Thị trường hàng hóa
Ông Raja Darmika, phụ trách chiến dịch cứu hộ của Cơ quan quản lý và khắc phục thảm họa huyện Natuna, cho biết lực lượng chức năng đã xác định được danh tính của 43 trong số 44 nạn nhân thiệt mạng.
Trong khi đó, ông Syariffuddin Muhammad, một quan chức của Cơ quan quản lý và khắc phục thảm họa huyện Natuna, nhận định mưa lớn chính là nguyên nhân gây ra thảm họa lở đất.
Chiến dịch cứu hộ đã được triển khai với nhiều máy móc hạng nặng, cùng đội ngũ nhân viên của văn phòng tìm kiếm và cứu nạn địa phương, Cơ quan quản lý và khắc phục thảm họa huyện Natuna, lực lượng quân đội và cảnh sát.
Thảm họa lở đất xảy ra trên đảo Serasan ngày 6/3 đến nay đã khiến trên 2.234 người phải sơ tán. Chính quyền tỉnh Riau đã ban bố tình trạng khẩn cấp và nâng cảnh báo nguy hiểm lên mức cao nhất đối với người dân địa phương và những vùng lân cận. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia đã triển khai gói cứu trợ, trị giá 862,3 triệu rupiah (tương đương 56.000 USD) để hỗ trợ các nạn nhân.
Indonesia thường xuyên đối mặt với tình trạng sạt lở đất trong mùa mưa. Ở một số khu vực, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do nạn phá rừng và mưa xối xả kéo dài gây lũ lụt. Giới chuyên gia cho rằng các thảm họa liên quan đến thời tiết ở quốc gia này đang trở nên tồi tệ hơn do tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, lũ lụt tại khu vực phía Nam huyện Banjar thuộc đảo Borneo của Indonesia đã nhấn chìm 17.000 ngôi nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân trong 1 tháng qua.
Tuần trước, quốc gia láng giềng Malaysia cũng vừa hứng chịu đợt mưa lớn và lũ lụt khiến gần 41.000 người phải sơ tán.
* Trong một diễn biến khác ngày 11/3, núi lửa Merapi ở Indonesia đã hoạt động trở lại, phun ra những cột khói và tro bụi cao tới 7 km lên bầu trời.
Thông báo của Cơ quan Quản lý thảm họa của Indonesia cho biết nham thạch từ núi lửa đã tạo thành dòng chảy dài 1,5 km. Cư dân sống gần núi đã được cảnh báo ngừng mọi hoạt động trong phạm vi bán kính 3-7 km từ miệng núi lửa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa ban bố lệnh sơ tán khẩn cấp.
Núi Merapi nằm ở vùng Yogyakarta, cao 2.963 m, là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh nhất ở Indonesia, hiện ở mức cảnh báo cao thứ hai. Lần gần đây nhất núi Merapi phun trào mạnh là vào năm 2010, làm hơn 350 người thiệt mạng.
Nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, Indonesia là đất nước có nhiều núi lửa nhất trên thế giới.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm