Thị trường hàng hóa
Sự phục hồi sau phong tỏa của Trung Quốc đã diễn ra được vài tháng. Song, dù nền kinh tế có phục hồi vững chắc đến đâu, thì thế giới cũng mong đợi nhiều hơn từ một quốc gia từng là trung tâm của nền tài chính toàn cầu trong những thập kỷ trước Covid-19.
Mức tăng trưởng được báo cáo ngày 18/4 của Trung Quốc được cho là đáng nể, nhưng chưa đủ rực rỡ. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 4,5% trong quý đầu tiên so với năm trước. Điều đó vượt quá dự báo của hầu hết các nhà kinh tế. Đây cũng được coi là con số ấn tượng so với năm 2022.
Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, trong khi đầu tư bất động sản lại sa sút. Người tiêu dùng đã chi tiêu thoải mái, với doanh số bán lẻ tăng hơn 10%. Với tốc độ này, tăng trưởng sẽ đạt được mục tiêu chính thức là khoảng 5% trong năm nay. Song, nhiều chuyên gia nhận xét, mục tiêu này là chưa đủ tham vọng.
Trung Quốc đang tìm chỗ đứng trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Trung Quốc sẽ là quốc gia đóng góp hàng đầu cho GDP toàn cầu trong 5 năm tới.
Các chuyên gia nhận định, đây vẫn sẽ là những con số đáng ghen tị ở bất kỳ quốc gia nào khác. Suy thoái trong thời kỳ đại dịch là tình trạng hiếm đối với Trung Quốc. Trong khi thực tế, suy thoái từ lâu đã trở thành hiện thực gắn liền với đời sống kinh tế ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Nhiều người bày tỏ hy vọng rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ nhanh chóng rực rỡ trở lại sau khi các hạn chế trong đại dịch được dỡ bỏ. Trong một thế giới lý tưởng, Bắc Kinh sẽ có thể xoay sở để làm như vậy mà không khiến lạm phát tăng vọt.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 3. Thay vì tăng mạnh, giá tiêu dùng hầu như không “nhúc nhích”. Con số này tăng 0,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng đó đã khiến nhiều người kêu gọi cắt giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi.
Nếu Bắc Kinh có thể mở cửa và tăng cường hoạt động, thì triển vọng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Phần còn lại của châu Á háo hức chờ đợi sự nâng đỡ có thể mang lại cho khu vực. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á đã dự đoán một làn sóng quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc.
Khi Bắc Kinh mở cửa trở lại, các quốc gia lân cận được hưởng một số lợi ích kinh tế. Song, điều đó là chưa đủ để bù đắp cho bước chuyển biến bi quan trong nền kinh tế toàn cầu.
Morgan Stanley - ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Mỹ cho biết đã nhận thấy sự hồi sinh của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi tiêu dùng và những lợi ích phần lớn trong nước.
“Các nhà kinh tế toàn cầu của chúng tôi đã định lượng tác động lan tỏa của sự phục hồi nhờ dịch vụ của Trung Quốc. Đồng thời, nhận thấy rằng, mức tăng GDP toàn cầu ngoài Trung Quốc có thể chỉ bằng một nửa so với những gì đã đạt được trong lịch sử. Điều đó cho thấy, một nửa không phải là không có”, Morgan Stanley nhận định.
Các chuyên gia nhận định, đây là thời điểm để Trung Quốc khắc phục những điểm không hoàn hảo trong quá trình phục hồi. Trước Covid-19, GDP của Trung Quốc đã không giảm trong nhiều thập kỷ.
Theo các chuyên gia, thật tốt khi chứng kiến sự trở lại của Trung Quốc. Song, việc đặt kỳ vọng nhiều hơn cho sự phục hồi này là hoàn toàn có cơ sở.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm