát, lần đầu tiên sau 14 năm qua, mặt hàng vốn được xem là thực phẩm chủ lực của các hộ gia đình có thu nhập thấp này đã tăng giá.
Nguyên nhân là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, như giá bột mì tăng 20% và giá dầu cọ tăng gấp đôi. Ngoài ra, Thái Lan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì và dầu cọ-hai nguyên liệu cơ bản để sản xuất mì ăn liền. Trong khi đó, Ukraine, một trong những nhà cung cấp lúa mì hàng đầu cho quốc gia Đông Nam Á này, đang gặp vấn đề về xuất khẩu hàng hóa.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm