Thị trường hàng hóa
Theo Reuters, thức uống và những món tráng miệng đắt đỏ đang trở thành thứ “hàng hiệu” mới nhất ở Trung Quốc. Khi tình yêu dành cho hàng xa xỉ vơi bớt vì kinh tế khó khăn, những cốc kem và bia có giá hàng trăm tệ trở thành thứ mà nhiều người Trung Quốc quan tâm.
Lucy Lu (31 tuổi), cư dân sinh sống tại Thượng Hải, làm việc trong lĩnh vực tiếp thị cho một thương hiệu thời trang trong nước cho biết, cô là một trong nhiều người tiêu dùng đang điều chỉnh lại cách tiêu tiền. “Trước đây, khi muốn mua túi xách hay mỹ phẩm, nếu tôi đã thích, tôi sẽ mua nó mà không cần đắn đo, suy nghĩ kỹ, bây giờ tôi thực sự kiểm tra lại bản thân có cần đến món đồ đó không trước khi rút ví”, Lu cho hay. Giờ đây, cô chuyển sang bỏ tiền vào mua đồ ăn, đồ uống chất lượng vì ưu tiên sức khỏe lên trên.
Các thương hiệu đã bắt kịp xu hướng này bao gồm Kweichow Moutai, được biết đến nhiều nhất với loại rượu bạch tửu trị giá 300 USD/chai, loại rượu Trung Quốc phổ biến trong các bữa tiệc. Tháng 5 năm nay, thương hiệu này hợp tác với công ty sữa Mengniu của Trung Quốc để tung ra một loạt sản phẩm kem có hương vị bạch tửu. Các vị như tiramisu, truyền thống, vani và mận xanh có sẵn với giá dao động từ 50 nhân dân tệ (7,5 USD) đến 66 nhân dân tệ (9,86 USD) mỗi cốc. Ngày đầu tiên ra mắt, công ty này đạt doanh thu 2,5 triệu nhân dân tệ (350.000 USD). Kem của hãng này còn gây ra cuộc tranh luận lớn trên mạng, khi các bên bán tư nhân đóng vai trò là trung gian, bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử với giá cao hơn nhiều lần.
Một tên nổi tiếng khác Zhong Xue Gao - thương hiệu kem cao cấp ở Trung Quốc được biết tới với biệt danh “Hermes của những hãng kem”. Một que kem đắt nhất của thương hiệu này có giá lên tới 13,8 USD. Đại diện công ty Budweiser Brewing khu vực châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) cho hay, các hộp bia cao cấp và bia thủ công được đóng gói cầu kỳ, có giá hàng trăm USD đang được bán chạy đến không ngờ ở thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, các thương hiệu cao cấp đến từ phương Tây đang gặp khó khăn khi những vị khách giảm bớt sự mặn mà. Tập đoàn Burberry và tập đoàn Kering, nơi sở hữu các nhà mốt đình đám như Gucci và Yves Saint Laurent, đều báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc từ tháng 4-6 năm nay giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với những người kinh doanh đồ ăn tự làm và thức uống thủ công, sự thay đổi mới trong hành vi của người tiêu dùng mở ra cho họ cơ hội làm ăn mới. Gerard Low, người sáng lập thương hiệu kem Dal Cuore có trụ sở tại Thượng Hải, nơi một muỗng kem có giá khoảng 40 nhân dân tệ (5,60 USD), có kế hoạch mở cửa hàng thứ 5 tại thành phố lớn này. Sau 2 tuần Thượng Hải bị phong tỏa vào đầu năm nay để ngăn chặn dịch bệnh, lượng khách hàng quay lại ăn kem tăng nhanh chóng. Theo ông Low, các gia đình, là nhóm đến cửa hàng ăn kem đông nhất. “Khi buồn bã về cuộc sống có nhiều thứ không như ý muốn, những thú vui như ăn kem giúp ích cho nhiều người, vì đồ ngọt có khả năng cải thiện tâm trạng của người ăn”, Low nói.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm