Thị trường hàng hóa

  • Vàng 2,007.50 +11.50 +0.58%
  • XAU/USD 1,998.53 +9.13 +0.46%
  • Bạc 25.317 +0.246 +0.98%
  • Đồng 3.8457 -0.0158 -0.41%
  • Platin 1,112.70 +6.70 +0.61%
  • Paladi 1,513.28 +4.88 +0.32%
  • Dầu Thô WTI 74.55 +0.25 +0.34%
  • Dầu Brent 78.06 +0.34 +0.44%
  • Khí Tự nhiên 2.311 +0.006 +0.26%
  • Dầu Nhiên liệu 2.3770 +0.0078 +0.33%
  • Xăng RBOB 2.5190 +0.0065 +0.26%
  • Dầu khí London 693.00 +1.62 +0.23%
  • Nhôm 2,312.00 -15.00 -0.64%
  • Kẽm 2,602.00 -43.00 -1.63%
  • Ni-ken 23,721.00 +75.00 +0.32%
  • Copper 8,492.50 -60.00 -0.70%
  • Lúa mì Hoa Kỳ 634.60 -6.40 -1.00%
  • Thóc 17.030 -0.040 -0.23%
  • Bắp Hoa Kỳ 597.00 -3.00 -0.50%
  • Đậu nành Hoa Kỳ 1,409.50 -4.50 -0.32%
  • Dầu Đậu nành Hoa Kỳ 51.78 -0.72 -1.37%
  • Khô Đậu nành Hoa Kỳ 425.55 -1.85 -0.43%
  • Cotton Hoa Kỳ loại 2 78.62 +0.26 +0.33%
  • Ca Cao Hoa Kỳ 2,947.50 -2.50 -0.08%
  • Cà phê Hoa Kỳ loại C 188.80 -2.80 -1.46%
  • Cà phê London 2,382.00 -143.00 -5.66%
  • Đường Hoa Kỳ loại 11 26.66 +0.15 +0.57%
  • Nước Cam 269.85 -10.00 -3.57%
  • Bê 174.45 +0.15 +0.09%
  • Heo nạc 78.40 +1.52 +1.98%
  • Bê đực non 233.70 +4.38 +1.91%
  • Gỗ 348.00 -15.70 -4.32%
  • Yến mạch 327.90 +0.60 +0.18%
14:10 21/07/2022

Kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả

Ngày 19/7/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia về dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo.

Ngày 19/7/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia về dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phương cho biết, sau quá trình phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và trên cơ sở các nội dung của Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã báo cáo Chính phủ vào tháng 4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo Báo cáo hiện đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và xin ý kiến rộng rãi.

7 vướng mắc trong tổ chức không gian phát triển đất nước

TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc trong phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020.

Thứ nhất, không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình. Các tỉnh, thành phố tập trung phát triển trong địa giới hành chính, ít phối hợp với các tỉnh lân cận để phát huy lợi thế nhờ quy mô. Các địa phương đều quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng quy mô lớn như cảng biển, sân bay dẫn đến đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng thấp.

"Một số địa phương phát triển theo phong trào, không dựa trên các lợi thế so sánh, thiếu tầm nhìn dài hạn, nhất là trong xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch… dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, khó thu hút đầu tư", ông Quang cho hay.

Thứ hai, đó là đầu tư phát triển dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ nét các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hiện nay, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 27,5% diện tích, 53,1% dân số cả nước.

"Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, chưa được đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nên các vùng KTTĐ chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng KTTĐ có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước", TS. Trần Hồng Quang nêu rõ.

Trong giai đoạn 2011-2020, vùng KTTĐ miền Trung và vùng KTTĐ vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Riêng vùng KTTĐ phía Nam không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như các giai đoạn trước đây.

Năm 2020, có 14 địa phương thuộc các vùng KTTĐ là Hưng Yên, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, Bình Phước, Hải Dương, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế và An Giang có GRDP/người thấp hơn mức trung bình cả nước.

Thứ ba là chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng chưa đồng bộ. Nhiều đoạn trên trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam chưa được xây dựng. Chất lượng kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt hầu hết là lạc hậu, chắp vá, chưa được vào cấp kỹ thuật, tốc độ khai thác lớn nhất 100 km/h về khách; 60 km/h về hàng.

Hiện nay cả nước có 22 cảng hàng không, theo tiêu chuẩn phân cấp của ICAO, có 08 các cảng hàng không quốc tế đạt cấp 4E, các cảng hàng không còn lại có quy mô từ cấp 3C đến cấp 4D, phần lớn cảng hàng không nội địa chỉ có khả năng tiếp thu tàu bay A320/A321 và tương đương.

Cả nước có 47 cảng biển, trong đó có 02 cảng biển loại đặc biệt, 12 cảng biển loại I, 20 cảng biển loại II.

"Chức năng vai trò của các cảng trong hệ thống cảng biển chưa được phân định rõ, còn dàn trải, thiếu tập trung. Một số cảng lớn quá tải, trong khi đó một số cảng khai thác chưa hết công suất; thiếu đồng bộ giữa luồng vào cảng và hệ thống giao thông kết nối. Thiếu các cảng biển du lịch chuyên dụng làm giảm khả năng đón nhận các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn", ông Quang phân tích.

Điều đáng lưu ý, theo TS. Trần Hồng Quang chỉ rõ, hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế, đặc biệt là kết nối giữa đường bộ với các đầu mối vận tải, phương thức vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và ngược lại, kết nối giữa đường sắt với các cảng biển gần như bị triệt tiêu.

Kết nối giao thông tại cửa ngõ các đô thị lớn (Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), kết nối tới các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, cửa khẩu còn hạn chế. Chậm triển khai các tuyến cao tốc quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các khu vực: TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Chậm hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng phù hợp với đặc thù và yêu cầu phát triển của từng vùng.

Hạ tầng năng lượng còn thiếu đồng bộ, kết nối và truyền tải điện tại một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu; một số dự án điện quan trọng chậm tiến độ, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng thay thế còn bất cập.

Đầu tư các công trình hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu còn chậm. Hạ tầng công nghệ thông tin ở một số địa phương chưa đồng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia cho phát triển chính phủ điện tử triển khai chậm và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin chưa cao.

Một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư. Chưa hoàn thành xây dựng một số bảo tàng, trường quay, nhà hát quốc gia; trung tâm huấn luyện thể thao, khu liên hợp thể thao quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, trung tâm thể thao vùng. Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến Trung ương phân bố chưa đều giữa các vùng, hiện tập trung chủ yếu ở Vùng Đồng bằng sông Hồng (20 bệnh viện), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (8 bệnh viện); vùng Tây Nguyên hiện chưa có bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến Trung ương đóng trên địa bàn và toàn vùng có duy nhất 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng 1.

Đầu tư xây dựng các đại học quốc gia, trường đại học xuất sắc, trọng điểm còn chậm, dàn trải. Phân bố các cơ sở giáo dục đại học chưa hợp lý.

Thứ tư, hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, đô thị hóa chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả, chất lượng đô thị chưa cao, tác động lan tỏa của khu vực đô thị còn hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực và thế giới, chênh lệch cao giữa các vùng miền. Một số vùng có tỷ lệ đô thị hóa thấp, như: tỷ lệ đô thị hóa vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 20,1%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 25,9% năm 2020. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

Hệ thống đô thị phân bố và phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng. Tập trung phát triển quá mức vào Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; nhiều đô thị trung tâm vùng, trung tâm tỉnh chưa phát triển tương xứng. Các đô thị nhỏ và trung bình còn thiếu động lực phát triển kinh tế đô thị.

Tác động lan tỏa của đô thị đến khu vực nông thôn còn hạn chế, liên kết đô thị - nông thôn còn yếu. Quá trình đô thị hóa chưa đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cụ thể trong việc hình thành và phát triển đô thị, các khu đô thị gắn với xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

TS. Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Thứ năm, chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch… còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Trên địa bàn cả nước hiện chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch… còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, cạnh tranh lẫn nhau, chưa tạo thành các cụm liên kết ngành lớn, chưa gắn kết chặt chẽ với hình thành, phát triển các đô thị mới, khu đô thị mới.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước đã thành lập 18 khu kinh tế (KKT) ven biển trên tổng số 28 địa phương ven biển. Tại khu vực ven biển miền Trung, trên địa bàn hầu hết các địa phương từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, trừ thành phố Đà Nẵng, đều có một KKT ven biển. Số lượng các KKT ven biển được thành lập nhiều dẫn đếnđầu tư dàn trải; vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn hạn chế; việc triển khai xây dựng các KKT bị chậm, thu hút đầu tư và phát triển các khu kinh tế chưa như mong muốn. Các cơ chế, chính sách đã ban hành cho các KKT chưa vượt trội các nơi khác. Các KKT đều có các định hướng giống nhau như xây dựng cảng biển nước sâu và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, nhiệt điện, đóng tàu... dẫn đến sự lãng phí, chồng chéo và sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Hiện nay cả nước đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn 21 tỉnh biên giới, trong đó giáp biên giới với Trung Quốc có 9 khu, giáp biên giới với Lào có 8 khu và giáp biên giới Campuchia có 9 khu. Do vị trí địa lý nằm ở khu vực biên giới, xa các trung tâm kinh tế lớn, dân cư thưa thớt, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, khu vực biên giới nước bạn kém phát triển nên việc thu hút đầu tư vào các KKT cửa khẩu còn gặp khó khăn, chưa phát huy vai trò của mình trong việc phát triển kinh tế và giao thương hàng hóa, chưa trở thành vùng động lực của tỉnh cũng như trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng.

Trong thời gian qua, các khu công nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa chú trọng nâng cao hiệu quả và đổi mới mô hình phát triển, thiếu hạ tầng xã hội như nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động. Phân bố phát triển hệ thống khu công nghiệp còn mang tính cục bộ, theo địa giới hành chính, thiếu gắn kết với việc hình thành các trung tâm công nghiệp lớn, cụm liên kết ngành công nghiệp (Industrial Clusters) của quốc gia theo vùng và liên vùng. Phân bố không gian nhiều khu công nghiệp còn thiếu hợp lý, mang tính trước mắt, tập trung quá mức tại những khu vực kề cận các đô thị, khu vực ven biển dẫn đến quá sức chứa của đô thị và quá tải mạng lưới kết cấu hạ tầng.

Tổ chức không gian du lịch, phân bố các khu du lịch vẫn chưa hợp lý. Chưa thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển các khu du lịch xứng tầm nên nhiều khu còn hoạt động chưa hiệu quả, sản phẩm còn trùng lặp, thiếu đặc sắc.

Thứ sáu, ô nhiễm môi trường liên tỉnh, nhất là ô nhiễm lưu vực sông chậm được khắc phục, ô nhiễm trên biển diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường mang tính liên tỉnh còn tồn tại, có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, điển hình như ô nhiễm nước mặt các lưu vực sông, đặc biệt là sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai - Sài Gòn.

Thứ bảy, công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Hạ tầng thủy lợi thiếu đồng bộ, nhiều công trình xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời. Hệ thống đê lớn phần lớn hình thành lâu đời, đắp bằng đất, dưới tác động của mưa, lũ, bão, thường xuyên bị hư hỏng. Việc quy hoạch, quản lý, điều hành một số dự án thủy điện chưa tốt, ảnh hưởng xấu tới môi trường, nguồn nước, sản xuất và đời sống của người dân. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển còn diễn biến phức tạp, khắc phục còn chậm. Xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

6 điểm nghẽn cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch mới 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các hạn chế, yếu kém trong quy hoạch và tổ chức không gian phát triển đất nước thời kỳ vừa qua, TS. Trần Hồng Quang chỉ rõ, các điểm nghẽn cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch bao gồm:

(1) Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khả năng kết nối các phương thức vận tải còn hạn chế, chưa hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không cửa ngõ Long Thành, chưa xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một số cao tốc vùng chậm được triển khai (Nội Bài - Hạ Long, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương…), mật độ đường cao tốc khu vực Nam Bộ thấp, kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long chậm phát triển...

(2) Liên kết phát triển, liên kết vùng còn hạn chế, chưa thực chất, các địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình; các vành đai vùng, đô thị vệ tinh, khu đô thị lớn chậm triển khai, đặc biệt tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

(3) Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm quá dàn trải, một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy vai trò động lực.

(4) Chậm mở rộng không gian phát triển cho vùng Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh; nhiều dự án đầu tư ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội còn sử dụng nhiều lao động và đất đai; các đô thị trung tâm vùng, trung tâm tỉnh phát triển chưa cân xứng.

(5) Hệ thống khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu quá nhiều, thiếu hiệu quả, chưa đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư.

(6) Chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn mang tầm khu vực, quốc tế; hệ thống thể chế, nhất là thể chế về tiền tệ chưa bảo đảm hỗ trợ hình thành và phát triển các trung tâm tài chính.

Quy hoạch tổng thể 2021-2030: Kiến tạo không gian phát triển

Về mục tiêu phát triển, ông Quang cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ: “Kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhậptrung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ông Quang cũng lý giải rằng, trong khi các nguồn lực phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển.

Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đạt được 4 mục tiêu, bao gồm: Một là, nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ. Hai là, kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia. Ba là, kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế. Bốn là, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hoá thiên nhiên.

Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là quy mô dân số khoảng 105 triệu người; năm 2050 khoảng 115 triệu người; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030; khoảng 6,5-7%/năm giai đoạn 2031-2050.

GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người. Tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2030 đạt trên 50% và đến năm 2050 đạt từ 70-80%...

Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; đến năm 2050 có trên 9.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành đường sắt cao tốc. Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt 32m2…

Trong thời kỳ quy hoạch định hướng tập trung hình thành và phát triển: Các hành lang kinh tế; Các vùng động lực (của quốc gia và của các vùng kinh tế - xã hội) và đô thị động lực; Các khu kinh tế; Bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030: Bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đặt mục tiêu hoàn thành dự thảo trong tháng 8/2022, để trình Hội đồng thẩm định.

"Nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia (bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời) một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn với sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế hiệu quả", Thứ trưởng chỉ rõ.

Góp ý để bản thảo hoàn thiện và đổi mới hơn nữa 

Đánh giá cao dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, nhưng một số chuyên gia đồng quan điểm rằng, cần phân tích rõ hơn vai trò của kinh tế biển.

Góp ý bản dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần 1, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, dự thảo đã đánh giá toàn diện về các điều kiện phát triển về tài nguyên như: Tài nguyên đất, nước, khí hậu, khoáng sản, tài nguyên về năng lượng, cũng như các tài nguyên về xã hội như dân số, nguồn nhân lực… Đây là các nguồn lực cho sự phát triển của nền kinh tế và toàn xã hội, đó cũng là lợi thế phát triển của mỗi nước. Việc đánh giá đúng nguồn lực và hiện trạng phát triển của quốc gia và những tồn tại sẽ là cơ sở để đề ra các giải pháp phát triển cho giai đoạn tới.

Tuy nhiên, theo PGS, TS. Vũ Năng Dũng - Hội Khoa học Đất Việt Nam, đây là bản quy hoạch khó, lần đầu tiên tích hợp, nên không trách khỏi những tồn tại cần tiếp tục được hoàn thiện. Trên cơ sở đó, góp ý hoàn thiện dự thảo, ông Vũ Năng Dũng cho rằng, trong lợi thế và thách thức phát triển cần phân tích kỹ hơn vị trí, vai trò của kinh tế biển đảo, du lịch, môi trường biển như thế nào? Vì hiện môi trường biển đang bị tổn thương rất nhiều và chất lượng môi trường biển cũng đang suy giảm nhiều.

Cũng liên quan đến kinh tế biển, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) chỉ rõ, Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói về kinh tế biển nhưng chưa nhiều, và cũng không nhắc nhiều đến kinh tế rừng. Trong khi đó, kinh tế rừng và kinh tế biển là 2 thế mạnh rất lớn của Việt Nam, nên cần tập trung làm rõ hơn vấn đề này trong những bản dự thảo sau.

Còn TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam thì góp ý rằng, chúng ta chỉ nên quy hoạch những gì mà Nhà nước phải làm, còn những gì người dân có thể làm được, thì không nên quy hoạch.

"Chúng ta không nên quy hoạch về ý chí", ông Quân nhấn mạnh và dẫn chứng rằng, quy hoạch 1 tỉnh bao nhiêu diện tích, bao nhiêu dân, nhưng tỉnh nghèo quá, bão lũ, người dân họ phải di cư. Vì thế, nếu Nhà nước chăm lo để bảo vệ họ, thì hẵng quy hoạch như vậy.

Ông Quân cũng đề xuất rằng, chỉ cần Quy hoạch tổng thể quốc gia và 6 quy hoạch ngành chính là các quy hoạch cứng, chứ không cần đến 37 ngành như hiện nay.

"Khi xây dựng và thông qua các quy hoạch, tôi nghĩ cần đưa 3 vấn đề vào: Đầu tiên là tính pháp lý, để kiểm điểm sau 5 năm thế nào? Thứ hai là tính ổn định, đã là quy hoạch mà điều chỉnh liên tục thì không gọi là quy hoạch nữa, chúng ta cần quy định các trường hợp được điều chỉnh, khi nào điều chỉnh và thời gian nào điều chỉnh. Thứ ba là cố gắng ngắn gọn, rõ ràng, khả thi, chủ yếu là khung thôi. Có thể đưa các giới hạn dưới, một số trường hợp là giới hạn trên, để tăng tính khả thi của Quy hoạch", ông Quân lưu ý.

Trước những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, với vai trò Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, tháng 10/2022 Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trình Quốc hội, nhưng trước khi trình Quốc hội thì phải trình Hội đồng thẩm định và nhiều cấp thông qua.

“Thời gian rất gấp, nên chúng tôi sẽ rà soát lại ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Hy vọng, bản dự thảo 2 sẽ hoàn thiện hơn”, TS. Cao Viết Sinh cho biết.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược, tổng hợp và khái quát cao, đồng thời bao quát nhiều ngành, lĩnh vực theo Luật Quy hoạch. Vì vậy, quy trình xây dựng đòi hỏi sự tham của nhiều ngành, lĩnh vực.

Để đảm bảo tiến độ xây dựng dự thảo, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Viện Chiến lược phát triển và Ban soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu, trong đó xây dựng đa dạng các báo cáo như báo cáo tóm tắt, báo cáo thuyết minh để trình các cấp, ban, ngành liên quan. Thứ trưởng Phương đặt mục tiêu, trong tháng 8/2022, hoàn thành dự thảo để trình Hội đồng thẩm định.

"Đây là quy hoạch cao nhất, nên cần mang tính định hướng và gợi mở cho các quy hoạch cấp thấp hơn dựa vào điều chỉnh. Ngoài ra, quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần được cập nhật những diễn biến mới của tình hình quốc tế, trong nước", Thứ trưởng Phương lưu ý./.

"Khi xây dựng và thông qua các quy hoạch, tôi nghĩ cần đưa 3 vấn đề vào: Đầu tiên là tính pháp lý, để kiểm điểm sau 5 năm thế nào? Thứ hai là tính ổn định, đã là quy hoạch mà điều chỉnh liên tục thì không gọi là quy hoạch. Chúng ta cần quy định các trường hợp được điều chỉnh, khi nào điều chỉnh và thời gian nào điều chỉnh. Thứ ba là cố gắng ngắn gọn, rõ ràng, khả thi, chủ yếu là khung thôi", TS. Nguyễn Quân chia sẻ quan điểm.

Xem nhiều

Đọc thêm

Xem thêm