Thị trường hàng hóa
Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ vừa công bố báo cáo tài chính đạt doanh thu kỷ lục 100,3 tỷ USD trong năm 2022, trong đó hơn một nửa đến từ việc bán vắc-xin ngừa Covid-19 và thuốc kháng virus Paxlovid.
Sau thời gian gặt hái doanh thu nhờ gói mua khổng lồ từ các chính phủ trên khắp thế giới, Pfizer dự kiến thương mại hóa sản phẩm vắc-xin ngừa Covid-19 nổi tiếng của mình vào cuối năm nay để bán cho các công ty.
Tuy nhiên, thời hoàng kim có vẻ sắp qua đi khi hãng này dự kiến chỉ thu về 13,5 tỷ USD từ vắc-xin và 8 tỷ USD từ thuốc kháng virus Covid-19 trong năm 2023, do Chính phủ Mỹ sắp ngừng gói tài chính mua vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, cũng như số người muốn tiêm vắc-xin ít hơn so với cao điểm dịch trước đây.
Trong cuộc trao đổi về thu nhập quý IV/2022, các giám đốc điều hành của Pfizer cho biết, họ dự đoán doanh số bán vắc-xin Covid-19 năm 2023 sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân được cho là ước tính chỉ có 24% dân số Mỹ sẽ tiêm vắc-xin Covid-19 trong năm nay, giảm từ 31% vào năm 2022.
Theo ông Albert Bourla, Giám đốc Điều hành của Pfizer, phần lớn những người sẽ tiêm vắc-xin nhắc lại nhiều hơn một lần mỗi năm sẽ chỉ là những người lớn tuổi hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao.
Pfizer dự kiến sẽ chiếm khoảng 2/3 số vắc-xin ngừa Covid-19 trên thị trường thế giới, trong khi ông Bourla ước tính cụ thể khoảng 102 triệu mũi vắc-xin của hãng sẽ được phân phối trong năm nay.
Các giám đốc điều hành của Pfizer không đề cập đến việc họ sẽ định giá bao nhiêu đối với các sản phẩm ngừa Covid-19 trên thị trường thương mại. Tuy nhiên, trước đó, hãng từng tuyên bố rằng giá vắc-xin sẽ nằm trong khoảng 100 - 130 USD/mũi. Moderna, công ty cũng sản xuất vắc-xin Covid-19 công nghệ mRNA tương tự Pfizer, cũng cho biết mức giá từ 110 - 130 USD/mũi.
Vài tuần trước, Ủy ban Cố vấn về Vắc-xin và Sản phẩm Sinh học Liên quan của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Mỹ (FDA) đã thảo luận về các bước cần thực hiện đối với phác đồ vắc-xin Covid-19 đơn giản hóa. Theo đó, cơ quan này hướng tới mô hình kiểm soát Covid-19 hàng năm tương tự như cách tiêm phòng cúm.
Một trong những quyết định liên quan trực tiếp đến doanh thu của Pfizer trong năm nay là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/1 tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHE) do Covid-19 vào ngày 11/5, sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp phòng dịch sâu rộng trên toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh.
Sau khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt, các chi phí vắc-xin, một số loại xét nghiệm và một số phương pháp điều trị Covid-19 sẽ được chuyển sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ, trong khi người không có bảo hiểm sẽ phải thanh toán toàn bộ những chi phí đó. Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ vắc-xin của Pfizer nói riêng và các hãng dược nói chung.
Trước đó, kể từ năm 2021, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cục diện ngành sản xuất vắc-xin của thế giới. Đại dịch lịch sử này trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các hãng dược phẩm như Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson do nhu cầu về vắc-xin ngừa Covid-19 tăng vọt. Các hãng này trước đây chỉ chấp nhận bán vắc-xin cho các chính phủ đặt mua và không làm việc với các công ty phân phối do cầu vượt cung.
Nhưng với việc Covid-19 đang dần trở thành căn bệnh thông thường như hiện nay, năm 2022 có thể là năm cuối cùng mà các hãng dược như Pfizer còn kiếm bộn tiền nhờ vắc-xin và thuốc chữa Covid-19.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm