Thị trường hàng hóa
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga làm tình trạng bất ổn tại các quốc gia ngày càng trầm trọng hơn. Các sự kiện trên đã gây áp lực suy giảm kinh tế toàn cầu và tăng áp lực lạm phát đối với các quốc gia. Ngân hàng Trung ương (NHTW) của các quốc gia cũng đã có động thái siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Một trong những động thái này là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã nâng lãi suất cơ bản khiến cho giá trị đồng USD tăng so với các ngoại tệ khác.
Tại Việt Nam, nhằm mục tiêu hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và kiểm soát lạm phát, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, thận trọng, NHNN duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân. Với các biện pháp trên, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong hai quý đầu năm 2022. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, nền kinh tế vẫn sẽ chịu các thách thức lớn từ các yếu tố vĩ mô.
Trong bối cảnh trên, để mang đến những góc nhìn đa chiều về tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 và đưa ra những dự báo cho nền kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022, ngày 14/7/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo kinh tế vĩ mô thường niên năm 2022 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu bình thường mới của xung đột Nga - Ukraine: Hướng đi nào cho bất động sản và thị trường chứng khoán”.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi của các chuyên gia hàng đầu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính,... Các chuyên gia và diễn giả tham gia Hội thảo gồm: GS., TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế - Đồng Chủ tịch Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý (CFVG); PGS., TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Đại biểu Quốc hội; ông Nguyễn Đức Long - Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, NHNN; TS. Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh - Đại biểu Quốc hội; GS., TS. Võ Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; PGS., TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách công, Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bất động sản, một số doanh nghiệp; đông đảo các nhà khoa học thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện một số cơ quan báo chí trong và ngoài ngành Ngân hàng. Về phía Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có PGS., TS. Đoàn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Trường, các nhà quản lý, nhà khoa học của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. PGS., TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc và điều hành Hội thảo.
Hội thảo gồm 02 phiên thảo luận chính: Phiên 1: Phân tích xung đột Nga - Ukraine tác động đến kinh tế Việt Nam; Phiên 2: Thị trường bất động sản - chứng khoán trong bối cảnh mới với một số nội dung nổi bật như: Phân tích tác động của xung đột Nga - Ukraine đến nền kinh tế Việt Nam; thực hiện dự báo các biến vĩ mô quan trọng của nền kinh tế như tăng trưởng, lạm phát, lãi suất, tỷ giá và dự báo thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản; đưa ra dự báo cho nền kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2022.
Đánh giá về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu bình thường mới của xung đột Nga - Ukraine, tại Hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong hai quý đầu năm 2022, với tăng trưởng GDP là 6,42%, cao hơn so với cùng kỳ hai năm trước (năm 2021 tăng 5,74%, năm 2020 tăng 2,04%). Sự phục hồi diễn ra ở tất cả các khu vực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%); khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%). Trong 11 lĩnh vực chính, hầu hết đều tăng trưởng, trừ giáo dục và bưu chính viễn thông. Dù vậy, ở nửa cuối năm nền kinh tế vẫn khó đoán trước do chịu thách thức lớn từ xung đột Nga - Ukraine, khiến các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khi bước sang mùa đông và Nga bắt đầu siết chặt nguồn cung khí đốt. Áp lực lạm phát tiếp tục tăng trên phạm vi toàn cầu. Áp lực trả nợ đến hạn trong năm 2022 khá cao khiến nhu cầu huy động vốn trái phiếu nửa cuối năm cao, trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng thương mại không còn dồi dào...
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trước diễn biến tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có rất nhiều biến động, gây áp lực đến kinh tế Việt Nam, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Kinh tế trong nước phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm 2022, PGS., TS. Nguyễn Đức Trung cho rằng, việc nới giới hạn tăng trưởng tín dụng là cần thiết nhưng cần làm từ từ, không ồ ạt vì sẽ gây rủi ro. NHNN nên đưa ra kịch bản trong trường hợp chấp nhận lạm phát tăng cao hơn so với mục tiêu đề ra để có thể thực hiện điều hành lãi suất trong dài hạn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào diễn biến giá năng lượng. Trong kịch bản giá dầu Brent dao động từ 100 - 120 USD/thùng, áp lực lạm phát sẽ xuống thấp hơn. Tuy nhiên, nếu xung đột Nga - Ukraine trở nên căng thẳng hơn thì giá dầu có thể tăng lên trên 120 USD/thùng, kịch bản xấu cho nền kinh tế. Năm 2021 có phân vùng dịch theo màu, thì hiện màu sắc cũng biểu thị mức độ lạm phát lên nền kinh tế. Trong đó nhóm đỏ (trên 8%) gồm Anh, Hoa Kỳ, EU, Nga, Ukraine..., riêng Lào, Sri Lanka trên 20%. Nhóm màu cam (7 - 8%) rơi vào Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia. Nhóm vàng (5 - 6%) gồm Hàn Quốc, Philippines, Singapore. Nhóm xanh (dưới 5%) thuộc về Trung Quốc, Nhật, Malaysia, Indonesia, Việt Nam... Việt Nam không phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu vì thế giúp lạm phát vẫn nằm trong vùng xanh, tuy nhiên, chỉ số lạm phát lại bị tác động tiêu cực do giá dầu tăng cao. Do đó, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, chưa đến lúc phải mạnh tay thắt chặt tiền tệ mà cần linh hoạt gắn với diễn biến thực tế tình hình trong nước và thế giới.
GS., TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế nhận định, hậu Covid-19 xuất hiện hàng loạt dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới thụt lùi. Trong bối cảnh u ám, nền kinh tế Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng, cần chớp lấy cơ hội hiếm có này. Dù vậy, hiện nay nhiều ngành nghề của nền kinh tế vẫn chưa phát triển hết tiềm năng, người lao động chính là đầu vào của tăng trưởng kinh tế lại chưa được quan tâm đúng mức và chưa có quyết sách kịp thời. Mặc dù thời gian qua Chính phủ có đưa ra nhiều gói hỗ trợ, chương trình phục hồi kinh tế, nhưng cơ cấu hỗ trợ người lao động không đáng kể, gói cứu trợ dành cho doanh nghiệp đào tạo nhân sự hậu đại dịch "gần như không giải ngân được". Gói hỗ trợ an sinh xã hội, giúp người lao động trong tiền thuê nhà, xây nhà ở cho công nhân… có tỷ lệ giải ngân thấp.
Theo PGS., TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay cần quan tâm quản trị khủng hoảng để ổn định vĩ mô từ nay đến cuối năm; cần giải quyết bài toán dài hạn như đứt gãy chuỗi cung ứng; tránh phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Đặc biệt, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, giải quyết các tắc nghẽn về đầu tư công, đồng thời giải quyết bài toán phân bổ nguồn lực về vốn, ngân sách, tài sản công. Chính phủ cần hỗ trợ giá xăng dầu để không gây hiệu ứng domino lạm phát đến giá cả các hàng hóa khác… Về điều hành chính sách tiền tệ, PGS., TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh chung hiện nay, NHNN đang gặp nhiều thách thức trong điều hành, nên cần linh hoạt và thận trọng.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine vẫn còn tiếp tục và khó đoán trước. Xung đột kéo dài có thể khiến các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề hơn khi bước sang mùa đông và Nga bắt đầu siết chặt nguồn cung khí đốt. Áp lực lạm phát vẫn tiếp tục tăng trên phạm vi toàn cầu. Điều này sẽ khiến các NHTW sẽ phải tiếp tục quá trình tăng lãi suất để chống lạm phát. Động thái trên sẽ gây áp lực tăng giá đối với các đồng tiền ngoại tệ mạnh. Trong khi đó, việc giữ nguyên lãi suất điều hành, và nguồn cung USD từ thặng dư thương mại có xu hướng giảm, sẽ gây áp lực lên tỷ giá VND/USD; Áp lực trả nợ đến hạn trong năm 2022 khá cao khiến nhu cầu huy động vốn trái phiếu 6 tháng cuối năm 2022 sẽ cao trong bối cảnh thanh khoản các ngân hàng thương mại không còn dồi dào như trước. Vì vậy, để kiểm soát lạm phát, tận dụng cơ hội thúc đẩy nền kinh tế, cần nghiên cứu nới room tín dụng cho doanh nghiệp tiếp cận gói vay phát triển kinh doanh, tăng giải ngân đầu tư công, chăm lo người lao động tốt hơn.
Tại Hội thảo, các chuyên gia nhìn nhận cơ hội cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn bởi thị trường đã giảm quá sâu, nhiều cổ phiếu đã thấp ngang, thậm chí thấp hơn giá trị sổ sách.
TS. Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, về giải ngân đầu tư công, mặc dù 6 tháng đầu năm 2022, cả nước chỉ giải ngân được 35,3% kế hoạch năm nhưng theo kinh nghiệm, nửa cuối năm con số này có thể tăng mạnh.
Theo GS., TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, yếu tố chính của thị trường chứng khoán là giá trị doanh nghiệp và kỳ vọng tương lai. Hiện đầu tư công chậm giải ngân, các nhà đầu tư lớn chưa vào trong khi Chính phủ và người dân quan tâm nhiều đến lạm phát, suy thoái, lãi suất tăng thì sẽ là giai đoạn khó khăn cho thị trường chứng khoán.
Ông Lê Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS), cho rằng, các mã chứng khoán ngành tài chính - ngân hàng đang thực sự hấp dẫn. Nhiều cổ phiếu chứng khoán ngân hàng thị giá đã ngang giá trị sổ sách nên đây là cơ hội để tích lũy tài sản chứng khoán hợp lý.
Theo nghiên cứu của PGS., TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng phụ trách, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc trong quý 2/2022, với mức giảm lũy kế từ đầu năm đến hơn 20%, bởi những ảnh hưởng tiêu cực chung từ thị trường chứng khoán toàn cầu trước những rủi ro tiền tệ và suy thoái kinh tế tiềm năng. Tuy nhiên, xu hướng giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được đóng góp từ dòng tiền đầu cơ lớn từ các nhà đầu tư trong giai đoạn trước. Sự rút đi của các nhà đầu tư tổ chức trong thời gian qua cũng khiến cho thị trường mất đi điểm tựa trước giai đoạn giá giảm mạnh khi bất ổn về kinh tế toàn cầu.
Một điểm tích cực là hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục đà phục hồi sau dịch. Trọng tâm hoạt động phục hồi chủ yếu xoay quanh hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản và gần đây là các doanh nghiệp năng lượng. Việc giá dầu liên tục lập đỉnh và khả năng sẽ tiếp tục tăng trước những căng thẳng xung đột Nga - Ukraine leo thang đã khiến cho các doanh nghiệp ngành năng lượng gia tăng tích lũy hàng tồn kho nhằm góp phần cải thiện biên lợi nhuận hoạt động.
Trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì ổn định, do đó, động lực tăng trong dài hạn cho thị trường chứng khoán vẫn còn rất lớn. Thị trường có thể phục hồi về mốc 1.350 - 1.400 điểm, tương ứng mức P/E 14,5 - 15 lần, bằng các thị trường chứng khoán trong khu vực. Trong ngắn hạn, thị trường vẫn có thể biến động ngắn hạn trước những diễn biến khó lường từ các sự kiện địa chính trị cũng nhưng các hoạt động thanh lọc thị trường sẽ tiếp tục diễn ra. Thị trường hiện nay thuận lợi cho các nhà đầu tư dài hạn với thời gian nắm giữ từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần am hiểu đặc thù các ngành nghề để đưa ra các quyết định khác nhau trong từng giai đoạn cụ thể.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường chứng khoán khá ảm đạm theo mặt bằng chung của thế giới, thanh khoản thị trường giảm mạnh. Về tổng thể có rất nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân từ bên ngoài như yếu tố lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới hay là vấn đề các NHTW thắt chặt tiền tệ. Nguyên nhân chính vẫn là vấn đề dư nợ trên thị trường tài sản. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các kênh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ, dòng tiền không chảy vào kênh hoạt động sản xuất kinh doanh, mà đã chảy vào thị trường tài sản, trong đó có chứng khoán và bất động sản. Năm 2020 và năm 2021 là năm thăng hoa của thị trường chứng khoán và bất động sản. Đến năm 2022, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, dòng tiền tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư cũng như quỹ đất hạn chế. Thị trường bất động sản đã có nhiều biến động, nguồn cung không quá nhiều, khan hiếm đặc biệt tại phân khúc nhà ở bình dân. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp địa ốc thời điểm hiện tại là nguồn vốn. Dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm 2022 tới nay rất hạn chế, khi cả tín dụng ngân hàng lẫn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, kênh huy động từ người mua nhà và các quỹ đầu tư cũng gặp khó khăn.
Tuy có những khó khăn ở giai đoạn trước mắt nhưng theo các chuyên gia, những thời điểm kinh tế vĩ mô có biến cố, thị trường chứng khoán trầm lắng chính là cơ hội cho nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Trước câu hỏi đặt ra là có cần các chính sách mở rộng cung tín dụng để thị trường tài sản có cơ hội nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng? Tại Hội thảo, các chuyên gia đã phân tích và đồng quan điểm rằng, không nên mở rộng cung tín dụng quá nhiều vì điều đó sẽ gây bất ổn về vĩ mô, các chính sách của Chính phủ và NHNN cần hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm