Thị trường hàng hóa
Chia sẻ tại The WISE Talk số thứ 03 với chủ đề: “Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo về đầu tư e-logistics trong khu vực Đông Nam Á?” sáng 20/7, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics cho biết, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh nhạy, cộng thêm đó là quy mô thị trường kinh tế số Việt Nam được dự báo khoảng trên 50 tỷ USD.
“Đây là tiềm năng lớn đối với thương mại điện tử và ngành logistics trong thương mại điện tử”, ông Hải khẳng định.
Nói đến các thách thức trong logistics nói chung và e-logistics nói riêng, một trong các khó khăn phải kể đến nhiều nhất là chi phí logistics. Một báo cáo về Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố hồi cuối năm ngoái cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP.
Ông Hải lý giải, chi phí logistics là tổng hợp của mảng trong đó có liên quan trước hết là vấn đề về hạ tầng. Theo đó, Việt Nam đã có hệ thống mạng lưới đường cao tốc phát triển rất nhanh và có thêm nhiều cảng, sân bay mới. “Tuy nhiên, tính kết nối giữa các hệ thống này vẫn còn là một vấn đề”, ông Hải chia sẻ và cho biết, sự lệ thuộc quá lớn vào vận tải đường bộ là một thách thức rất lớn trong vấn đề giảm chi phí logistics.
Yếu tố thứ hai được chuyên gia này chỉ ra là các vấn đề liên quan đến năng lực của các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp sản xuất cũng như các bên cung cấp dịch vụ. “Xét về tính chuyên nghiệp, khả năng đáp ứng các yêu cầu về mặt thời gian, về mặt hiệu suất, đây cũng là một câu chuyện”, ông Hải nói thêm.
Yếu tố thứ ba là các vấn đề về thủ tục, trong hoạt động logistics có liên quan đến cả các thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước ví dụ cơ quan Hải quan, tốc độ thông quan, tốc độ kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu… Đây cũng là các yếu tố gây tác động đến vấn đề chi phí.
Cục phó Cục Xuất Nhập khẩu cũng cho biết hiện nay công nghệ đã được ứng dụng rất nhiều trong các khâu và trong các chuỗi hoạt động của logistics. Ví dụ như đối với hoạt động vận tải, đã có các đơn vị phát triển những ứng dụng hay nền tảng để sử dụng chung phương tiện như xe tải, container, hoặc tối ưu hóa việc chia sẻ sử dụng không gian kho.
Hoặc trong lĩnh vực kho bãi, việc vận hành quản lý kho lớn, đặc biệt nhiều hàng hóa cũng đòi hỏi phần mềm quản lý kho thích hợp. Những công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo) đã được sử dụng nhằm giúp tự động hóa quá trình quản lý kho một cách chính xác hơn.
Trong những lĩnh vực khác như cung cấp dịch vụ công, cơ quan, hải quan, hoạt động quản lý nhà nước cũng sử dụng các phần mềm để thúc đẩy việc thông quan, quản lý chuyên ngành cũng được nhanh chóng thuận tiện hơn…
Ông Hải nhấn mạnh rằng việc ứng dụng được công nghệ vào trong hoạt động logistics sẽ giúp giảm bớt các chi phí. Cụ thể, khi ứng dụng tự động hóa nhiều hơn sẽ làm giảm bớt sự can thiệp của con người trong các khâu và chuỗi cung ứng logistics.
“Đặc biệt là trong hoạt động thương mại điện tử, với đặc thù là số lượng đơn hàng lớn và cần đi đến nhiều địa điểm khác nhau, việc xử lý tự động giúp cho tăng hiệu suất, giảm thời gian và tăng độ chính xác”, ông Hải chia sẻ. Chuyên gia này khẳng định, ứng dụng công nghệ như vậy không chỉ giúp giảm chi phí mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả, lợi nhuận về logistics trong thương mại điện tử.
Đặc biệt trong thương mại điện tử, sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn cũng tạo ra các bài toán lớn về chi phí mà nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ logistics cần phải giải. Ông Hải nhận định, các vùng nông thôn của Việt Nam có đặc thù là phạm vi địa lý rộng và mật độ dân cư thưa. Bên cạnh đó, tỷ lệ mua sắm chưa cao như thành phố nên người giao hàng phải di chuyển quãng đường khá dài.
“Yếu tố chi phí ở đây có thể không phải nằm ở tỷ lệ giao hàng thành công lần đầu tiên mà nằm ở quãng đường di chuyển”, ông Hải chia sẻ. Chẳng hạn, đơn hàng đầu tiên mà shipper phải giao có thể ở xã này, nhưng đến đơn thứ hai có thể là ở một xã khác, thậm chí ở một huyện khác.
“Quá trình vận chuyển đó có thể là rất xa. Điều này vừa làm mất thời gian vừa gây tốn kém về chi phí di chuyển. Đấy cũng là một yếu tố mà chúng ta cũng phải tính đến”, ông Hải nói thêm.
Chuyên gia này cũng cho biết, để giải các bài toán này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc một số doanh nghiệp liên kết với nhau có thể xây dựng những kho vệ tinh ở khu vực từng huyện hoặc một số huyện, từ đó giúp giảm thời gian mà người giao hàng phải luân chuyển quá xa.
“Đấy cũng là một giải pháp để giảm chi phí trong tương lai. Và nếu công nghệ phát triển hơn, việc sử dụng các giải pháp tự động giao hàng như drone (máy bay không người lái) cũng rất tốt vì sẽ giúp rút ngắn quá trình di chuyển và đặc biệt các công nghệ như vậy vẫn có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào địa hình, kể cả ở khu vực miền núi”, ông Hải nhận định.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới